Người đàn ông trung niên này tiếp nhận vai trò quản lý nhà hát, được xem là bệ phóng của những ngôi sao trong làng kịch nói Sài Gòn, vào giai đoạn khó khăn nhất do nhiều trụ cột ra đi. Dạ cổ hoài lang là vở diễn của nhiều kỷ lục trong Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1995. Toàn bộ ê-kíp diễn viên (bốn người), đạo diễn và tác giả kịch bản đều được huy chương vàng. Hơn 15 năm qua, vở kịch này vẫn được diễn đều đặn, đến nay đã hơn 800 suất diễn.
Việc Dạ cổ hoài lang lóe sáng vừa xác lập vị trí của Thanh Hoàng trong nghề nghiệp, nhưng đồng thời cũng là một cột mốc mà cha đẻ của nó vẫn chưa thể vượt qua. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi bắt đầu từ ký ức của anh về cái thời còn làm phụ hồ, khom lưng cõng những bao xi măng ở công trình xây dựng Nhà máy tôm đông lạnh Tân Thuận ở Nhà Bè. Anh nói:
Năm 17 tuổi, hết trung học, tôi đi kiếm việc làm. Nơi nhận tôi là Tổng công ty Xây dựng số 1. Công việc của tôi là phụ hồ tại công trình xây dựng Nhà máy tôm đông lạnh Tân Thuận, huyện Nhà Bè. Buổi sáng, trước khi vô làm, chúng tôi đều phải thay đồ bảo hộ lao động. Người giữ đồ cho cả ngàn công nhân làm việc tại công trường là chị Mỹ, tỏ ra quan tâm đến tôi. Chị hỏi tôi tại sao lại làm nghề này, tôi trả lời: “Vì nghèo”. Chị nói: “Gương mặt em không phù hợp với công việc này”. Hỏi tại sao thì chị nói không biết, nhưng mỗi lần tôi vô thay đồ thì chị đều cảm thấy đây không phải là chỗ của tôi. Công việc đầu tiên tôi được giao là vận chuyển xi măng từ kho ra công trường. Thấy tôi vác xi măng cực quá, chị Mỹ nói với anh đội trưởng, chuyển tôi qua phụ một bác thợ hồ tên Xuyến, ráng học thành nghề, cho đỡ cực. Phụ được gần hai tháng mà không thấy động tĩnh gì cho thấy ông định truyền nghề cho tôi. Khi tôi hỏi lý do thì ông nói: “Bố (cách xưng hô thân mật giữa tôi và ông) coi rồi, bàn tay con không cầm cái bay được. Cầm cái micro là hợp. Bố không giấu nghề. Bố tặng con cái bay làm kỷ niệm. Một ngày nào đó, con sẽ nhớ những lời bố nói bữa nay”.
____
Cái bay ấy giờ anh còn giữ được không?
Không. Sau nhiều lần dời nhà, cái bay và một số kỷ vật của tôi đã bị thất lạc.
____
Vậy từ khi nào “người phụ hồ” đứng trên sân khấu?
Sau khi hoàn tất công trình ở Nhà Bè, tôi được điều chuyển sang tổ dặm vá, thực hiện việc hoàn thiện công trình xây dựng Trường Nghệ thuật Sân khấu II (nay là Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh – PV) tại 125 Cống Quỳnh, quận 1. Nhiệm vụ của tôi là vét bùn sình dưới cái mương, sâu khoảng hai mét, để đặt ống cống thoát nước. Cũng từ cái mương ấy, nhìn lên, tôi thấy Thành Lộc, Thành Hội, Khánh Hoàng, Công Ninh…, hình như lúc ấy mới học năm nhất, năm nhì. Tự nhiên tôi đặt một dấu hỏi cho cuộc đời mình, rằng tại sao cùng trang lứa, những người kia “tung tăng” vào lớp học, còn mình thì sục chân dưới cống, vét sình. Tôi không tìm được câu trả lời cho dấu hỏi đó. Nhưng tôi buồn. Buồn lắm. Đến mức không thể tiếp tục công việc, tôi quyết định xin nghỉ việc, dù chưa biết sẽ làm gì tiếp để sống.
