Sau bảy mươi năm là nhà nghiên cứu độc lập, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu có được một gia tài tri thức có người ví với một viện nghiên cứu: hơn 3.000 tấm bản đồ cổ giá trị, 30 cuốn sách viết riêng và 40 cuốn viết chung. Ông nghiên cứu bốn lĩnh vực chính: địa bạ, địa chí, bản đồ, hoạt động công nghiệp cổ truyền Việt Nam. Đã nhận nhiều giải thưởng cao quý như Giải thưởng Trần Văn Giàu năm 2005, Giải thưởng Phan Chu Trinh năm 2008. Thành tựu của ông có thể ghi vào sách kỷ lục Việt Nam. Nhiều nghiên cứu của cụ là bằng chứng khoa học cho việc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Tiếp chúng tôi trong nhà riêng là một cụ ông nhanh nhẹn và minh mẫn hơn nhiều so với tuổi.
___Năm nay bước vào tuổi 92, ông còn tiếp tục công trình nghiên cứu nào nữa không?
Phải chốt lại chuyện nghiên cứu lịch sử Biển Đông, Hoàng Sa – Trường Sa. Nội dung này nằm trong nghiên cứu chung của tôi, nhưng là vấn đề thời sự, cần phải nghiên cứu sâu. Thật may mắn, không hiểu sao mà mình lại có được những tư liệu đến thế…
___Sao lại không hiểu được! Đơn giản là vì ông đã lao động suốt cả một đời…
Nói thì đơn giản thế, nhưng rất phức tạp, phải bỏ ra nhiều công sức, nhiều thời gian và cả tài chính nữa. Tôi cảm thấy may mắn khi bước qua tuổi 90 rồi mà vẫn còn được phục vụ đất nước. Bây giờ đâm lao phải theo lao, phải giữ sức khỏe làm những việc đó. Trước đây, tôi nghiên cứu tổng quát lịch sử xã hội – dân tộc Việt Nam, rất cẩn thận, từng phần ruộng đất, sưu tập địa bạ của 200 năm nay, những tư liệu viết bằng chữ Hán, để biết đất nước biến chuyển như thế nào về đất đai. Nghiên cứu đất, tức là liên quan đến con người sống trên đó, thành ra là nghiên cứu lịch sử, địa lý. Phải có phần chứng minh, chính là các bản đồ người nước ngoài vẽ về đất nước mình, cả xưa và nay. Sưu tập bản đồ sẽ hiểu lịch sử tương đối chính xác hơn. Tôi không là người đam mê sưu tầm như cụ Vương Hồng Sển, mà sưu tầm những thứ liên quan đến nghiên cứu và nghiên cứu giải mã những tư liệu ấy.
___Ông đã góp phần chứng minh sự thật về Biển Đông và chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như thế nào?
Đó là một công trình lớn, không riêng mình tôi có thể làm được. Có những người chuyên gia về luật pháp, lịch sử, chuyên về chữ Hán nghiên cứu, như các chuyên gia Nguyễn Nhã, Hoàng Việt, Phạm Quốc Quân… Phần của tôi nghiêng về tổng hợp một chút. Tư liệu, bản đồ, lịch sử của các nước, kể cả của tác giả Trung Quốc, phương Tây thế kỷ XVI-XIX đều xác nhận Hoàng Sa – Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, không một ai nói rằng của Trung Quốc cả.
___Trên mạng, có một số người nói, việc Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam, điều đó dứt khoát rõ ràng rồi, không có gì phải bàn cãi lôi thôi. Ông có nghe về những ý kiến đó không?
Có đấy, họ còn nói rằng “Cụ Đầu khỏi phải chứng minh rắc rối. Ai cũng biết Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam”. Nhưng tôi nghĩ mình phải đưa ra ánh sáng những chứng minh khoa học, đó là bổn phận. Các cơ quan báo chí, truyền thông cũng tới chỗ tôi, liên hệ để xin tư liệu, công bố với công chúng. Những tư liệu quan trọng, báo Nhân dân đã đăng hai trang lớn. Nhưng vấn đề này rất lớn và nhiều cách trình bày, không chỉ một vài bài báo là xong. Đó là một vấn đề khoa học, thời sự của quốc tế và của nước ta.
