Các đại biểu tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Phi
Trong những ngày từ 4-8 đến 6-8-2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chủ trì hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Phi với sự tham dự của hơn 40 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước châu Phi. Mục đích chính của Washington là nhằm lấy lại ưu thế đã mất ở một khu vực mà tiềm năng phát triển còn rất phong phú. Và kết quả hội nghị đã nói lên điều đó: các công ty Mỹ cam kết dành 37 tỉ USD để đầu tư vào châu Phi. Trong số những đơn vị đưa ra lời cam kết ngọt ngào này, có Ngân hàng Thế giới (WB) và ban giám đốc các công ty, tập đoàn lớn như General Electric, Coca-Cola, Walmart, Marriot và Mastercard.
Một trong những chương trình nhận được sự quan tâm của các đơn vị đầu tư hay tài trợ là sáng kiến Quyền lực châu Phi của Tổng thống Obama nhằm huy động 12 tỉ USD từ cả hai lĩnh vực công và tư để cung ứng điện năng cho 600 triệu người châu Phi đang sống thiếu ánh sáng ban đêm. Cũng không thể không kể đến một dự án liên doanh hợp tác với vốn đầu tư 5 tỉ USD giữa công ty tư nhân Blackstone và ông Aliko Dangote, nhà doanh nghiệp giàu có nhất châu Phi, về các dự án hạ tầng cơ sở năng lượng tại vùng hạ Sahara.
Những động thái của Mỹ tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Phi cho thấy Mỹ muốn giành lại vị thế đã để mất từ mấy năm qua tại châu Phi. Theo những dữ liệu mới nhất, trong năm 2013, kim ngạch thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và châu Phi đã lên trên 200 tỉ USD, tăng hơn gấp đôi so với thập niên trước, còn quan hệ thương mại của Trung Quốc với Lục địa Đen cũng tăng từ 10 tỉ USD năm 2000 lên hơn 170 tỉ USD trong năm 2013. Trong khi đó thì mậu dịch song phương Mỹ – Phi từ 100 tỉ USD năm 2011 tụt xuống chỉ còn 60 tỉ USD trong năm 2013.
Kết quả của những nỗ lực của Mỹ sau hội nghị thượng đỉnh kể trên vẫn còn là một ẩn số, nhưng ngay từ bây giờ, nền kinh tế thứ hai thế giới là Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo là Mỹ không nên “giành vị thế độc quyền” tại châu Phi. Tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc nhắc lại rằng Bắc Kinh từng bị chỉ trích là đã “thuộc địa hóa” châu Phi bằng các dự án kinh tế của mình và nay Mỹ “có vẻ như đang theo chân của Trung Quốc”. Tuy nhiên tờ báo này cũng bình luận là Bắc Kinh không hề cảm thấy bị đe dọa bởi mối quan hệ đang ấm lên giữa Mỹ và châu Phi. Ông He Wenping, một chuyên gia về các vấn đề châu Phi, cho rằng sẽ không có lợi cho châu Phi, cho mối quan hệ Mỹ – Trung nếu Mỹ tham gia vào một “cuộc cạnh tranh đầy ác ý” với Trung Quốc.
Chưa thể xác định việc Mỹ gây tạo lại ảnh hưởng tại châu Phi sẽ có lợi gì cho Mỹ và ảnh hưởng thế nào lên quan hệ thương mại Mỹ – Trung, nhưng qua hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Phi vừa qua, có thể thấy vị trí và tiềm năng kinh tế của Lục địa Đen đang có sức hấp dẫn buộc các nền kinh tế lớn của thế giới, Đông cũng như Tây, không thể xem thường.
Lê Nguyễn tổng hợp