Những ngày cuối tháng 7, các chỉ số kinh tế – tài chính mới công bố đều cho thấy Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng khá ổn định, dù những rủi ro tiềm ẩn vẫn còn. Việc tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s mới đây nâng mức tín nhiệm đối với trái phiếu của Chính phủ lên một bậc, từ B2 lên B1 và mức triển vọng được đánh giá là “ổn định” khiến khá nhiều người bất ngờ. Theo Moody’s, điều này đến từ ba yếu tố: sự ổn định của kinh tế vĩ mô, cán cân thanh toán và vị thế trả nợ nước ngoài mạnh lên, rủi ro lan tỏa của khu vực ngân hàng được giảm bớt. Bên cạnh đó, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 7 của HSBC tiếp tục đánh dấu tháng 11 liên tiếp đạt ngưỡng trên 50, nhưng đã có sự sụt giảm so với tháng trước (51,7 điểm so với 52,3 điểm của tháng 6). Điều này được lý giải là tốc độ gia tăng mở rộng sản xuất đã chậm lại, do các đơn hàng mới chủ yếu tập trung vào lĩnh vực xuất khẩu nhưng những khó khăn trong việc giữ chân nhân viên đã khiến tổng sản lượng sản xuất trong tháng không thể tăng mạnh hơn.
“Không thể tăng mạnh hơn” cũng đúng với thị trường chứng khoán tuần qua, khi phần lớn thời gian trong các phiên là sự giằng co mạnh giữa lực cung và cầu, với ba phiên giảm và hai phiên tăng điểm cùng với sự sụt giảm cả về khối lượng cũng như giá trị giao dịch. Điều này cho thấy tâm lý thận trọng của dòng tiền, không chỉở các nhà đầu tư cá nhân mà cả các tổ chức lớn. Khối tự doanh của các công ty chứng khoán bán ròng nhẹ 15,4 tỉ đồng, còn các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục mua ròng hơn 92 tỉ đồng trong tuần, nhưng chỉ tập trung vào một số mã có vốn hóa thấp sau khi loại bỏ đi giá trị mua bán của VIC. Thị trường thường xuyên đón nhận những thông tin tốt xấu xen lẫn nhau, vừa có thông tin tích cực về xăng giảm giá thì đã đến thông tin về việc ba lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Thiên Thanh bị bắt giữ. Những thông tin ấy đều có ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư, khiến họ thận trọng hơn trước khi ra quyết định. Thanh khoản sụt giảm mạnh so với mức trung bình của những tuần trước đó khiến nhiều người không tin vào một sự bứt phá của thị trường trong thời gian tới.
Có lẽ chính việc VN-Index điều chỉnh giảm hơn 10 điểm và phá vỡ ngưỡng hỗ trợ 593 điểm vào ngay phiên đầu tuần đã gây nên tâm lý bán tháo trên diện rộng tại hai sàn chứng khoán. Đặc biệt, sau khi thông tin Trung Quốc tổ chức diễn tập bắn đạn thật tại Vịnh Bắc bộ xuất hiện, tâm lý lo ngại về một cuộc lao dốc như những ngày đầu tháng 5 đã khiến các nhà đầu tư tiến hành thanh lý mạnh các cổ phiếu đang nắm giữ. May là sự điều chỉnh ấy không kéo dài khi tín hiệu hồi phục đã bắt đầu từ thứ Ba. Dù vậy, việc thị trường có thể giảm điểm mạnh bất cứ lúc nào như vậy cũng có tác động không nhỏ đến tâm lý của các nhà đầu tư. Phần lớn dòng tiền không ồạt đổ vào chứng khoán như trước mà có dấu hiện đứng yên để chờ thị trường thể hiện một xu hướng rõ ràng hơn. Với những nhà đầu tư tích cực mua vào, chủ yếu họ đổ tiền cho các cổ phiếu có độ an toàn cao. Có thể kể các doanh nghiệp thuộc ngành dầu khí, với các mã PVD, PVS, PGS,… và một ngành khác được chú ý trở lại là tôm, với các mã MPC, FMC,… Có lẽ điều này là do tôm chiếm đến 50% giá trị xuất khẩu hàng thủy sản và có tốc độ tăng trưởng rất nhanh (khoảng 133% với tôm chân trắng) và các mặt hàng thủy sản tiếp tục là một trong 10 nhóm hàng có giá trị cao nhất cũng như có tốc độ tăng trưởng tương đối cao là 27,7%/năm. Các cổ phiếu thuộc những nhóm này hầu như đều tăng cho dù thị trường chung giảm điểm.
Với sự sụt giảm của dòng tiền, nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục dao động quanh vùng 590-600 trong những ngày tới. Dòng tiền không mạnh nên nếu VN-Index tăng điểm thì khối lượng giao dịch sẽ không cao. Nhưng dù không có sự tăng trưởng mạnh, thì đây vẫn là cơ hội để các nhà đầu tư dài hạn có thể mua vào dần những cổ phiếu ưng ý trong những phiên điều chỉnh, bởi một số cổ phiếu tốt sau những phiên điều chỉnh đã có giá khá hấp dẫn. Và rõ ràng, xu hướng của VN-Index vẫn là tăng điểm bởi sự hỗ trợ của các yếu tố vĩ mô trong dài hạn.
Phiên giao dịch mở đầu tuần mới (4-8) đã chứng minh xu hướng này. Tăng điểm ngay từ đầu phiên, thị trường nhanh chóng bị cản lại bởi người mua rất dè dặt đặt lệnh giá cao. VN-Index dừng lại ở 599,04 điểm (tăng 5,14 điểm so với cuối tuần trước) nhưng khối lượng giao dịch chỉ 71,64 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch 1.201,89 tỉ đồng. Với thanh khoản thấp như vậy và số lượng mã tăng/đứng/giảm giá tương ứng là 117/76/87, dấu hiệu hồi phục của thị trường là chưa ổn định. Nhiều khả năng VN-Index sẽ tiếp tục giằng co quanh ngưỡng 600 điểm.
Thành Huân