Có thể nói, giai đoạn khó khăn của ngành ngân hàng vẫn chưa dừng lại, dù mức độ an toàn của hệ thống đã cao hơn vài năm trước. Không chỉ gặp khó trong việc kinh doanh đồng vốn do kinh tế khó khăn, mà còn do sức ép từ nhiều hướng. Sức ép từ bên trong là nỗi lo nợ xấu. Chính vì điều này mà nhiều ngân hàng phải tạm quên chỉ tiêu lợi nhuận để tập trung vào công tác trích lập dự phòng rủi ro. Kết quả kinh doanh sáu tháng đầu năm 2014 cho thấy những ngân hàng này đạt được tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2013, nhưng chi phí trích lập dự phòng quá lớn đã kéo lợi nhuận trước thuế của họ xuống thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Có ngân hàng trích lập dự phòng đến 75% lợi nhuận trước thuế. Rõ ràng, nỗi lo nợ xấu tăng lên khi quy định mới của Thông tư 09 về phân loại nợ được thực hiện đầy đủ vào đầu năm tới khiến các ngân hàng phải trích lập dự phòng rốt ráo ngay từ giữa năm để không bị sốc vào cuối năm.
Nếu không hành động như vậy, lãnh đạo các ngân hàng có thể báo cáo thành tích với các cổ đông về tăng trưởng chỉ tiêu lợi nhuận, nhưng rủi ro tiềm ẩn là rất lớn, bởi nguy cơ nợ xấu vẫn đang rình rập. Thực tế đã chỉ ra rằng tỷ lệ nợ xấu chỉ giảm ở một số ít ngân hàng, còn tỷ lệ chung của toàn hệ thống vẫn trên đà tăng. Theo Ngân hàng Nhà nước, từ 3,79% thời điểm cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống đã tăng lên 4,03% vào cuối tháng 4-2014 và tiếp tục tăng lên 4,84% vào cuối tháng 6. Vậy nên, sự an toàn phải được đặt lên hàng đầu chứ không phải là những con số tăng trưởng lợi nhuận. Và dù thế nào đi nữa thì việc các tổ chức tín dụng tự nguyện trích lập dự phòng rủi ro như vậy vẫn là cơ sở bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng và góp phần vào việc xử lý dứt điểm nợ xấu sau này.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, những con số về nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng là chưa đáng tin cậy và các ngân hàng vẫn sống khỏe trong điều kiện kinh tế khó khăn. Những số liệu được đưa ra, đó là thời gian qua lãi suất tiền gửi bình quân giảm 0,6%, trong khi lãi suất cho vay chỉ giảm 0,25%. Tính đến tháng 6-2014, lãi suất tiền gửi bình quân là 5,5%/năm trong khi lãi suất cho vay bình quân 10%/năm. Mức chênh lệch khoảng 4,5%/năm như vậy là cao trong điều kiện tổng cầu suy giảm, nên có người đề nghị các ngân hàng phải biết chia sẻ với doanh nghiệp bằng cách giảm lãi suất cho vay.
Đúng là nếu chỉ nhìn vào những con số trên, dường như việc kinh doanh của các ngân hàng vẫn đang hanh thông. Thế nhưng trên thực tế, hoạt động cho vay không thuận lợi như thế. Các khoản vay lãi suất cao dành cho những khách hàng “có vấn đề” nên luôn đi kèm rủi ro nợ xấu, khi ấy ngân hàng sẽ không thu được cả vốn lẫn lãi. Ai cũng biết khi tổng cầu suy giảm, cần có một giải pháp đồng bộ từ các bộ, ngành để nền kinh tế đi vào quỹ đạo tăng trưởng, doanh nghiệp mở rộng sản xuất, người dân đẩy mạnh tiêu dùng, từ đó cầu về tín dụng sẽ tăng lên. Nhưng trong khi điều đó chưa xảy ra, ngành ngân hàng vẫn phải tự tìm lối ra cho đồng vốn, bởi sức ép tăng trưởng tín dụng là rất lớn và tìm được khách hàng tốt trong giai đoạn hiện nay không hề dễ dàng. Khi tìm được khách hàng như vậy, các ngân hàng phải “động viên” và chiêu dụ họ vay vốn với những mức lãi suất hấp dẫn, khiến họ chẳng lời lãi gì. Chẳng hạn, nhiều ngân hàng phải cho vay với lãi suất 6%/năm, trong khi lãi suất huy động kỳ hạn dài trên 12 tháng thường trên 8%/năm. Với những trường hợp như vậy, mới thấy cái khó của ngành ngân hàng…
Minh Hằng