Huyện Cù Lao Dung thuộc tỉnh Sóc Trăng có toàn bộ diện tích nằm trên dòng Định An với ba cù lao hợp thành: cù lao Tròn, cù lao Dung và cù lao Cồn Cộc. Với đặc điểm tự nhiên có nhiều bãi bồi sình lầy, ngập nước, huyện Cù Lao Dung là môi trường lý tưởng để các loài hải sản đặc trưng như chù ụ, cá bống sao… sinh sống và phát triển.
Cá bống sao còn được gọi là cá thòi lòi ở nhiều địa phương Đồng bằng sông Cửu Long, còn ở Hải Phòng nó được gọi là cá lác. Sở dĩ cá có tên như thế vì da có những chấm xanh li ti như sao. Cá thường sống ở vùng nước lợ, rừng ngập mặn, làm hang trong bùn ở các bãi bồi ven biển, nhiều nhất là những nơi có nhiều cây bần mọc hoang như những cù lao trên sông Hậu. Thịt cá bống sao săn chắc, mổ ruột cá thấy lá gan to màu hồng, chiếm gần trọn ổ bụng, khi nấu chín có vị béo, bùi và nhân nhẩn đắng do mật tiết ra.
Cá bống sao được chế biến thành rất nhiều món ăn ngon, hấp dẫn. Đơn giản nhất là nướng chồn hay nướng mọi. Cá sống làm sạch để nguyên con, lấy sống lá dừa xuyên qua thân rồi nướng bếp than. Cá chín thơm phức, ngọt ngay. Hoặc cá được ướp với nước màu, tiêu, ớt để kho khô (cũng gọi là kho chồn). Khi nồi cá sôi, cho thêm ít nước cơm vừa chắt để tạo độ sánh. Cá bống sao kho tiêu thịt chắc, mặn mà, ăn với cơm gạo mới thì hết sức ngon miệng.
Nhưng ngon và đặc biệt nhất là nấu canh chua bần với cá bống sao. Bần chín rụng xuống kênh mương lượm về rửa sạch, cho vào nồi nước nấu sôi, vớt bỏ hột. Rau muống hoặc chuối cây non xắt chuẩn bị sẵn. Thả cá vào, nước vừa sôi lại vớt ra ngay, nêm vừa ăn mới cho rau bổi vào, khi canh sôi lại nhắc xuống, sắp cá lên trên.
Canh chua và cá bống sao kho tiêu là món ăn dân dã của miền quê sông rạch nhưng nay đã có mặt trong các nhà hàng sang trọng, tuy nhiên thưởng thức các món ăn này trong nhà hàng không thể đem lại cảm giác “đã đời” như khi con cá tươi rói vừa bắt lên ở xứ cù lao được chế biến trong các gian bếp của nhà nông.