Với phần lớn du khách Việt Nam, đi tour Campuchia thông thường là đến với Siem Reap để chiêm ngưỡng kỳ quan Angkor, sau đó ghé thủ đô Phnom Penh xem hoàng cung, mua sắm… Song với những ai có chút máu phiêu lưu thì một chuyến du hành đến Siem Reap, ngoài mục đích tham quan các di tích còn là cơ hội khám phá những món lạ lùng xứ bạn.
Ngay trên hành trình tới Siem Reap, ở nhiều thị trấn ven đường bạn đã bắt gặp những hình ảnh đặc trưng của ẩm thực đường phố Campuchia mà ấn tượng nhất là những người bán rong với những mâm, những rổ nào là châu chấu, dế, nhền nhện… chiên giòn hay áp chảo, những thứ mà Gordon Ramsay, đầu bếp nổi tiếng “hắc ám” – giám khảo cuộc thi MasterChef ở Mỹ đã phải nhăn mặt kinh hãi, thậm chí… văng tục khi ông ta buộc phải nếm chúng trong khi tham gia một xê-ri phim tài liệu truyền hình gần đây. Không riêng gì Ramsay, hầu hết du khách nước ngoài đều có cảm giác như vậy khi trông thấy những loại côn trùng và độc vật ấy được làm thành món ăn, nói chi phải nhai chúng trong miệng và nuốt! Vì thế, khi đến với xứ Chùa tháp thì hình ảnh họ được chụp với một con nhện chiên đen sì trên tay hay đang đưa chúng vào miệng chỉ có tính chất khoe khoang, làm trò hơn là thưởng thức thật sự một món lạ xứ người.
Tour khám phá ẩm thực đường phố
Với mục đích giúp du khách nước ngoài từng bước làm quen với những món ăn đường phố còn quá xa lạ với họ, đã có một số tour ẩm thực được tổ chức ở Siem Reap với hành trình khám phá và nếm thử những gì được liệt kê trong một bản thực đơn gây sốc! Khách sạn ba sao River Garden nằm bên bờ sông, ở phía bắc thành phố nhưng không xa trung tâm là một trong những nơi bạn có thể đặt tour ẩm thực như vậy nếu tự mình đến với Siem Reap thay vì đi với các công ty lữ hành tại Việt Nam.
Khu ẩm thực ở chợ Phsar Leu luôn tấp nập du khách
Tour bắt đầu lúc 5 giờ chiều. Hướng dẫn viên đưa đoàn khách lên xe tuk tuk đến một khu chợ gần đó, đi cùng là bếp trưởng của khách sạn – người sẽ giải thích, hướng dẫn cách thưởng thức các món ăn bản địa cho khách. Những món ăn ở chặng đầu tiên này không lạ với đoàn khách đa quốc tịch: bánh mì ba-ghết kiểu Pháp ăn với thịt heo và vịt quay. Nhưng chỉ cách đó vài bước chân, ở hàng ăn kế cận là một món đặc sản địa phương: bánh tôm chiên. Khá gần với cách làm bánh tôm hồ Tây Hà Nội, món ăn này ở Siem Reap được chế biến với tép rong, bột gạo pha bột nghệ rồi đem chiên giòn trong chảo ngập dầu và chấm với nước chấm pha chanh, tiêu, muối thay vì nước mắm chua ngọt của bánh tôm hồ Tây. Tép tươi, bánh chiên còn nóng hổi ăn khoái khẩu mà giá lại rẻ, chỉ khoảng 12.000 đồng Việt Nam cho một phần ăn bốn chiếc.
Điểm kế tiếp của hành trình là khu chợ Phsar Leu rộng lớn trên quốc lộ 6 kìn kìn xe cộ, bởi đây là một địa chỉ ẩm thực đã đi vào tất cả sách hướng dẫn du lịch Campuchia trong khi Siem Reap luôn tấp nập du khách nước ngoài, những người tìm đến đây theo tiếng gọi của Angkor Wat, Angkor Thom. Trước hết, theo đề nghị của các hướng dẫn viên, khách thử món bánh rán lá thơm được làm bằng bột gạo trộn với nhiều thứ thảo mộc có hương thơm và các loại gia vị, đem chiên trong chảo ngập dầu, chấm với nước xốt chua ngọt.
