Cách Mumbai khoảng 300km về phía bắc, Ahmedabad, thành phố cổ nằm ở khu vực Tây Bắc Ấn Độ là nơi từng chứng kiến sự phát triển rực rỡ của đạo Hồi, đạo Jain rồi trở thành thành phố công nghiệp thời thuộc Anh và hiện nay là một trong những thành phố khoa học – công nghệ hiện đại của Ấn Độ.
Lịch sử nhiều thăng trầm đã để lại cho Ahmedabad một di sản giàu có các kiến trúc đa dạng và những nét đặc sắc riêng.
Những kiến trúc có một không hai
Dù đã có những khu cao ốc chọc trời và các trung tâm mua sắm sang trọng, giao thông ở Ahmedabad vẫn hỗn loạn như đa số các thành phố trên đất nước Ấn Độ. Đường phố đông nghẹt người đi bộ, lạc đà, bò, xe dê kéo, xe tay ga, xe đạp, ôtô…
Tất cả đều mải miết tranh giành từng khoảng không gian chật chội trên con đường không có đèn xanh đèn đỏ cũng như bất cứ tín hiệu giao thông nào. Bất chấp những tiếng còi ôtô inh ỏi, các xe lôi ba bánh vẫn tỉnh bơ đi giữa đường và thích dừng lại lúc nào thì dừng.
- Xem thêm: Đền đài và cảnh đẹp quyến rũ ở Karnataka
Bên đường, cảnh sát ngao ngán vẫy vẫy chiếc dùi cui cho có lệ. Phương tiện giao thông phổ biến nhất ở đây là loại xe này với tấm vải bạt được phủ trên đầu. Xe được thiết kế để chở hai khách nhưng thường xe nào cũng nêm tới ba người ngồi thật chật.
Nhóm ba người chúng tôi quyết định thuê một chiếc của bác tài trẻ có bộ râu xồm xoàm. Với vốn tiếng Anh vài từ bập bẹ, anh này ra giá đưa chúng tôi vòng quanh Ahmedabad gần cả ngày với 600 rupee. Sau một hồi kỳ kèo, giá giảm xuống còn 450 rupee (khoảng hơn 200 ngàn đồng). Thống nhất giá cả xong, chúng tôi lên đường.
Tọa lạc bên dòng sông Sabarmati, Ahmedabad được vua Ahmed Shah thành lập năm 1411 để làm thủ đô của Vương quốc Hồi giáo Gujarat (ngày nay Ahmedabad là thủ phủ của bang Gujarat). Sau những năm đầu xây dựng thành phố, năm 1423, nhà vua quyết định xây dựng một thánh đường Hồi giáo mang tên Masjid thật uy nghi. Thế là 13 năm liên tục sau đó, cư dân thành phố phải tích cực tham gia vào việc xây dựng ngôi đền bằng sa thạch màu vàng lộng lẫy này.
Có kiến trúc độc đáo kết hợp giữa phong cách Ấn Độ giáo và Hồi giáo, Masjid gồm 15 mái vòm được nâng đỡ bởi 260 trụ đá. Phía tây đền là một đại sảnh ớn cũng có 260 cây cột được chạm khắc rất tỉ mỉ. Bên trong, sân trung tâm được lát đá hoa cương trắng và có hồ bơi rất rộng ở giữa.
Gần lối vào phía đông là khu lăng mộ của hoàng gia. Sau gần sáu thế kỷ tồn tại, khu đền vẫn còn nguyên vẹn đến từng đường nét điêu khắc. Nhìn từ mọi góc công trình này đều đẹp tuyệt vời, đến nỗi nhiều du khách cứ đứng tần ngần rất lâu không muốn đi khỏi đền.
Điểm đến tiếp theo của chúng tôi là đền Hatheesing của đạo Jain (người Việt vẫn gọi là Kỳ Na giáo). Không đồ sộ như Masjid nhưng ngôi đền được xây toàn bộ bằng cẩm thạch trắng này xứng đáng gọi là đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc.
Mọi chi tiết của đền đều được trang trí bằng tượng, phù điêu hay các nét chạm khắc cực kỳ tinh xảo thể hiện trí tưởng tượng bay bổng của người xưa. Hatheesing được xây dựng vào năm 1850 do một thương gia giàu có của thành phố để tưởng nhớ đến Dharamnath, tông đồ thứ 15 của đạo Jain.
- Xem thêm: Sa mạc Thar bí ẩn
Bao quanh ngôi đền chính hai tầng là một sân lát đá nhẵn bóng, ngoài cùng là dãy hành lang đồ sộ được tạo bởi năm mươi hai ngôi đền nhỏ cũng bằng cẩm thạch. Mỗi đền thờ hình ảnh của một bậc thầy đắc đạo với nhiều tác phẩm điêu khắc có đề tài phong phú. Nghe nói Hatheesing được xây dựng với kinh phí 10 triệu rupee, một số tiền khổng lồ vào thời đó.