Hai tuần sau đó, một anh bạn đồng nghiệp cùng tổ dặm vá đến kiếm tôi, thông báo Trường Nghệ thuật Sân khấu II tổ chức chiêu sinh. Anh nói đang chịu một áp lực tâm lý khá nặng nề từ đồng nghiệp sau khi đăng ký thi vào khoa Diễn viên. Mọi người nói ra nói vào, theo kiểu “không biết thân biết phận, trèo cao”. “Vậy anh kiếm tôi làm chi?”, tôi hỏi. Anh nói nếu có thêm tôi thi, thì thay vì những lời dè bỉu chĩa vào anh, sẽ phân tán bớt sang tôi, khiến anh nhẹ hơn. Nể bạn, tôi nhận lời. Kết quả là tôi đậu, còn bạn tôi thì rớt.
____
Người phương Tây có một câu ngạn ngữ, đại ý rằng khi một con tàu sắp chìm thì con chuột cũng bỏ đi. Điều gì giữ anh ở lại 5B khi mà hàng loạt những ngôi sao ra đi?
Việc những trụ cột ra đi để lại một khoảng trống, khiến 5B bị hụt hẫng một thời gian. Nhưng tôi nghĩ 5B không phải là con tàu sắp chìm. Nói chính xác thì nó giống như một cái áo quá chật bởi cơ thể trưởng thành quá nhanh. Quản lý, tổ chức… không theo kịp sự phát triển, dẫn đến những bất cập, nên có thể anh em không hài lòng chuyện nọ chuyện kia. Tôi ở lại vì môi trường này đã giúp tôi trưởng thành rất nhiều trong nghề nghiệp.
Bây giờ, tôi có nhiều bạn là doanh nhân. Có người rủ tôi nghỉ, ra ngoài làm kinh doanh cùng với họ. Tôi biết nếu đi theo bạn bè thì có cơ hội để giàu có hơn. Đổi lại, tôi phải hy sinh nghề nghiệp của mình. Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên được xuất hiện trên truyền hình. Hôm đó, khi về nhà, mẹ tôi vui lắm. Bà nói khi đi tập dưỡng sinh ở công viên Tao Đàn (quận 1), những người bạn của mẹ tôi xúm lại hỏi thăm hoài. Khi kể lại câu chuyện đó, gương mặt bà rạng ngời hạnh phúc. Niềm vui đó không thể có được dù tôi có mang về nhà bao nhiêu tiền chăng nữa. Và tôi biết mình phải làm gì để mang đến niềm vui cho mẹ tôi, và xa hơn, là cả dòng họ. Mỗi lần tôi xuất hiện trên truyền hình là bên nội, bên ngoại, bà con chòm xóm từ Cà Mau cho đến Bạc Liêu đều tự hào. Khi xác định được điều đó thì có nghèo hơn người ta thì mình cũng không lấy thế làm buồn. Sân khấu thay đổi cuộc đời tôi. Nếu không có sân khấu, có lẽ tôi đã trở thành một con người khác, có thể giờ tôi vẫn làm phụ hồ, hoặc phấn đấu lên thành thợ nề… Đầu thập niên 1990, tôi đã từ chối cơ hội vào biên chế ở Trung tâm Văn hóa Phú Nhuận để về 5B làm hậu đài. Lúc ấy còn khó khăn hơn rất nhiều, thù lao một đêm diễn cho kép chính chỉ đủ ăn một tô phở.
Chỉ huy một sư đoàn không vất vả bằng quản lý một đoàn văn công 15-20 người, bởi những người làm nghệ thuật đều có cái tôi rất lớn. Khi ngồi vào vai trò quản lý là phải quên cái tôi trong con người nghệ sĩ của mình.
____
Để được xét vào biên chế, anh đã nỗ lực rất nhiều và gặt gái được những thành công nhất định trong lĩnh vực sân khấu khi làm việc tại Trung tâm Văn hóa Phú Nhuận. Trồng cây sắp đến hái trái, vì sao anh lại bằng lòng với vị trí sau tấm màn nhung ở 5B?
