Thông tin từ trang thông tin điện tử của BnF cũng cho biết, trong số các đầu sách về Đông Dương, sách Tiếng Việt chiếm 90%. Đó là số lượng rất đồ sộ, nhưng thật đáng tiếc, hiện nay số lượng sách số hóa lại không được bao nhiêu, vì thế, người Việt chúng ta đa số không ai biết rõ người Pháp đã lưu lại của chúng ta bao gồm những gì!
Đối với những nhà nghiên cứu, người thích đọc sách hay sưu tầm sách cũ thì ba chữ BnF không có gì quá xa lạ. BnF là viết tắt của Bibliothèque nationale de France – Thư viện Quốc gia Pháp. Ở vị trí bên bờ sông Seine trong khu phố Paris Rive Gauche của quận 13, BnF là thư viện lớn nhất nước Pháp.
Bước lên khỏi tàu điện ngầm ở gần trung tâm quận; nơi có rất đông người Việt và người Á châu sinh sống, chúng tôi phải đi bộ thêm một quảng đường khá dài để đến thư viện. Người bạn đi cùng cho biết hệ thống của thư viện này bao gồm 5 địa điểm và 2 trung tâm bảo quản tài liệu; trong đó địa điểm này là chính được mang tên Fran#ois Mitterrand, còn địa điểm lịch sử Richelieu vẫn nằm trong trung tâm thành phố.
Nhìn từ xa có thể trông thấy hai dãy tòa nhà cao lớn nổi bật trong một không gian rộng lớn. Phải nói rằng công trình này mang dáng vẻ bề ngoài rất đồ sộ và sắc nét. Để tạo thành hai dãy tòa nhà đó là bốn tòa tháp lớn và rất cao. Bốn tòa tháp này tạo thành hình dáng của 2 cuốn sách đang mở. Tất cả toàn bộ mặt ngoài đều sử dụng vật liệu thủy tinh trong suốt. Ở khu vực giữa các tòa tháp là một khu vườn lớn được bố trí chìm xuống, đem lại cho thư viện vẻ yên tĩnh, đối lập với sự ồn ào của thành phố bên ngoài.
Thông tin ở các biển gắn bên ngoài cho biết tên của bốn tòa tháp tương trưng với những lĩnh vực tài liệu lưu trữ: Tháp Thời Gian dành cho triết học, lịch sử và khoa học xã hội; tháp Pháp Luật dành cho luật, kinh tế và chính trị; tháp Số dành cho khoa học và công nghệ; tháp Văn Chương dành cho văn học và nghệ thuật.
Bước vào sảnh chính của thư viện, chúng tôi phải đi qua cửa kiểm soát an ninh bằng máy dò rất nghiêm ngặt. Trước mắt chúng tôi có nhiều con đường dẫn đến các khu vực khác nhau. Bước đến khu vực bán vé cho khách vào tham quan và đọc sách, chúng tôi rất vui vì người bán vé tại đây là một người Việt Nam sống lâu năm ở Pháp. Khi biết chúng tôi từ trong nước sang, anh vui vẻ chỉ dẫn rất tận tình. Nghe chúng tôi trình bày muốn đến tham quan khu vực sách Việt Nam và Đông Dương, anh hướng dẫn chúng tôi đến khu vực có đặt nhiều máy điện toán để tìm vị trí mà mình cần đến. Do không gian và mặt bằng của thư viện quá rộng nên anh bạn của tôi phải mất gần 10 phút mới biết tìm ra được vị trí của khu vực mình cần đến, nhưng đó là mới chỉ biết qua sơ đồ…! Theo sự chỉ dẫn đã ghi nhớ, chúng tôi đi phải đi quanh co nhiều lối, cuối cùng mới tìm được vị trí mà mình muốn đến.