___Theo ông, những tư liệu nào được cho là quý hiếm nhất?
Rất nhiều tư liệu cổ xưa tôi đoán là ngay cả các viện nghiên cứu cũng chưa chắc có, nên Nhà nước và hai Bộ (Ngoại giao và Công an) mới liên hệ với tôi. Nhưng tôi không như người sưu tầm cho rằng cái này quý, cái kia quý. Tôi là nhà nghiên cứu, giải mã, đọc được những tư liệu, bản đồ bằng nhiều thứ tiếng, trong nhiều giai đoạn khác nhau, để tìm ra nguồn gốc từ đâu mà có những tên gọi đó.
___Ông có cách nào cho nhiều người hiểu một cách chân thực những sự thật mà mình đã dành cả đời để chứng minh hay không? Đặc biệt khi đó là một chuyện quan trọng của đất nước?
Tôi rất muốn điều đó. Nhiều người hiểu chung chung, rằng Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam, nhưng tôi có thể góp phần chứng minh được. Tôi từng gặp nhiều trí thức, nhà văn, nhà báo, giáo viên… và nhận thấy rằng họ không nắm được các chi tiết cụ thể của vấn đề. Như vậy là phiến diện. Ai cũng kêu là năm nào thi cử, điểm môn lịch sử cũng kém nhất. Tôi nghĩ rằng những gì về đất nước mình, lịch sử, địa lý, văn hóa, đời sống xã hội Việt Nam, đã không được trình bày một cách tổng quát, đầy đủ trong chương trình giáo khoa mười hai năm. Cả thầy lẫn trò đều ít quan tâm đến vấn đề lịch sử. Chúng ta muốn người dân quan tâm đến điều gì thì phải phổ biến rộng rãi kiến thức cho họ.
Tôi nghĩ rằng những gì về đất nước mình, lịch sử, địa lý, văn hóa, đời sống xã hội Việt Nam, đã không được trình bày một cách tổng quát, đầy đủ trong chương trình giáo khoa mười hai năm.
___Nhưng thưa ông, có nhiều nghiên cứu khá khó hiểu, toàn là tư liệu, ký hiệu, ngôn ngữ cổ, đâu phải dễ nắm…
Những điều chị cho rằng khó, tôi cho là dễ. Người không quan tâm thì bao giờ cũng cho là khó cả.
___Vậy xin ông cho vài câu dễ hiểu, dễ thuộc để trang bị cho một người rất bình thường như tôi có thể hiểu được.
Nếu thế, tôi chỉ cần đưa cho chị xem vài tấm bản đồ do người Trung Hoa xưa vẽ, một vài tấm do người Việt Nam vẽ, và vài bản đồ do người phương Tây vẽ về Biển Đông, Hoàng Sa – Trường Sa. Thế thôi. Cho người ta thấy rằng từ xưa, người Việt Nam chịu trách nhiệm ở Biển Đông cả về phương diện an ninh lẫn xã hội. Hằng năm gió mùa Đông – Tây, thuyền bè gặp nạn trôi dạt vào. Triều đình Việt Nam thời xưa đã giúp những người trôi dạt vào Việt Nam. Chúng ta đã làm chủ Biển Đông từ xa xưa.
Từ xưa, người Việt Nam chịu trách nhiệm ở Biển Đông cả về phương diện an ninh lẫn xã hội. Hằng năm gió mùa Đông – Tây, thuyền bè gặp nạn trôi dạt vào. Triều đình Việt Nam thời xưa đã giúp những người trôi dạt vào Việt Nam. Chúng ta đã làm chủ Biển Đông từ xa xưa.
___Như vậy, chỉ riêng bản đồ đã nói được khá nhiều và khá dễ, phải không thưa ông?
Chúng ta ngồi ở đây, bên cạnh một ngã tư, tôi mời chị nhìn xuống xem những người nước ngoài đang đi qua cửa. Họ đều cầm bản đồ, tìm đường đi, phải không? Việt Nam có bao nhiêu thành phố có bản đồ?
___Thưa ông, bây giờ, phục vụ cho du lịch, nhiều nơi cũng có bản đồ rồi.
Nghĩa là vẫn để phục vụ du khách là chính. Người Việt rất ít sử dụng bản đồ.
