Hội nghị quốc tế về HIV/AIDS diễn ra tại Melbourne – Australia đầu tuần qua là dịp để giới chuyên gia trình bày những tiến bộ trong lĩnh vực phòng chống AIDS.
Một trong những tiến bộ đó vừa được giới thiệu tại hội nghị với phương pháp mới có tên là “kick-and-kill” nhắm đến việc tống virus AIDS ra khỏi ổ và tiêu diệt nó. Hiện đang được thử nghiệm trên sáu bệnh nhân tình nguyện, phương pháp này đang mang lại một vài hy vọng.
Cho tới nay, nhờ uống thuốc điều trị AIDS, số lượng virus trong máu của bệnh nhân được hạ thấp đến mức không thể dò tìm được, cho nên bệnh nhân có thể sống một cuộc sống gần như bình thường. Tuy không được chữa khỏi, nhưng những người bị nhiễm HIV có thể kéo dài cuộc sống.
Theo một công trình nghiên cứu vừa được đăng tải trong tạp chí y khoa The Lancet của Anh nhân hội nghị Melbourne, nhờ việc dùng thuốc điều trị AIDS ngày càng phổ biến mà hàng triệu người trên thế giới đã được cứu sống. Cụ thể, kể từ khi được sử dụng vào năm 1996, thuốc điều trị AIDS đã giúp bảo toàn được sinh mạng của hơn 19 triệu người, đa số là ở các nước đang phát triển (70,3%).
Thế nhưng, bệnh nhân phải uống thuốc mỗi ngày và các thuốc này thường có rất nhiều phản ứng phụ gây khó chịu. Nếu họ ngưng uống thuốc, số lượng virus trong cơ thể sẽ tăng vọt trong vòng vài tuần và sẽ lại lây nhiễm các tế bào miễn dịch, khiến cho bệnh nhân dễ bị vi trùng xâm nhập, trong đó có những vi trùng có thể gây tử vong.
Vì vậy, từ vài năm nay các nhà nghiên cứu vẫn tìm cách tống virus AIDS ra khỏi ổ và tiêu diệt các tế bào nơi virus đang ẩn náu trong thời gian bệnh nhân uống thuốc điều trị.
Tại hội nghị Melbourne, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Aarhus – Đan Mạch đã giới thiệu kết quả thử nghiệm trên sáu bệnh nhân. Những người này vừa uống thuốc điều trị AIDS, vừa uống thuốc điều trị ung thư romidepsine, một loại thuốc có tác dụng làm tăng lượng virus trong máu lên từ 2,1 đến 3,9 lần.
Ở năm trong số sáu bệnh nhân, các nhà nghiên cứu đã có thể dò tìm được virus trở lại. Điều đáng nói là cả sáu bệnh nhân không bị những phản ứng phụ đáng kể.
Theo các nhà nghiên cứu Đan Mạch, cuộc thử nghiệm nói trên là một bước đi đúng hướng, nhưng con đường vẫn còn rất nhiều chông gai trước khi tìm ra một loại thuốc chữa khỏi hẳn căn bệnh thế kỷ này.
N. Nam