Snake fruit – trái mây
Sau khi chén sạch chiếc bánh giá 1.000 riel (khoảng gần 5.200 đồng Việt Nam), khách được mời ăn trái cây ở gian hàng kế tiếp; ngoài các loại quả cũng phổ biến tại Việt Nam như thanh long, xoài, nhãn… còn một thứ trái cây đặc biệt được hướng dẫn viên gọi bằng tên tiếng Anh là snake fruit (trái rắn), có kích thước cỡ trái chuối nhưng vỏ màu nâu đỏ trông như da con rắn với hàng trăm cái vảy. Bóc lớp “da rắn”, bên trong là hai múi ruột có vị ngọt dịu hơi chua. Hai quả giá 1.000 riel. (*)
Hãy ăn từng chút một và cố lên!
Rời chợ Phsar Leu, đoàn khách lại lên xe tuk tuk trực chỉ khu vực ẩm thực đường phố ở Siem Reap, cách trung tâm thành phố chỉ vài phút ngồi xe. Đây mới thực sự là nơi để khám phá những đặc sản lạ lùng nhất của đất Angkor. Bên cạnh các gian hàng bán mì, cơm… là những xe, những sạp bán những là dế, châu chấu, gián nước (water beetle – một loại bọ cánh cứng sống dưới nước), nhện, bò cạp… và cả ễnh ương, nhái bén, nhộng tằm. Hầu như mọi loại côn trùng không độc và ăn được đều có mặt tại đây; tất cả đều được chiên hay rán, thoảng mùi ngũ vị hương.
Ít ai dám ăn nhện
Gián nước chiên giòn
Ăn dế có cảm giác như ăn tôm, bùi và béo hơn
Khách được đầu bếp của khách sạn giải thích cách người địa phương hoặc bắt hoặc nuôi, cùng cách chế biến các loại côn trùng, sau đó hướng dẫn cả đoàn ăn một vài con “dễ coi” nhất như dế, châu chấu. “Hãy ăn từ từ, chút một để làm quen dần” – anh nói. Dế chiên giòn khá giống món tôm rang cháy cạnh, bùi và béo ngậy trong khẩu cái. Chỉ sau khi cái cảm giác ghê ghê, rờn rợn qua đi, mới thấy hóa ra món ăn này cũng… hấp dẫn, ngon miệng! Những chú ễnh ương được kẹp trong que tre nướng vàng thơm nức thì quá dễ ăn.
Biểu diễn trước ống kính
Cả rổ nhái bén, chẫu chàng, ễnh ương…
Dù người hướng dẫn tận tình giải thích và ăn một cách ngon lành mấy con nhện, bò cạp, gián nước “làm mẫu” cho đoàn khách, cũng chỉ có đôi ba anh chàng trông thật bặm trợn dám “gồng mình” làm theo. Nhu vậy cũng là một thành công đáng kể đối với tour ẩm thực này. Với khách phương Tây, cần có thời gian hơn nữa. Còn đối với du khách người Việt, những con dế, châu chấu, nhộng… không có gì xa lạ: ở TP. Hồ Chí Minh và vài nơi khác đã có những quán ăn chuyên bán món côn trùng nuôi. Kết thúc bữa ăn đường phố kiểu Siem Reap, khách được khuyên hãy thử tráng miệng bằng trái cọ, cả nước lẫn cái. Trái cọ cũng gần giống như trái dừa nước nhưng vị ngọt và thơm hơn.
Giá tour khoảng 300.000 đồng, tất nhiên còn phải trả tiền cho các món ăn trong mấy chặng của hành trình. Chi phí bỏ ra là quá rẻ để được tìm hiểu và khám phá ẩm thực đường phố ở Siem Reap.
Trường Giang
(*) Trên một số tuyến đường tại TP. Hồ Chí Minh có bán loại trái này, người bán gọi nó là trái mây, được cho là mây Thái Lan. Theo nhà dinh dưỡng học Phan Đức Bình thì thuở còn nhỏ ông đã từng ăn loại trái mây gai, được hái từ các khu rừng ở miền Trung. Thịt trái mây gai ăn khá bổ dưỡng vì chứa nhiều nguyên tố vi lượng quý