___Họ theo thói quen: đường ở miệng…
Sách giáo khoa cũng rất ít bản đồ. Trên báo chí cũng vậy. Có sự kiện mới xảy ra ở một xứ lạ, xưa nay ít biết, phải có bản đồ hướng dẫn cho người đọc biết, chẳng hạn nước Libya nằm ở đâu. Chúng ta phải góp phần xây dựng thói quen văn minh, khoa học. Nước mình ít dùng, cho đến giờ việc thực hiện thói quen ấy rất khó khăn. Tôi rất muốn phổ biến những tấm bản đồ.
___Đơn giản vậy mà không có cách nào sao?
Phải là chính sách của những người làm văn hóa. Chính phủ phải quan tâm, ngành giáo dục phải quan tâm, các nhà báo phải quan tâm.
___Sao phải chờ những thứ to tát, khó khăn ấy? Chúng ta cứ thử in cuốn bản đồ nhỏ cầm tay, để bất cứ ai cũng có thể chứng minh những vấn đề chủ quyền biển đảo một cách dễ dàng, đầy tính thuyết phục khoa học?
Nói kinh nghiệm nhé: Tôi có lần làm rồi và lỗ vốn. Ít ai quan tâm! Hồi kỷ niệm Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh 300 năm, tôi là người đầu tiên cung cấp bản đồ về lịch sử biến chuyển vùng đất của Sài Gòn 300 năm, nhưng không bán được. Dường như người ta chỉ quan tâm đến những vấn đề trước mắt. Lĩnh vực lịch sử chúng ta cũng chỉ đầu tư nghiên cứu về chiến tranh chống Pháp, Mỹ, thời kỳ bảo vệ đất nước hơn là về thời kỳ dựng nước. Thí dụ triều Nguyễn rất có công xây dựng đất nước, nhưng chưa được ghi nhận tương xứng. Có lẽ vì vấn đề gần chúng ta hơn cả là công cuộc bảo vệ đất nước, nên người ta cứ tập trung vào. Nói không khéo sẽ quên mất lịch sử xây dựng đất nước, chỉ thấy công bảo vệ mà thôi. Trình bày nhầm như vậy, không thấm vào tâm hồn người Việt Nam một cách đầy đủ nên càng ngày lịch sử càng bị lơ là. Cuối đời rồi, tôi thấy có những chuyện quan trọng không thể lơ là được, như chuyện phải tranh đấu cho Hoàng Sa – Trường Sa.
___Ông có hài lòng về những gì vừa qua ông đã đóng góp cho đất nước thông qua những công trình nghiên cứu của mình hay chưa? Ông muốn được mọi người hưởng ứng như thế nào?
Theo tôi thấy, các vị lãnh đạo thì nghĩ đường lối lớn, báo chí thì tích cực trong khả năng tuyên truyền của mình, phải làm cho sự hiểu biết trong công chúng rộng rãi hơn nữa. Tôi muốn hỏi tại sao nhiều nhà văn như chị lại ít nói đến vấn đề này?
___Thú thật với ông là giới văn chương, theo tôi thiết nghĩ, có lẽ chưa hiểu biết nhiều lĩnh vực, sợ nói không thấu đáo những việc nhạy cảm thì hiệu quả không cao. Họ mới chỉ biểu lộ lòng nhiệt thành yêu nước. Muốn chuyển hóa thành hình tượng văn học thường phải có thời gian…
Phải tìm hiểu, lặng im là không được. Phải làm cho giới trẻ hiểu biết, chứ tự nhiên không ai hiểu biết ngay được. Nếu muốn có sự hiểu biết một cách khoa học thì phải phổ biến rộng khắp chứ tại sao lại không làm? Phải thật thà, trung thực. Nói sự thật không thể mất lòng ai…
___Thưa ông, người ta vẫn sợ có câu “sự thật mất lòng”…
Sự thật chỉ có thể giải quyết được bất đồng. Không sợ mất lòng.
___Nghe nói ông đang tìm người để kế tục sự nghiệp. Ông đã tìm được chưa?
Có nhiều người hỏi, nhiều cơ quan đến tiếp xúc với tôi. Tôi đã bắt đầu giao một phần tư liệu cho Trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, kể cả việc sao chụp bản đồ. Nhưng như tôi đã nói, tôi không phải là nhà sưu tầm, không cần nơi bảo quản những đồ sưu tầm, mà là nhà nghiên cứu. Nên tôi cần tìm người tiếp tục việc nghiên cứu những tư liệu của tôi còn nghiên cứu dở dang. Cho đến nay, chỉ thấy những người muốn gìn giữ tư liệu ấy, chưa thấy một ai tha thiết chuyện nghiên cứu. Nghĩa là tôi vẫn chưa tìm được người kế nghiệp mình.
