Chuyến tàu đêm từ New Dehli dừng ở Amritsar lúc hơn 5 giờ sáng, chúng tôi cùng mấy gia đình người Ấn Độ leo lên chiếc rickshaw (tương tự như xe lam ở ta) để kịp viếng đền Vàng trước lúc bình minh. Xe vừa chạy qua vài khu phố vắng đã thấy khung trời trước mặt sáng le lói. Cứ tưởng xứ này mặt trời mọc hơi sớm. Nhìn kỹ hóa ra không phải. Quầng sáng một góc trời đó chính là khu đền Vàng đèn đuốc rực rỡ.
Thánh địa Vàng bình yên
Amritsar là thủ phủ của tỉnh lỵ cùng tên, thuộc bang Punjab nằm ở phía tây bắc Ấn Độ. Thành phố hơn triệu dân này hằng năm đón đến 6 triệu du khách nhờ Harmandir Sahib – khu đền Vàng nổi tiếng. Đền Vàng được coi là đất Thánh của hơn 20 triệu người theo đạo Sikh trên khắp Ấn Độ. Rất dễ nhận ra một người đàn ông theo đạo Sikh giữa đám đông nhờ chiếc khăn xếp công phu trên đầu. Chúng tôi xuống xe khi trời còn tối đen nhưng lối vào đền đã chật kín những đoàn người đi lễ. Nhích từng bước một trong không khí trang nghiêm, du khách có dịp chiêm ngưỡng khu đền xây bằng cẩm thạch trắng và vàng ròng từ từ đổi màu trong lúc trời chuyển từ đêm muộn sang rạng đông. Ban đầu là màu xanh tím, rồi chuyển sang màu hồng và cuối cùng là vàng rực dưới ánh dương.
Không giống với các đền đài Ấn Độ giáo thường được xây bằng đá đồ sộ, thánh địa được hoàn thành vào năm 1604 này có kiến trúc thanh thoát nhưng vẫn lộng lẫy nhờ sử dụng vật liệu cao cấp. Tòa tháp trung tâm đền có tầng 1 xây bằng đá cẩm thạch trắng, tầng 2 được mạ vàng, phần mái vòm được dát bằng 750kg vàng nguyên chất. Chúng tôi theo chân các tín đồ đi một vòng quanh hồ nước rồi bước qua một cánh cổng bạc để lên cầu đi ra đền. Trên tay mỗi người đều cầm đồ lễ là ít xôi đựng trong một chiếc bát bằng lá cây khô nén chặt. Cây cầu bằng đá cẩm thạch dài khoảng 200m. Trước khi bước qua cửa, các tín đồ Sikh thành kính dừng lại, cúi xuống chạm tay vào bậc cửa rồi đặt tay lên trán và tim mình.
Từ trong khuôn viên đền nhìn ra, không thấy bất kỳ kiến trúc nào khác ngoài bốn tòa nhà dài màu trắng bao quanh hồ nước thiêng. Nội thất đền trang trí vừa phải nhưng rất đẹp và tinh xảo. Do Chúa Trời trong đạo Sikh không có hình thù, không có giới tính và không mang hình dáng con người nên trong đền không thờ tượng thần. Các hoa văn trên tường được mạ vàng hoặc làm bằng đá quý cẩn vào tường cẩm thạch, chủ yếu là hình hoa lá cỏ cây và các câu giáo lý. Cũng như sông Hằng linh thiêng trong Ấn Độ giáo, những người Sikh coi nước hồ ở đền là nước thần nên rất nhiều người đàn ông trầm mình dưới hồ hướng về phía ngôi đền cầu nguyện.
Nắng bắt đầu lên cao, trời nóng như thiêu như đốt, nền lát đá cẩm thạch trong đền sáng trắng và nóng rực. Đền Vàng cầu kỳ với những mái vòm mạ vàng và kiến trúc kiểu tháp phản chiếu vẻ vương giả của mình trên mặt hồ xanh trong. Khách hành hương thay phiên nhau đến gần mép hồ, nhúng tay xuống nước rồi lần lượt vã nước lên mặt hoặc ngâm người dưới hồ. Trong khi những người đàn ông cẩn thận tránh cho chiếc khăn xếp rực rỡ sắc màu của họ bị nhúng nước thì phụ nữ ngâm mình kín đáo sau những tấm khăn sari vải tơ tằm. Dù thời tiết nóng nực, đám đông vẫn thư thái ngồi khoanh chân đầy tôn kính cạnh bờ hồ hoặc trong bóng râm.