Đó là vì Dư luận quần chúng. Đây là vở kịch gây xôn xao dư luận lúc bấy giờ, được xem là cú đột phá để hình thành Câu lạc bộ Sân khấu thể nghiệm, tiền thân của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ. Sau khi xem xong vở ấy, đêm đó tôi không ngủ được. Câu hỏi lúc tôi sục chân dưới sình thời còn làm thợ hồ quay trở lại. Tại sao đồng trang đồng lứa, cùng học một trường, mà người ta đứng trên sân khấu, còn mình ở dưới? Và tôi hiểu rằng chỗ của mình phải là ở đây. Nếu vào biên chế, làm cán bộ phụ trách phong trào nghệ thuật quần chúng, thì dù có làm tốt đến mấy mình vẫn chỉ là nghiệp dư. Đương nhiên, một người làm hậu đài thì rất khó lọt vào tầm ngắm của những dự án. Thành ra, mình phải theo dõi các vai, nếu diễn viên nào đột xuất vắng mặt thì đóng thế. Dần dần mới được phân vai, từ vai thứ đến vai chính. Việc nhiều trụ cột ở 5B ra đi lại là cơ hội dành cho những người ở lại, chẳng hạn như tôi có điều kiện thể hiện những dạng vai khác. Trước kia, do lực lượng dồi dào, tôi “chuyên trị” những vai già, buồn buồn, khổ khổ… thì giờ có điều kiện nhập vai hài, phản diện… Bên cạnh cơ hội thì cũng có những thách thức, thí dụ như phải nhận những công việc quá sức mình.
____
Ngoài công tác diễn xuất, hiện giờ anh còn kiêm thêm vai trò quản lý. Đó có phải là một việc quá sức?
Mấy chú thế hệ đi trước đúc rút ra rằng chỉ huy một sư đoàn không vất vả bằng quản lý một đoàn văn công 15-20 người, bởi những người làm nghệ thuật đều có cái tôi rất lớn. Khi ngồi vào vai trò quản lý là phải quên cái tôi trong con người nghệ sĩ của mình. Trước kia, ngồi uống với nhau vài ly bia, có thể vỗ bàn, nói thẳng mà không sợ đồng nghiệp tự ái. Còn bây giờ, mình phải cẩn trọng từng lời ăn tiếng nói. Vui thì người ta nghĩ thằng Hoàng nói, nhưng lỡ buồn, người ta có thể nghĩ nhà hát nói họ thế này thế khác. Đương nhiên, mình không thể nói khác như điều mình nghĩ.
Vai trò quản lý còn buộc mình phải “dọn dẹp” đầu óc của mình, chừa ra một khoảng trống cho các thuật ngữ kinh doanh. Từ cung cách phục vụ cho đến doanh thu, quảng cáo, khuyến mãi…, nói chung là chạm đến toàn bộ hệ thống. Trước khi nhiều trụ cột ra đi, chúng tôi không cần phải làm công tác tiếp thị bởi dàn diễn viên quá thiện chiến. Tôi tâm đắc ý kiến của một chuyên gia tiếp thị người nước ngoài, rằng cạnh tranh không phải là nhuộm đỏ đại dương, mà là cùng nhau làm đại dương xanh thêm, để cùng nhau chia sẻ nguồn lợi từ đại dương ấy. Hiểu nôm na là cạnh tranh trên tinh thần hợp tác. Tôi vẫn gửi kịch bản của mình qua các sân khấu khác, thí dụ Sân khấu Hoàng Thái Thanh đang tái dựng vở Trầu cau của tôi với tên mới là Tình duyên thuở trước, rồi làm công việc chọn nhạc cho những sân khấu có nhu cầu. Nói chung là các sân khấu xem nhau như đối tác, sẵn sàng hỗ trợ nhau. Chỉ có vai trò diễn viên là không tham gia được do trùng lịch diễn. Nếu như cạnh tranh một cách sát phạt thì chắc chắn mình sẽ không làm chuyện đó. Chúng tôi không sợ các sân khấu khác làm tốt hơn mình. Trong một chừng mực nào đó, việc người ta làm tốt hơn là đòn bẩy khiến mình phải nỗ lực để không bị tụt lại. Tôi nghĩ những đồng nghiệp ở các sân khấu khác cũng nghĩ như vậy. Ở vai trò nhà sản xuất, tôi cũng phải thực hiện những điều chỉnh. Nội dung có nặng quá không, hoặc xử lý tình huống cho vui hơn để đáp ứng được nhiều đối tượng khán giả… Tựu trung là phải dung hòa nhiều yếu tố, không thể nghệ thuật vị nghệ thuật…
Chúng tôi không sợ các sân khấu khác làm tốt hơn mình. Trong một chừng mực nào đó, việc người ta làm tốt hơn là đòn bẩy khiến mình phải nỗ lực để không bị tụt lại.
