Là một trong những đất nước nhỏ và nghèo nhất ở châu Âu, khác với những quốc gia lớn trong khu vực, một thời gian dài, Albania như ẩn mình với thế giới. Có lẽ nhờ thông tin do giới sành du lịch đăng trên mạng mà vài năm gần đây, nước này trở thành điểm đến có sức hút mạnh mẽ đối với dân du lịch balô. Lý do khá đơn giản: Albania có đủ phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, từ núi đồi đến bãi biển cùng nhiều di tích văn hóa lịch sử, con người thân thiện và giá sinh hoạt rất rẻ. Với những thông tin hấp dẫn như trên cô bạn học chung Stacey rủ rê chúng tôi làm một chuyến đi cuối tuần về nhà bạn mình ở Berat.
Butrint, thành cổ Hy Lạp trên đất Albania
Từ thủ đô Athen của Hy Lạp, sau 12 giờ ngủ đêm trên xe bus, chúng tôi đến Saranda – tỉnh biên giới phía nam Albania. Cả nhóm quyết định thuê một chiếc taxi với giá 40 euro/ngày để di chuyển vì phương tiện giao thông chính ở Albania là những chiếc xe buýt cũ kỹ, không có máy lạnh mà cũng chẳng tuân theo lịch trình gì cả.
Khởi đầu hành trình, chúng tôi dành hẳn buổi sáng để thăm Butrint – một di chỉ khảo cổ ở Saranda – theo con đường được xây dựng từ năm 1959. Butrint nằm trên một ngọn đồi thấp nhưng có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trên eo biển Corfu vì được bao quanh bởi con kênh Vivari, tạo nên một địa thế phòng thủ tự nhiên tuyệt vời. Thời xưa, nơi đây được gọi tên theo vài cách, nếu Bouthroton hoặc Bouthrotios theo tiếng Hy Lạp cổ thì Buthrotum theo tiếng Latin. Theo lịch sử La Mã cổ đại, người sáng lập ra Butrint là nhà tiên tri Helenus – con trai vua Priam thành Troy. Có nhiều bằng chứng khảo cổ chứng tỏ nơi đây từng là nơi cư ngụ của con người thời tiền sử, từ khoảng giữa thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ VIII trước Công nguyên. Thời kỳ đế chế La Mã, Butrint trở thành một vùng đất sầm uất, dân cư đông đúc. Trải qua nhiều biến đổi thăng trầm, Butrint bị rơi vào quên lãng. Sự cố lớn nhất xảy ra năm 1799, khi một trận lụt biến vùng đất này trở thành đầm lầy, sau đó các loài ký sinh trùng có cơ hội sinh sôi nảy nở, thường xuyên gây ra dịch bệnh nên rất ít người trụ lại được.
Đến tận năm 1928, các cuộc khai quật khảo cổ mới được tiến hành ở đây. Một đoàn thám hiểm được chính phủ Ý gửi tới theo thỏa thuận với chính quyền sở tại để nghiên cứu, phát hiện những dấu vết của con người thời cổ xưa. Trong đoàn thám có một chuyên gia khảo cổ học tên là Ugolini. Ông đã cho tiến hành nhiều nghiên cứu về lịch sử và quá trình phát triển Butrint. Năm 1936, Ugolini qua đời nhưng các công trình nghiên cứu của ông vẫn được tiếp tục. Đến năm 1943, Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ nên công việc bị dừng lại. Sau chiến tranh, các cuộc nghiên cứu lại tiếp diễn. Trong thời kỳ này, các nhà khoa học đã có nhiều khám phá mới về nền văn minh Hy Lạp và La Mã cổ. Khi chính quyền độc tài của Enver Hoxha lên nắm quyền ở Albania (năm 1944), các nhà khảo cổ nước ngoài không được phép nghiên cứu nữa, chỉ có người Albania mới được tiếp cận cũng như tiến hành các cuộc nghiên cứu về vùng đất này. Năm 1970, Viện Khảo cổ Albania bắt đầu mở rộng việc khai quật Butrint, lập nhiều kế hoạch phát triển, bảo tồn. Nhờ đó, UNESCO đã công nhận Butrint là di sản văn hóa thế giới. Năm năm sau, UNESCO xếp Butrint vào danh sách những di sản thế giới có nguy cơ bị đe dọa vì nạn cướp phá khiến di tích bị hư hại rất nặng nề.