Thăm đền xong, chúng tôi vào Guru-Ka-Langar, nơi phục vụ thức ăn miễn phí cho khách hành hương. Tất cả khách đến đền, bất kể tôn giáo nào cũng được chào đón. Bữa ăn tập thể này bữa ít thì vài ngàn người, bữa đông nhất có khi lên tới 40 ngàn người. Vậy mà Guru-Ka-Langar luôn giữ được sự tươm tất, hòa nhã. Tôi ăn hết sạch phần ăn trong khay của mình, gồm bánh mì dẹt, cà ri đậu và cả cháo sữa dê có mùi hơi lạ. Ăn xong thì vào tham quan khu vực nhà bếp và khu rửa chén, nơi có cả ngàn tình nguyện viên đang cần mẫn làm việc. Ngoài bếp ăn miễn phí, Amritsar còn khu vực ngủ qua đêm miễn phí cho mọi đối tượng du khách. Mỗi khách được lưu trú tối đa ba đêm, thời gian đó là đủ để tham quan các di tích nổi tiếng quanh thành phố.
Buổi đổi gác đặc biệt ở cửa khẩu biên giới
Từ đền Vàng, cả nhóm đi xe hơn nửa tiếng thì đến Wagah, cửa khẩu biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan. Vùng đất Lahore của Pakistan cách Amritsar khoảng 40km xưa kia cũng thuộc Punjab, nên chính phủ Ấn Độ cho phép công dân Pakistan thuộc Lahore được phép băng qua cửa khẩu biên giới Wagah để hành hương và quay lại trong ngày. Mấy năm nay, buổi đổi gác lúc 5 giờ chiều của hai quốc gia đã trở thành “tiết mục” thu hút khách du lịch khi đến Amritsar. Wagah là một trong những trạm kiểm soát biên giới nghiêm ngặt nhất thế giới, Pakistan cũng là một trong những quốc gia khó nhập cảnh nhất thế giới. Vì vậy mà có nhiều du khách giống như chúng tôi, muốn được nhìn thấy tận mắt, dầu chỉ là tí tẹo hình ảnh về đất nước này.
Từ nơi xuống xe đến nơi xem trình diễn đổi gác khá xa, du khách phải đi bộ theo hàng nam nữ riêng biệt. Sau khâu kiểm tra an ninh gắt gao, khách nước ngoài trình hộ chiếu và ngồi ở khu vực riêng biệt. Người dân địa phương đi xem cũng rất đông và ăn mặc đẹp. Vùng Punjab nổi tiếng với nghề dệt nhuộm lâu đời, tại đền Vàng và tại cửa khẩu, người dân diện khăn áo may bằng các loại vải truyền thống rực rỡ và tha thướt.
Trước khi nghi thức đổi gác bắt đầu, hàng trăm phụ nữ Ấn Độ đồng loạt đổ xuống đường ca hát và nhảy múa. Phía bên kia cánh cửa vẫn đang đóng kín, những người dân Pakistan cũng đã ngồi kín khán đài, reo hò rộn rã. Nghi thức diễu hành đổi gác bắt đầu trong không khí như ngày hội. Quân nhân nam nữ mỗi bên đều có mũ đội đầu hình dáng tựa chiếc mào gà. Quân nhân Ấn Độ đội mũ màu đỏ, quân nhân Pakistan đội mũ màu đen. Gương mặt họ nghiêm trang, chân bước những bước dứt khoát, tay vung cao và chân đá xoáy. Mỗi một cú đá đều khiến người xem hào hứng. Khi cánh cổng được mở ra và quân đội hai nước gặp nhau để trao lá cờ chuẩn bị hạ, nhiều người có cảm giác đang xem một trận chiến của những chú gà chọi, phô diễn sức mạnh để tỏ nhuệ khí với đối phương. Phía bên Pakistan cũng náo nhiệt không kém với tiếng cổ vũ và vỗ tay không ngớt. Để đáp lại, phía bên này Ấn Độ, những người dân cũng nhiệt tình cổ vũ cho những người lính đang diễn phía dưới.
Trong vòng một giờ đồng hồ, các nghi thức mở và kéo quốc kỳ được thực hiện xong. Hai cánh cửa biên giới được kéo sang với hai lá quốc kỳ được kéo sát lại cùng những động tác phô diễn và tiếng hô vang dội của cả hai phía. Buổi lễ kết thúc, người dân từ hai phía biên giới cùng ùa xuống và giúp những người lính biên phòng đóng cửa khẩu. Giữa hoàng hôn miền biên giới, tiếng vỗtay râm ran nghe thật vang vọng. Nghe tiếng cười lao xao chen giữa tiếng bình luận sôi nổi, chắc chẳng mấy ai còn nhớ đến những hiềm khích chưa bao giờ hết giữa hai đất nước láng giềng này.