Liệu các gia đình có thực sự cần tới một chiếc hộp giải trí có giá khoảng 400-500 USD cho phòng khách của họ? Nếu nói là không thì điều gì lý giải cho sự thành công của các máy chơi game console trong thời gian qua? Nhiều người sẽ nói rằng khi mà máy tính cá nhân, máy tính bảng và điện thoại di động hiện diện ở khắp nơi thì ai còn cần tới một trung tâm giải trí như thế. Nhưng thực tế không phải vậy. Thứ mà người ta cần có trong phòng khách gia đình là một thiết bị kết nối giữa các thiết bị thông minh với màn hình Smart TV của họ. Sự bùng nổ của cuộc cách mạng số thúc đẩy phần cứng thay đổi chóng mặt cùng sự hiện diện khắp nơi của kết nối tốc độ cao. Ngành công nghiệp game đã từng bước lấn sang chiếm lĩnh không gian giải trí phòng khách nhờ tận dụng được thành quả của cuộc cách mạng này, bằng chứng là các “đại gia” như Nintendo, Microsoft hay Sony đã đi tiên phong với các cỗ máy chơi game ngày càng hoành tráng và đa năng như WiiU, Xbox và PlayStation. Hiện nay, các nhà sản xuất PC cũng không chậm chân trong việc tung ra những chiếc mini PC nhỏ gọn, rồi đến loại máy tính phục vụ giải trí đa phương tiện (HTPC) cùng dịch vụ đi kèm như streaming nội dung đa phương tiện hấp dẫn, tiện lợi.
Nhưng quả thật, sự phát triển của máy chơi game console đã đến thời bão hòa. Trong vài năm tới, các máy chơi game có tuổi đời cả thập niên như Xbox360 và PS3 dù vẫn thỏa mãn các game thủ nhưng lại tạo ra trở ngại lớn đối với các sản phẩm thuộc thế hệ kế tiếp như Xbox One của Microsoft và PlayStation 4 của Sony. Trong lịch sử phát triển 20 năm qua của thiết bị chơi game, chúng ta đã chứng kiến vòng đời quãng bảy, tám năm của một thiết bị, nhưng nay dường như quy luật ấy không còn đúng nữa. Bằng chứng là Nintendo không thể đạt được doanh thu kỳ vọng với thế hệ máy chơi game next-gen của mình là Wii U. Đây cũng là lúc các tay chơi mới nổi lên tham gia vào thị trường béo bở này.
Một trong những điểm nhấn được đánh giá cao tại sự kiện WWDC 2013 vừa rồi là Apple đã cho phép các đối tác sản xuất tay cầm chơi game cho các thiết bị chạy hệ điều hành iOS. Đây không chỉ là câu chuyện của iPhone và ngành phụ kiện như trong nhiều năm qua, mà có thể là sự khởi đầu cho chiến dịch xâm chiếm phòng khách gia đình của Apple. Nếu chú ý một chút, có thể thấy rằng việc sản xuất tay cầm điều khiển để chơi game trên màn hình iPhone, thậm chí là cả iPad cũng không đáng để Apple quan tâm như vậy. Chắc chắn họ đang nhắm tới những mục tiêu xa hơn.
Nếu liên tưởng điều đó với các công nghệ đang được Apple đẩy mạnh gần đây, chúng ta sẽ thấy bức tranh dần hiện ra rõ ràng hơn. Giao thức kết nối wifi mới với tên gọi 802.11ac cho phép tốc độ truyền tải tín hiệu lên tới 1.3Gbps, có thể gửi và nhận video chất lượng cao (kể cả định dạng mới 4K) một cách dễ dàng giữa các thiết bị. Và đó chính là điều còn thiếu của Apple TV: một giao thức trao đổi không dây trơn tru, nhanh chóng và ổn định giữa các thiết bị khác nhau. Đây sẽ là nền tảng tuyệt vời để AirPlay thả sức tung hoành. Các nội dung trên iDevice (thiết bị Apple sử dụng hệ điều hành iOS như iPhone, iPad, iPod Touch) sẽ hiển thị dễ dàng theo yêu cầu của người dùng trên màn hình TV gia đình. Tới lúc ấy, vai trò của các trạm phát wifi cũng sẽ không còn quan trọng nữa. Vậy người dùng sẽ muốn chia sẻ những nội dung gì lên màn hình lớn của TV thông qua phương thức kết nối đó? Chẳng có gì khác ngoài phim ảnh và game!
Mới đây, CEO của Apple cho biết họ đã tiêu thụ được hơn 13 triệu sản phẩm, trong đó hơn nửa số này đã được tiêu thụ trong năm 2012 và là một trong những thiết bị nội dung số có thị phần lớn nhất trên thị trường. Nếu không tính Xbox 360 và PS3, Apple TV chiếm tới 71%, vượt xa các thiết bị tương tự như Roku (27%) và Boxee Box (1%).
Cho rằng Apple hiện đang bí mật nghiên cứu một thế hệ TV thông minh chất lượng cao, có khả năng nâng sự trải nghiệm của người dùng lên một tầm cao mới như lời đồn đại đi chăng nữa thì xét về mặt bản chất, nó cũng chỉ là một chiếc TV có khả năng phát trực tiếp tín hiệu truyền hình bên cạnh các dịch vụ nội dung số mà Apple hiện đang cung cấp thông qua iTunes, HBO GO, Netflix và Hulu. Một sản phẩm có tính cách mạng mà chính Steve Jobs từng dành nhiều sự quan tâm cho đến khi ông qua đời thì chắc chắn không thể có giá rẻ được, ít ra cũng phải tương đương với các sản phẩm đang có sức cạnh tranh mạnh trên thị trường hiện nay, tức là khoảng 400-500 USD. Nhưng với các giá trị cơ bản phụ thêm không thực sự vượt trội, liệu giới tiêu dùng có bỏ ra một số tiền nhiều hơn bốn đến năm lần so với giá thành 99 USD của Apple TV? Do đó, xác suất để Apple tung ra một chiếc TV “thần kỳ” là rất nhỏ. Thay vào đó, bạn nên nghĩ tới việc thưởng thức các nội dung trên iPhone, iPad tại màn hình TV hoành tráng một cách thoải mái ngay trên ghế sofa trong phòng khách hoặc dùng ngay Apple TV làm trạm trung chuyển các nội dung mà nó cung cấp để xem trên màn hình của thiết bị di động.