Năm 2000, chính phủ Albania đã thành lập Vườn quốc gia Butrint với sự giúp đỡ của nhiều tổ chức và nhà tài trợ. Từ đó, tình trạng cướp bóc cũng như phá hoại di tích ở đây hầu như không còn và nhiều năm nay, du khách đến Albania thường không bỏ qua điểm đến này. Khác với nhiều di chỉ khảo cổ thường nằm sâu dưới lòng đất, Butrint là một di chỉ lộ thiên với những bức tường đá đã mòn nhẵn theo thời gian, nhiều tranh khảm có giá trị và cả một khán đài cùng sân khấu ngoài trời. Sau khi ngắm nghía những minh chứng sống đó thì tòa tháp tên là Venetian nằm trên đỉnh đồi là đích đến của cả đoàn. Nơi đây trưng bày nhiều hiện vật quý, nổi bật nhất là bức tượng nữ thần Butrint – một hình mẫu đại diện cho vẻ đẹp Hy Lạp cổ điển. Từ đỉnh đồi phóng tầm mắt ra có thể thấy hồ nước xanh, thấp thoáng trong vườn cây ôliu, còn tít xa là eo biển Corfu với những chuyến phà đưa du khách từ Hy Lạp đến Saranda…
Berat – thành phố ngàn cửa sổ
Tạm biệt Saranda, chúng tôi ngược lên phía bắc để đến với Berat – thành phố nằm ở phía nam vùng trung tâm của Albania. Đường sá ở đây tương đối nhỏ hẹp nhưng khá tốt, cây cỏ xanh tươi dù tiết trời hơi oi bức. Chúng tôi chợt nhận ra một điều lạ là có rất nhiều khối bê tông xám xịt hình nấm tròn nằm dọc hai bên đường. Hỏi chuyện anh tài xế mới biết đó là những hầm trú ẩn được xây dựng từ thời chiến tranh lạnh. Trong vòng hai thập niên, ông Enver Hoxha đã cho xây 750.000 hầm, nghĩa là cứ bốn người dân có một cái để chui vào trú khi có bom rơi đạn nổ. Hệ thống hầm ấy giăng khắp cả nước như một mạng nhện kiên cố, từ thành thị tới nông thôn, từ rừng núi ra bờ biển. Có thể nhận ra nước cộng hòa trên bán đảo Balkan này từ trên ảnh vệ tinh qua đặc điểm “khác người” đó. Nghe nói cách đây không lâu, ông thị trưởng thủ đô Tirana đã nghĩ ra một giải pháp khá độc đáo là cho sơn màu tất cả các nắp hầm dọc đường từ sân bay về trung tâm để khách du lịch đỡ bị ám ảnh bởi những vết “mụn nhọt bê tông” ấy và tận dụng một số hầm thích hợp để làm quán bar hay cửa hàng bách hóa.
Là một trong những đô thị lâu đời nhất ở Albania, Berat từng giữ vai trò quan trọng thời đại Ottoman, là trung tâm chuyên cung cấp những món đồ thủ công điêu khắc gỗ. Theo sử sách, thành phố được hình thành từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên và đã trải qua thời hoàng kim dưới đế chế Byzantine của hoàng đế Theodosius trong thế kỷ thứ IV. Tuy vậy, vẻ duyên dáng, lãng mạn của nó chỉ thực sự có được nhờ kiến trúc Ottoman của những ngôi nhà được xây dựng từ thế kỷ thứ XIII. Ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng du khách về Berat chính là những kiểu nhà mang phong cách truyền thống Balkan, nằm nép mình bên những sườn đồi. Nhà ở đây thường hai tầng, tầng dưới bằng đá, tầng trên sơn màu trắng với nhiều ô cửa sổ gỗ màu nâu, mái được phủ bằng gạch gốm đỏ. Sự khác biệt của mỗi ngôi nhà là khung cửa chính với những gam màu đậm như cam, xanh, đỏ… Trước mỗi nhà thường treo nhiều giỏ hoa nhỏ xinh hay giàn nho rủ, nhìn từ xa như những hộp gỗ xếp chồng lên nhau với hàng ngàn ô cửa. Năm 2008, UNESCO công nhận đây là di sản văn hóa thế giới.
