Theo dữ liệu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được hãng tin Bloomberg trích dẫn, Ấn Độ đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới, với GDP năm 2017 đạt 2.597 ti USD, vượt qua quy mô 2.582 ti USD của Pháp. Trong 10 năm qua, GDP của Ấn Độ đã tăng gấp đôi nhưng nước này có tới 1,34 tỉ dân, nhiều hơn khoảng 20 lần so với Pháp.
Với dự báo tăng trưởng khoảng 7,3% trong vòng hai năm tới, Ấn Độ đang là một trong những nền kinh tế mới nổi tăng trưởng nhanh nhất thế giới. WB dự báo tốc độ tăng trưởng của quốc gia Nam Á này sẽ đạt khoảng 7,5% trong năm 2019-2020.
“Kinh tế Ấn Độ hiện đang tăng trưởng mạnh mẽ, linh hoạt và có tiềm năng tăng trưởng bền vững. Những động lực chính của nền kinh tế này là tăng trưởng trong tiêu dùng cá nhân và đầu tư mạnh mẽ” – Ayhan Kose, Giám đốc Nhóm Triển vọng Phát triển thuộc WB nhận xét.
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ấn Độ sẽ thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2022. Còn theo ngân hàng HSBC, nước này có thể vượt qua Nhật và Đức để trở thành nền kinh tế thứ 3 thế giới trong thập niên tới. Dự báo này cũng nhận được đồng tình của hãng tư vấn Pricewaterhouse Coopers (PwC).
Năm ngoái, PwC dự báo trong vòng ba thập niên tới, kinh tế toàn cầu sẽ bị thống trị bởi Trung Quốc, trong khi Mỹ sẽ mất vị thế và tụt xuống sau Ấn Độ. Hãng này cũng dự báo Nga sẽ trở thành nền kinh tế dẫn đầu tại châu Âu, vượt qua Đức, Anh và Ý với GDP khoảng 7.000 tỉ USD.