___Theo tôi được biết có rất nhiều người theo các ngành học liên quan mà, thưa ông?
Đúng là tôi có tiếp xúc nhiều người làm luận án thạc sĩ, tiến sĩ nhờ tôi giúp đỡ tư liệu, cho ý kiến, nhưng xong là thôi, họ không tiếp tục nghiên cứu nữa. Tôi chưa tìm được ai. Hơi buồn một chút.
___Khó thật vậy sao?
Khó. Có lẽ vì họ không thấy mối lợi kinh tế nào trước mắt.
___Nhưng còn các viện nghiên cứu khoa học về xã hội, lịch sử? Đó là những nội dung công việc của họ mà?
Không có nhiều sự quan tâm từ các đơn vị này. Chắc chị biết có Hội Sử học, có nhiều người giỏi chuyên môn. Các trường đại học cũng có khoa chuyên môn, ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế đều có cả. Tôi cũng biết có giáo sư nghiên cứu những vấn đề tôi và chị đang nói với nhau đây. Thực tế, trên mạng, ở các tòa soạn báo, các Viện nghiên cứu Khoa học xã hội, Viện Sử, Viện Địa lý, Hội Lịch sử Việt Nam… đều nghiên cứu, nhưng có lẽ đều thiếu mảng tư liệu và nghiên cứu như tôi. Tôi thiết nghĩ vì vậy Nhà nước mới gọi đến tôi. Tôi nhận định vậy thôi, chị muốn thì thử tìm hiểu thêm.
___Thưa ông, làm một nhà nghiên cứu độc lập suốt cả đời, ngoài chuyện tiền bạc tốn kém mà lại khó kiếm tiền, thì khó khăn nhất ông phải trải qua là gì?
Thứ nhất là cái ham mê chân lý phải vượt lên trên hết. Ham mê sự thật, ham mê hiểu biết. Buổi ban đầu, tôi đâu biết nhiều vấn đề, đâu có nhiều tài liệu. Bản đồ một vài cái chứng minh. Đồ cổ để biết thời xưa ăn uống thế nào. Lịch sử cũng chỉ là đọc qua những quyển sách bình thường ai cũng có. Sau vì ham mê, nên tôi đi tìm kiếm tư liệu khắp trong nước, chợ trời. Số đồ gốm, bản đồ tăng lên. Chi tiêu cho cuộc sống phải tiết kiệm, giản dị, dành phần cho tư liệu và nghiên cứu. Dần dần mới thành nhà nghiên cứu lúc nào không biết.
___Nay có thể “xếp hạng” ông là nhà nghiên cứu tầm cỡ…
Không cỡ gì. Nhưng tôi tự biết mình không mặc cảm khi thảo luận và tiếp xúc với giới nghiên cứu các nước. Tôi có dịp làm nhà khoa học nho nhỏ tiếp xúc với các nhà khoa học thế giới – Nhật, Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Anh, Úc…, để thảo luận các vấn đề và tư liệu mình có giá trị đáng chú ý. Tôi là một nhà nghiên cứu tay ngang, vẫn khiêm tốn rằng còn nhiều điều mình chưa biết, nhưng vẫn trao đổi được với những nhà nghiên cứu có chuyên môn sâu về lịch sử, địa lý Việt Nam và nước ngoài.
___Giới nghiên cứu nước ngoài có người từng phát biểu là họ đi khắp nơi, chưa gặp ai như ông. Câu chuyện thế nào, thưa ông?