Theo hướng dẫn của Luljeta – cô bạn của Stacey, chúng tôi leo lên thăm pháo đài cổ Kala nằm trên một ngọn đồi trước khi mặt trời đứng bóng để tránh ánh nắng gay gắt, chói chang. Nhìn từ trên cao, thành phố mang hình một tam giác đỏ nổi bật nhờ đường viền bằng cây cối xanh thẫm. Pháo đài được xây dựng lần đầu hồi thế kỷ thứ IV trước Công nguyên. Qua nhiều thăng trầm của lịch sử, từng bị phá hủy và trùng tu, kiến trúc của lâu đài hiện nay đã khác xưa nhiều, cơ bản là theo thiết kế được thực hiện hồi thế kỷ thứ XIII.
Dù vắng vẻ nhưng nơi đây vẫn có người sinh sống. Rải rác trên dây phơi là các tấm vải ren và sợi dệt tay đủ màu phấp phới. Từ đỉnh đồi nhìn xuống, chúng tôi thấy rõ nhiều nóc nhà thờ và giáo đường của Berat. Cô Luljeta cho biết ngay từ trước cuộc xâm lăng của người Ottoman, đã có hàng chục nhà thờ Byzantine được xây từ thế kỷ XIII. Những nhà thờ này cùng các nhà thờ Hồi giáo được xây về sau đều bị thời gian xói mòn, phần còn lại bị chuyển thành nhà kho từ sau năm 1967. May là khá nhiều di vật văn hóa vẫn được gìn giữ, điển hình là những bức tranh do họa sĩ tài năng của dân tộc Albania tên là Onufri vẽ hồi thế kỷ thứ XVI, được trưng bày trong một bảo tàng nhỏ. Từ đỉnh đồi, chúng tôi thong dong xuống dốc, đi ngang qua một nhà thờ Thiên Chúa giáo khá đẹp, độc đáo và tuyệt vời hơn nữa là còn hoàn toàn nguyên vẹn.
Quận Mangalem dưới chân pháo đài được hình thành từ thời Trung cổ. Chúng tôi dạo bước trên cây cầu cổ Ahmet Kurt Pasha, được xây từ năm 1780, đón chút gió mát từ mặt sông Osum. Luljeta kể rằng theo truyền thuyết của vùng này, ngày xưa, có hai chàng trai là Tomorr và Shpirag cùng yêu một cô gái xinh đẹp. Cả hai đánh nhau bất phân thắng bại và cùng chết rồi biến thành hai ngọn núi mang tên mình. Cô gái khóc như mưa, rồi chìm dần trong biển nước mắt của mình, biến thành dòng sông nằm giữa hai ngọn núi ấy. Giờ đây Berat duyên dáng nằm bên dòng Osum hiền hòa lờ lững chảy, bên phải là ngọn núi Shpirag, bên trái là ngọn núi Tomorr. Có lẽ người Albania không cần cố gắng nhiều để bảo tồn một Berat thưa dân. Những đường phố được lát đá tuy nhỏ nhưng sạch sẽ. Thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp những chú lừa trên đường, cõng trên lưng các thùng rượu Rakia ủ từ các loại quả và hạt óc chó – một loại đặc sản địa phương.
Berat thanh bình với những ngôi nhà có nhiều ô cửa sổ là điểm đến tuyệt vời nhất trong hành trình của chúng tôi. Nơi này đọng lại trong tôi những kỷ niệm đẹp khó quên trong lần hiếm hoi được tới đất nước Albania nhỏ bé, duyên dáng này.