Hôm 26-3, trong sự kiện mới nhất tổ chức tại Steve Jobs Theater ở Cupertino, California (Mỹ), “gã khổng lồ” công nghệ đã ra mắt một loạt sản phẩm mới, trong đó có Apple Card, một chiếc thẻ tín dụng mới được sản xuất cho iPhone.
Apple Card – vừa là một chiếc thẻ kỹ thuật số khi kết hợp với ứng dụng Wallet, vừa là một chiếc thẻ MasterCard – được Apple quảng bá là dễ sử dụng hơn hầu hết các thẻ tín dụng thông thường khác.
Đầu tiên, Apple Card thực sự được tối ưu hóa cho hoạt động thanh toán bằng di động thông qua ứng dụng Apple Pay. Nhưng nếu người dùng chủ yếu chi tiêu tại các nhà hàng hoặc cơ sở khác không dùng Apple Pay, chiếc thẻ này có thể dùng như thẻ tín dụng bình thường. Những người sử dụng thẻ này sẽ được trả lại 2% tiền mặt khi thực hiện tất cả các giao dịch mua sắm thông qua điện thoại và 3% khi mua sắm các sản phẩm của Apple.
Về khía cạnh là một thẻ thanh toán vật lý, một trong những điểm thú vị của Apple Card là không có mã số ở mặt trước hoặc mặt sau. Mặc dù điều này giúp Apple Card có một giao diện tối giản khá hiện đại và phù hợp với xu hướng của Apple, nhưng nó cũng khá hữu ích. Vì số thẻ tín dụng thực tế được tạo ra trong ứng dụng Wallet, người dùng có thể tự đổi số mà không cần thực hiện bất kỳ cuộc gọi nào tới ngân hàng hoặc yêu cầu phát hành một thẻ hoàn toàn mới. Nếu xảy ra một vụ bê bối nhà bán lẻ bị lộ số thẻ tín dụng của khách hàng, người dùng có thể chỉ cần truy cập vào ứng dụng Wallet và nhận số mới.
Điều ngạc nhiên là dù Apple đã quảng cáo tính năng Family Sharing (chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình) cho hầu hết các dịch vụ mới của mình, nhưng người dùng sẽ không thể đưa thành viên gia đình thành người dùng được ủy quyền với Apple Card. Dù đây không phải một yếu tố quá quan trong, song với những ai có xu hướng chia sẻ tài khoản với vợ chồng hoặc các thành viên khác trong gia đình, điều này sẽ là một trở ngại lớn.
Apple Card đi kèm với một chương trình phần thưởng khá hấp dẫn có tên Daily Cash. Những người sử dụng thẻ này sẽ được trả lại 2% tiền mặt khi thực hiện tất cả các giao dịch mua sắm thông qua điện thoại và 3% khi mua sắm các sản phẩm của Apple. So với mức hoàn trung bình 1% của các loại thẻ khác, đây thực sự là một điểm thu hút của Apple Card.
Một yếu tố khiến Daily Cash của Apple Card khác biệt với các chương trình phần thưởng khác là người dùng nhận được những khoản tiền đó mỗi ngày. Trong khi hầu hết các thẻ tín dụng khác yêu cầu phải đợi đến hết tháng để rút được tiền từ khoản thưởng này, Apple Card cho phép người dùng nhận được Daily Cash vào cuối ngày, khi tiền được chuyển vào thẻ Apple Pay Cash.
Bên cạnh đó, Apple cũng quảng bá Apple Card cùng ứng dụng liên kết Wallet sẽ giúp cải thiện “sức khỏe” tài chính của người dùng bằng cách đưa những thông tin về các khoản thanh toán và giao dịch trở nên dễ hiểu hơn. Khi người dùng nhìn vào lịch sử giao dịch của mình, Wallet sẽ lấy thông tin từ Apple Maps để giúp họ nhận dạng bên bán. Wallet cũng sẽ giúp người dùng biết thêm thói quen chi tiêu cá nhân với các biểu đồ màu sắc vốn đã quen thuộc với bất kỳ ứng dụng quản lý tài chính nào.
Một trong những chi tiết quan trọng nhất nhưng không được Apple cập nhiều trong sự kiện ra mắt là tỷ lệ lãi suất của Apple Card. “Trái táo khuyết” cho biết dự kiến mức lãi suất của họ thuộc hàng thấp nhất trong ngành nhưng không đưa ra thông tin cụ thể. Tuy nhiên, thông tin sau đó do Apple đưa ra cho hay lãi suất của Apple Card sẽ dao động trong khoảng 13,24% – 24,24%.
Đó là một biên độ khá rộng và tỷ lệ lãi suất chính xác sẽ thay đổi dựa trên đánh giá tín dụng của người dùng, bên cạnh những yếu tố khác. Nhưng trong khi mức trên không quá cạnh tranh, một chuyên gia cho biết có khả năng Apple Card sẽ hấp dẫn những người có đánh giá tín dụng thấp hơn.