____
Phải chăng đó là lý do khiến những năm gần đây, sân khấu thành phố không có những vở diễn gây xôn xao dư luận về mặt học thuật?
Tôi cho rằng các sân khấu vẫn có những vở hay. Bởi một lẽ đơn giản, nếu không hay thì khán giả sẽ không đến rạp. Đến giờ, nhiều đồng nghiệp của tôi ở Hà Nội vẫn thèm khát đời sống sân khấu của Sài Gòn. Những ngày cuối tuần các nhà hát đều sáng đèn. Nhưng đúng là trong khoảng năm năm gần đây, chưa có một vở diễn nào thực sự nổi bật, để khán giả cũng như những người làm nghề phải xuýt xoa. Trong thâm tâm, tôi mơ ước đến một ngày nào đó, sân khấu trở lại với hình hài của một thánh đường. Bây giờ, hàm lượng thánh đường trong sân khấu chưa đậm nét.
____
Liệu ước mơ đó có khả thi?
Tôi cho rằng có thể làm được. Trong một năm, vào thời điểm nào đó, chẳng hạn như ngày Sân khấu Việt Nam đã được Nhà nước công nhận, những diễn viên của thế hệ vàng đang tản mát ở các nơi quần tụ lại, gạt sang những toan lo thường nhật, toàn tâm toàn ý dựng một vở thật đàng hoàng. Giá như có một chủ trương nào đó từ hội, sở hoặc ủy ban… thì việc tập hợp sẽ thuận lợi hơn.
____
Tiếp tục với câu chuyện kinh doanh. Dù từng là nơi quần tụ của những ngôi sao trong làng kịch nói thành phố, nhưng với việc xuất hiện thêm những tụ điểm mới, 5B cạnh tranh bằng cách nào?
Sân khấu cũng giống như đội bóng, không thể thiếu những ngôi sao. Chúng tôi không thể cạnh tranh bằng cát-sê bởi không gian nhỏ, 200 ghế. Thêm nữa, dù có vị trí đẹp nhưng địa điểm lại không đẹp. Khán giả phải đi thang bộ lên lầu 4, ngồi ghế cứng, vừa mỏi chân, vừa đau lưng. Những bất lợi đó tác động đến doanh thu. Chúng tôi chỉ có một lợi thế mà các sân khấu không có là không gian biểu diễn rất gần khán giả, gần như không có khoảng cách giữa người xem và diễn viên. Không gian nhỏ nên không dùng micro, buộc đài từ của diễn viên phải mạnh, đòi hỏi diễn viên tập trung cao độ. Cũng bởi không gian nhỏ nên 5B rất mạnh về nghệ thuật ước lệ. Chính những điều đó khiến nhiều ngôi sao hằng tuần vẫn dành một hai đêm để về diễn ở 5B. Anh chị em mê cái không khí đó. Hiện tại, chúng tôi đang tiến hành thủ tục để xây dựng khuôn viên 5B thành một tòa nhà, trong đó chúng tôi sẽ có ba sân khấu nhỏ, trang bị hiện đại. Phần còn lại dành cho văn phòng, siêu thị… theo thỏa thuận với những nhà đầu tư. Đây cũng là một phương án mà chúng tôi tự gỡ khó cho mình.