Thông tin mà chúng tôi đọc được từ các tài liệu được phân phát tại quầy bán vé thì khu vực này số lượng sách và tài liệu về Việt Nam rất lớn, bao gồm nhiều lĩnh vực. Riêng về sách in có khoảng 90.000 đầu sách được chia thành các tủ sách chuyên ngành, và được lưu tại hai khu vực chuyện biệt theo cấu trúc của BnF: Thư viện dành cho độc giả đại chúng (Haut de jardin) và thư viện dành cho độc giả nghiên cứu (Rez de jardin).
Các phòng đọc của thư viện nằm ở hai tầng phía dưới, có hành lang chạy dọc theo khu vườn. Hầu hết tường, trần của các phòng đọc và hành lang đều được đặt những tấm lưới đan bằng sợi thép không rỉ giúp cách âm. Tầng trên, Haut de jardin là thư viện học tập, mở cửa cho tất cả công chúng trên 16 tuổi được tự do vào lựa chọn. Các tài liệu gồm sách, ấn phẩm định kỳ và tài liệu thính thị thuộc lĩnh vực kiến thức chung được lưu trữ trong nhiều căn phòng dọc khu vườn. Hai khoảng không gian hai phía đầu, dưới chân các tòa tháp, là nơi đón tiếp độc giả. Ngoài ra, Haut de jardin có những không gian dành cho triển lãm và phòng thư mục.
Khác với thư viện học tập, tại thư viện nghiên cứu dưới tầng Rez de jardin, độc giả không được phép lựa chọn sách tại giá. Thay vào đó, thư viện cho lắp đặt một hệ thống đường ray nội bộ dài dẫn điểm lấy sách để phục vụ độc giả. Rez de jardin cũng chính là điểm lưu trữ của bộ sưu tập các tài liệu quý hiếm của thư viện. Tổng cộng hai tầng Haut de jardin và Rez de jardin bao gồm mấy chục phòng đọc, có thể đón tiếp hàng ngàn độc giả.
- Xem thêm: Những đại thư viện hoành tráng
Ngoài hai tầng nói trên, các tòa tháp đều dành 11 tầng cho chức năng lưu trữ tài liệu. Bên cạnh đó, địa điểm này còn bao gồm 2 không gian triển lãm, 2 phòng hội thảo cùng các không gian nhà hàng, quán cà phê, hiệu sách… phục vụ công chúng độc giả của thư viện.
Riêng tại khu vực sách Việt Nam và Đông Dương thì những đầu sách trên giá sách để độc giả đọc tại chỗ chỉ chiếm 1% trên tổng số sách về Việt Nam trong thư viện. Phần lớn sách về Việt Nam “thâm niên’’ hơn thì đã được lưu trữ trong các kho lạnh chuyên biệt trong bốn tòa tháp của thư viện như đã nói ở trên. Vì vậy, số sách trên giá không phản ánh hết lượng sách phong phú mà thư viện có.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết tại kho lưu trữ có tên gọi là Kho sách Đông Dương mà chúng tôi chưa tiếp cận được có riêng một kho sách cổ và các tư liệu liên quan đến Việt Nam gồm các văn tự Hán-Nôm từ đầu thế kỷ XVII cho đến đầu thế kỷ XX; những văn bản đầu tiên được viết tay bằng chữ Quốc ngữ. Đặc biệt là có bản gốc của cuốn từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes cũng đang được lưu trữ tại kho này. Đây là cuốn từ điển đánh dấu sự ra đời của chữ Quốc ngữ, chữ viết hiện đại ngày nay.
Quan trọng hơn cả là trong kho đang lưu trữ một số lượng rất lớn các ấn phẩm được in ở Đông Dương, chủ yếu là ở Việt Nam từ năm 1922 đến năm 1954. Theo luật lưu chiểu trước đây, khi Việt Nam còn là thuộc địa của Pháp, bất kỳ sách nào xuất bản ở Đông Dương, dù là sách báo tự in đều phải nộp hai ấn bản để lưu chiểu; một trong hai ấn bản đó được gửi về Thư viện Quốc gia Pháp.
Thống kê của thư viện cho biết năm 1923, số lượng sách Tiếng Việt và Tiếng Pháp ngang nhau, đến năm 1929 số lượng sách Tiếng Việt đã lớn gấp ba lần số lượng sách Tiếng Pháp. Điều này cho chúng ta thấy tiến trình phát triển của chữ Quốc ngữ trong chặng đường hình thành và phát triển của nó. Với số lượng hơn 12 000 đầu sách, chưa kể các đầu báo, Kho sách Đông Dương này được các nhà nghiên cứu chuyên ngành trên thế giới rất quan tâm và thường đến để tra cứu.
Về những tủ sách khác như tranh ảnh thì phải kể tới bản đồ. Tủ sách này có nhiều bản đồ rất quan trọng và có giá trị lịch sử rất lớn về Đông Dương gồm các nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Hội Địa Lý (Société de la Géographie) đã tặng toàn bộ kho bản đồ về Đông Dương cho khoa Bản đồ (Département des Cartes) của thư viện. Ngoài ra, tại thư viện cũng có một kho tài liệu ảnh và bưu thiếp rất lớn. Nhiều bức ảnh có giá trị lịch sử như ảnh về gia đình vua Bảo Đại, hay chuyến công du đến Pháp của vua Khải Định vào năm 1922 và sự tiếp đón của chính quyền Pháp.
Thông tin từ trang thông tin điện tử của BnF cũng cho biết, trong số các đầu sách về Đông Dương, sách Tiếng Việt chiếm 90%. Đó là số lượng rất đồ sộ, nhưng thật đáng tiếc, hiện nay số lượng sách số hóa lại không được bao nhiêu, vì thế, người Việt chúng ta đa số không ai biết rõ người Pháp đã lưu lại của chúng ta bao gồm những gì!
Do thời gian lưu trú ở Pháp không được lâu, và vì phải dành thời gian cho chuyến tham quan các nước Đông Âu sắp đến nên chưa thể mượn sách từ đây để về đọc, nhưng chúng tôi hỏi cô nhân viên ở đây về cách thức mượn sách thì được cô vui vẻ trả lời: Khi bạn cần một cuốn sách nào đó, trước hết, bạn hãy đưa tất cả chi tiết yêu cầu vào máy điện toán; điện toán chuyển ngay đến trạm chuyên ngành sau khi tiếp nhận, định vị rõ vị trí sách. Thủ kho của trạm đến lấy sách, trám vào chỗ sách một tấm giữ chỗ trống (được đặt tên là “le fantôme – Con ma”). Sách sẽ được để vào giỏ của hệ thống TAD (Transport automatique des documents – Chuyên chở tự động các tài liệu). Sách qua hệ thống TAD sẽ đưa sách đến tận tay người mượn. Khi trả về cũng vậy…
Phải nói rằng Thư viện Quốc gia Pháp không chỉ là nơi lưu trữ, tập hợp các tài liệu phục vụ độc giả, mà nó còn là một biểu tượng tiêu biểu cho sự tiến bộ vượt bậc khi được áp dụng các phương pháp khoa học kỹ thuật tân tiến nhất.
Nước Pháp từ lâu vẫn là một trong những điểm đến hấp dẫn, sự hấp dẫn không chỉ được thể hiện qua những công trình như Nhà thờ Đức Bà Paris, tháp Eiffel, Khải Hoàn Môn… hay các trung tâm mua sắm xa xỉ sang trọng, mà nó còn nổi bật hơn bởi những công trình văn hoá tiêu biểu như Thư viện Quốc gia Pháp, nhà hát Garnier… Điều đó cho thấy bên cạnh một nước Pháp văn minh, xinh đẹp, còn có một nước Pháp của tri thức và tiến bộ hàng đầu của châu Âu.