Sau nhiều nỗ lực tiếp thị thành công trong những năm gần đây, ngành sản xuất máy bay tiếp tục tỏa sáng tại Hội chợ hàng không quốc tế diễn ra đầu tuần qua tại Paris, khi cả Airbus và Boeing cạnh tranh để đạt được các gói hợp đồng có tổng trị giá lên đến mức kỷ lục 157,2 tỉ USD. Chỉ trong vài giờ đầu tiên sau khi hội chợ khai mạc, cả hai nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới đã có được những bản hợp đồng mới trị giá nhiều tỉ USD, đặc biệt đến từ các hãng bay đang tăng trưởng mạnh tại thị trường Trung Đông và châu Á. Đáng kể là thỏa thuận đạt được giữa Airbus với Saudi Arabian Airlines với 20 mẫu máy bay mới tung ra A330-300 Regional và 30 mẫu A320neo với tổng giá trị mậu dịch lên tới 8,2 tỉ USD. Bản hợp đồng này được ký kết sau khi Tổng thống Pháp François Hollande gặp gỡ ban giám đốc của hãng bay này hồi tháng 5-2015 trong hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Vùng Vịnh diễn ra tại Ả Rập Saudi. Ngoài ra, Airbus cho hay hãng bay Garuda Indonesia cũng đã ký thư ngỏ mua thêm 30 mẫu A350 XWB đạt tổng giá trị 9 tỉ USD. Cũng hãng bay này của Indonesia đã cam kết mua thêm 30 mẫu bay 787-9 Dreamlines và 30 chiếc 737 MAX8 của Boeing với giá trị lên tới 10,9 tỉ USD. Tập đoàn sản xuất máy bay Mỹ cũng cho hay Qatar Airways đã đặt hàng 10 chiếc 777-8X và bốn chiếc 777 với giá trị hợp đồng khoảng 4,8 tỉ USD. Trong khi đó GE Capital Aviation Services của Mỹ đặt mua 60 chiếc Airbus A320neo với giá trị 6,4 tỉ USD. Tính đến ngày thứ ba của hội chợ, Airbus đạt được đơn đặt hàng của 421 chiếc máy bay (107 tỉ USD) trong khi Boeing là 331 chiếc (50,2 tỉ USD). Nỗ lực lớn nhất giúp Airbus chiến thắng Boeing tại hội chợ năm nay chính là chốt được hợp đồng 110 mẫu A321Neo với công ty cho thuê phi cơ WizAir của Hà Lan.
Mặc dù số lượng máy bay bán ra trong những ngày đầu tiên của hội chợ năm nay thấp hơn số lượng của năm ngoái, nhưng cả hai nhà sản xuất tin rằng đi cùng nền kinh tế thịnh vượng tại châu Á, Trung Đông và nhu cầu đi lại gia tăng của người dân, số lượng đơn đặt hàng sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm nay. Airbus gia tăng mức dự báo tăng trưởng trong 20 năm tới thêm 4% lên 32.600 máy bay đặt mua. Trong một thập niên tới, cả Airbus và Boeing sẽ phải gia tăng hết năng suất sản xuất khi có ít nhất 12.000 máy bay phải giao hàng. Ngay GE Aviation, nhà sản xuất động cơ máy bay cho cả Boeing và Airbus, cho hay họ cũng đang đối mặt với nhiều thử thách trong khâu sản xuất khi nhu cầu tăng quá nhanh và quá cao trong ba năm tới. Trong khi cả hai nhà sản xuất khẳng định chưa có bất kỳ mẫu máy bay mới nào được cho ra mắt trong thời gian tới, Airbus tiếp tục khôi phục dấu ấn của chiếc máy bay dân dụng lớn nhất hành tinh A380 sau khi đối mặt với hàng loạt thất bại thảm hại về doanh số bán ra. Tương tự, Boeing cố gắng cải thiện khả năng hoạt động tối ưu của Boeing 787 Dreamliner khi chiếc máy bay này đã liên tục mắc phải hàng loạt vấn đề kỹ thuật kể từ khi xuất xưởng ba năm trước.
Trước thềm hội chợ triển lãm tại Paris, Airbus dẫn trước Boeing về số máy bay đặt hàng trong năm nay, với 247 so với 175.
Lâm Kiên theo Reuters (DNSGCT)