Họ nói quá đáng chăng! Năm ngoái có hai nhà khoa học có tiếng, chuyên về bản đồ của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, đến thăm tôi. Chúng tôi cùng thảo luận các vấn đề bản đồ lịch sử Việt Nam xưa và nay. Hai người đó đi Huế, Hà Nội, qua Lào, Campuchia, rồi quay lại lần thứ hai. Và họ nói câu chị vừa nhắc…
___Trong cuộc đời nghiên cứu của mình, hẳn ông phải gặp những tình huống khó khăn?
Có những thời kỳ, tôi gặp phải sự không hiểu của chính quyền sở tại. Họ đi hỏi dò người quen biết, hỏi nhà báo, rằng một tấm bản đồ dùng để làm gì, có hại cho an ninh hay không, tôi lấy ở đâu ra những bản đồ đó… Rồi không biết họ lấy tin từ đâu rằng ông Đầu bán bản đồ cho nước ngoài tới hai triệu đô. Với các nhà khoa học độc lập, không thuộc một cơ quan nào như tôi, những chuyện như vậy rất đáng ngại. Nếu không có một bề dày suốt đời tha thiết với dân tộc, nhiều người sẽ buông xuôi. May mà tôi sống lâu đến lúc được hiểu, được đóng góp cho đất nước. Chứ nếu chẳng may qua đời trước, thì tư liệu, giấy tờ, sự hiểu biết tìm tòi của một người công dân đổ xuống sông hết. May mắn nữa là ba năm trở lại đây, Nhà nước chính thức biết đến công trình của tôi. Tôi sẵn sàng đóng góp.
___Thế còn niềm sung sướng nhất của một nhà nghiên cứu?
Là góp phần tìm hiểu chân lý, được hiểu chân lý, sự thật. Và được nói lên những sự thật ấy. Thí dụ như đang được nói những chuyện đó với chị đây này. Tôi lại có hạnh phúc nữa là, nhiều anh bạn tôi, mới tám mươi trí khôn đã hơi lẫn, còn tôi, không hiểu tôi nói chuyện với chị nãy giờ hơn hai tiếng đồng hồ, chị có thấy tôi có gì lẫn không? Đó là hạnh phúc trời cho.
___Cũng có công rèn luyện nữa chứ?
Có nhiều người hỏi tôi có bí thuật gì không, tôi nói rằng chỉ giữ sức khỏe một cách bình thường, giống như công việc nghiên cứu, không ngày nào không quan tâm. Sống đơn giản. Sáng ăn bánh mì, cà phê nhiều sữa, hai bữa bình thường, thích mắm, gu hơi nặng.
___Ông có gặp phải bệnh tật nào đáng lo chưa?
Bệnh đặc biệt như mổ xẻ thì không có. Thỉnh thoảng đang ngồi nói chuyện bị té vì máu lên não không kịp. Có lẽ là một dạng của bệnh tim mạch.
___Nếu ông chưa mệt, xin hỏi thêm ít câu cuối: Vì sao ông không viết hồi ký cuộc đời một nhà nghiên cứu độc lập?
Tôi mê hội họa và đọc sách, đặc biệt là tự truyện như của Washington, Gandhi, Churchill, cụ Hồ, các nhà văn và chính khách lớn. Bởi chúng thực. Từ bé, tôi đã nghĩ hai hướng trong một người sống đời tích cực: một là những người chuẩn bị để làm nhà lãnh đạo trong mọi lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội, hai là chuẩn bị thành người tích cực sống ở cơ sở – militant de base. Lựa chọn của tôi là chiến sĩ ở cơ sở. Từ bé, được tiếp xúc với môi trường xã hội văn hóa tôn giáo rất phong phú, tiếp xúc các nhân vật bên này bên kia, tôi vẫn giữ được ý nguyện làm con người cơ sở. Những việc nghiên cứu địa bạ, bản đồ, sách cổ, gốm… là cơ sở. Không có hướng viết tự truyện, nhưng không có nghĩa là không viết ra những sự kiện, con người mà tôi được tham gia, tiếp xúc.
Từ bé, được tiếp xúc với môi trường xã hội văn hóa tôn giáo rất phong phú, tiếp xúc các nhân vật bên này bên kia, tôi vẫn giữ được ý nguyện làm con người cơ sở.
___Những người có cuộc đời hay như ông, không viết ra, mai này đem về với tổ tiên, vậy là có “khuyết điểm”. Ông có công nhận như vậy không?
Cũng có nhà văn đề nghị được nghe chuyện tôi kể để viết, nhưng tôi xin cảm ơn. Thỉnh thoảng tôi có viết lại một vài điều mình chứng kiến cho dễ hiểu, cho sáng sủa, không phải tiểu sử mình, chắc chị có đọc?
___Vâng, thưa có. Xin cảm ơn ông đã dành cho một cuộc trò chuyện dài…