Đến thăm nhà Gandhi
Trái ngược với Masjid chỉ một màu vàng sa thạch và Hatheesing chỉ toàn màu đá trắng, đền Swaminarayan lại rất rực rỡ với vật liệu đá và gỗ nhiều màu sắc. Những bức tượng trang trí cũng có màu sắc lung linh và được chạm trổ tuyệt đẹp. Là một ngôi đền tráng lệ nằm giữa những con phố hẹp trong thành cổ, Swaminarayan luôn ồn ào náo nhiệt với những xe đẩy bán hàng và các nhóm phụ nữ mặc sari đủ màu tụ tập hàn huyên.
Trong ánh nắng buổi sáng chói lọi, đời sống Ahmedabad dù có đôi chút xô bồ nhưng vẫn thu hút cặp mắt quan sát của những du khách tò mò. Không biết có phải việc đời sống tâm linh được coi trọng đã tạo ra vẻ bình thản, kiên nhẫn của người dân. Vua chúa tạo ra những đền đài thật kỳ vĩ, lộng lẫy, còn người dân nhiều đời nay cứ sáng sớm vào đền cầu nguyện, xong rồi hồn nhiên trở về cuộc sống chen chúc trong những con phố chật hẹp, cũ kỹ.
Buổi trưa, chúng tôi nghỉ ngơi tại một quán ăn bên hồ Kankaria. Toàn bộ bờ hồ được lát gạch, kè đá và có nhiều hình trang trí cổ rất nghệ thuật. Từ giữa thế kỷ XV, hồ đã được hoàng gia biến thành điểm nghỉ mát với một cung điện mùa hè tráng lệ có tên Nagina Wadi và một khu vườn trên hòn đảo ở trung tâm của hồ.
Giờ đây, những vườn hoa rợp bóng mát, các câu lạc bộ chèo thuyền, bảo tàng lịch sử tự nhiên và sở thú xung quanh hồ đã biến Kankaria thành nơi vui chơi của cả du khách lẫn dân địa phương. Chiều chiều, trai gái tấp nập đi dạo quanh hồ, những tà áo sari mỏng manh đủ màu trông xa như những cánh bướm đậu bên bờ kè. Chúng tôi vừa ngắm cảnh vừa phải liên tục từ chối những lời mời mua hàng lưu niệm quá sức nhiệt tình.
Nằm sát bên dòng sông Sabarmati, ngôi nhà của Mahatma Gandhi, người lãnh đạo phong trào Tự do Ấn Độ giờ đây đã là một bảo tàng nổi tiếng. Khu nhà vườn này mang kiến trúc đặc trưng của nhà cửa trong vùng: nhà có hàng cột thanh nhã, mái lợp ngói nâu nằm dưới những hàng cây im mát.
Không gian thật tĩnh lặng, trái ngược với các đường phố lớn ồn ào ngay ngoài kia.Gujaratvốn là quê hương của Gandhi, những năm cuối đời ông cũng dành phần lớn thời gian lưu trú tại ngôi nhà này.
Sau khi ông mất, ngôi nhà trở thành một bảo tàng thu hút khá đông khách du lịch trong – ngoài nước thăm viếng và bày tỏ lòng thành kính. Ở giữa sân, bức tượng Gandhi đang ngồi nhìn rất có thần và sinh động.
- Xem thêm: Một Ấn Độ dịu dàng ở Amritsar
Chẳng ai bảo ai mà các du khách đều rón rén khi đi tham quan đồ đạc giản dị của vĩ nhân này. Hình ảnh, thư từ, đồ vật trưng bày khá hấp dẫn và có giá trị thông tin lớn về một thời kỳ lịch sử của đất nước Ấn Độ. Ngoài vườn, những làn gió mát rượi từ sông Sabarmati, nơi lưu giữ tro cốt của Gandhi vẫn liên tục thổi.
Dù được đề cử tới bảy lần, Gandhi vẫn chưa bao giờ được trao giải Nobel hòa bình. Do vậy, ông thường được dân địa phương gọi vui là “người suýt đoạt giải”. Khi còn sống, Gandhi đã nhận được vô số lá thư từ những người ủng hộ phong trào độc lập. Mặc dù lúc bấy giờ, địa chỉ không rõ ràng và chi tiết, nhưng tất cả các bức thư đều đến được tay ông. Xem ra dịch vụ bưu chính Ấn Độ làm việc khá hiệu quả giữa bầu không khí chính trị căng thẳng lúc bấy giờ!
Điểm tham quan cuối cùng trong ngày của chúng tôi là khu Thành phố Khoa học (ScienceCity) của Ahmedabad. Đây quả là niềm tự hào của một Ấn Độ đang ra sức hiện đại hóa đất nước. Các phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu ở đây nằm giữa các vườn cây xanh đẹp và quy củ không kém gì châu Âu.ScienceCitythật tương phản với những dãy nhà cũ kỹ ngay bên cạnh nó. Nhưng cũng như các phố chợ nhếch nhác nằm bên những đền thờ kỳ vĩ, dường như sự đối lập này đã làm nên vẻ đặc trưng cho đất nước Ấn Độ nhiều điều lạ lùng.