____
Nhắc đến Thanh Hoàng, người ta nhớ đến Dạ cổ hoài lang. Chị Cát Phượng, một đồng nghiệp của anh, nói rằng nếu không viết được cái gì hơn Dạ cổ hoài lang thì tốt nhất là gác bút. Anh nghĩ sao?
Đành chịu thôi. Đó là kỳ vọng của đồng nghiệp vào mình. Nhưng mình cũng phải tự biết mình. Tôi cũng chỉ là một con người bình thường. Tôi viết chậm, lại không có khiếu chữ nghĩa trong khi có quá nhiều việc phải giải quyết. Khi viết Dạ cổ hoài lang, tôi làm việc rất tập trung mà cũng mất đến hơn hai năm trời. Phải ổn định mọi thứ…
____
Người ta nói rằng những người làm sáng tạo thì tâm hồn phải bất ổn?
Ổn định ở đây là công việc sự vụ. Những việc được giao phó thì mình phải làm chứ. Còn tâm hồn thì vẫn luôn bất ổn. Thực ra, thành công của Dạ cổ hoài lang phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài kịch bản, diễn xuất của diễn viên, bàn tay của đạo diễn… vở này ra đời vào đúng thời điểm Nhà nước có chính sách mở cửa, tạo điều kiện cho những người Việt ở nước ngoài về thăm quê hương sau một thời gian rất dài. Nhìn lại một cách công tâm thì vở diễn vẫn còn một vài chỗ sơ hở về mặt cấu trúc, nhưng khi diễn thì “lướt” qua hết, bởi tổng thể quá mạnh, chạm đến tình hoài hương của đồng bào ở xa tổ quốc. Thành ra, khán giả đến rạp rất đông, cả người Việt ở trong nước và ngoài nước, tạo thành hiệu ứng xã hội.
____
Có vẻ như anh vẫn ngoảnh lại ngắm nghía và nâng niu quá khứ đẹp đẽ. Vậy còn “hiện tại” của anh đâu?
Hiện tại là tôi đang ngồi đây và nhớ về thời vàng son. Nhớ và chờ đợi điểm rơi. Muốn có vở hay thì trước hết kịch bản phải hay. Điều này không dễ. Không có ai bỏ công bỏ sức ra viết kịch bản nếu như không chắc chắn được đầu ra. Ai cũng phải lo cuộc sống của mình.
Có một thời kỳ dài, người ta viết kịch bản để giãi bày cảm xúc và tư tưởng, không bị câu thúc vì tiền. Nói chính xác là người cầm bút không có điều kiện để kiếm được tiền. Bây giờ thời thế đã khác. Dù không có đơn đặt hàng thì người viết vẫn tự định hướng theo thị hiếu.
____
Trước kia, cuộc sống thiếu thốn hơn bây giờ nhiều, nhưng tại sao các thế hệ trước vẫn làm được. Vậy thì lý do “miếng cơm manh áo” có thực sự thuyết phục?
Có một thời kỳ dài, người ta viết kịch bản để giãi bày cảm xúc và tư tưởng, không bị câu thúc vì tiền. Nói chính xác là người cầm bút không có điều kiện để kiếm được tiền. Bây giờ thời thế đã khác. Dù không có đơn đặt hàng thì người viết vẫn tự định hướng theo thị hiếu. Thử hình dung có hai cánh cửa, một cánh thì phải húc u đầu mẻ trán thì mới vào được, còn một cánh thì vừa bước tới là có người mở cửa thì đương nhiên, người ta sẽ không chọn cánh cửa thứ nhất.
____
Từ góc độ của nhà sản xuất, anh có thường xuyên phải can thiệp vào kịch bản hay không, trong quá trình đồng sáng tạo?
Khi nhận một kịch bản, tôi quan tâm đến ba yếu tố. Thứ nhất là nội dung có phản ánh hơi thở của xã hội hay không, có hàm chứa những hiềm khích chế độ hay không. Thứ hai là chất lượng nghệ thuật. Thứ ba là mức độ phù hợp với phong cách của nhà hát. Đương nhiên, trong quá trình đồng sáng tạo, chúng tôi có gia giảm liều lượng cho phù hợp với thị hiếu.
____
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.
Xem thêm: