Sự ổn định của kinh tế vĩ mô thời gian qua có phần đóng góp không nhỏ từ sự linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Các chính sách liên quan đến việc điều hành tiền tệ vài năm qua đã giúp mức lạm phát thấp được duy trì, lãi suất cho vay giảm nhanh và đặc biệt là ổn định được thị trường ngoại hối. Điều này thể hiện rõ trong lần điều chỉnh giảm 1% giá trị của tiền đồng so với USD vào ngày 18-6. Có thể nói đây là lần đầu tiên khi Nhà nước điều chỉnh tỷ giá mà tỷ giá của thị trường tự do không ngay lập tức “chạy theo” để tăng kịch trần. Sau đó, tỷ giá dao động trong khoảng giữa biên độ trần và sàn. Đặc biệt, gần một tháng sau lần điều chỉnh này, tỷ giá hiện đã quay về mức trước khi điều chỉnh. Giá bán USD của các ngân hàng thương mại hiện đã thấp hơn 21.240-21.246 đồng/USD – mức giá ngay trước thời điểm Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá. Đây thực sự là một điểm sáng cho thấy niềm tin của thị trường vào chính sách. Niềm tin ấy giúp tiến trình kiểm soát tỷ giá một cách chủ động của Ngân hàng Nhà nước đạt được thành công, chứ không chỉ nhờ vào thặng dư cán cân thương mại 1,3 tỉ USD trong sáu tháng đầu năm và dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục 35 tỉ USD.
Tuy nhiên, có một vấn đề mà Ngân hàng Nhà nước đang phải giải quyết là có nên tiếp tục duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12 – 14% trong năm nay hay không và nếu duy trì thì có nên “ép” lãi suất huy động giảm tiếp để các tổ chức tín dụng dễ dàng hơn trong việc đẩy tiền ra? Ở vế thứ nhất, dù tín dụng tăng trưởng tương đối thấp trong sáu tháng đầu năm (chỉ 3,6%), Ngân hàng Nhà nước mới đây đã khẳng định giữ nguyên mức tăng trưởng đề ra cho cả năm và sẽ tập trung triển khai các giải pháp tín dụng để đạt được mục tiêu, như linh hoạt cho phép các ngân hàng mở rộng tín dụng ngoại tệ, nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng có khả năng so với mức chung…
Dù vậy, ai cũng hiểu rằng việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong nửa năm còn lại không đơn giản, bởi vấn đề là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đã suy kiệt. Để dòng vốn tín dụng tuôn chảy mạnh hơn, không chỉ dựa vào quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại mà cần một hệ thống đồng bộ các giải pháp chính sách vĩ mô để có thể tháo gỡ những nút thắt quan trọng như xử lý nợ xấu và các vướng mắc liên quan đến tài sản bảo đảm, giải quyết dứt điểm nợ đọng của ngân sách, song song với tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường và tìm đầu ra cho sản phẩm của các doanh nghiệp.
Việc Ngân hàng Nhà nước có thể chủ động chính là vế thứ hai của vấn đề, là nên chăng tiếp tục việc giảm lãi suất, cả huy động lẫn cho vay, để tạo điều kiện cho nguồn vốn rẻ đến với nền kinh tế. Theo đại diện các ngân hàng thương mại, dư địa để giảm lãi suất trong thời gian tới gần như không có bởi lãi suất hiện đã ở mức hợp lý, người gửi tiền đang cảm thấy hài lòng với mức lãi suất huy động và xem việc gửi tiết kiệm ngân hàng là kênh đầu tư an toàn, còn các doanh nghiệp vay vốn cũng chấp nhận được mức lãi suất cho vay hiện nay.
Ngoài ra, theo quy luật, tín dụng thường tăng mạnh vào cuối năm. Bởi vậy, khi tín dụng tăng trở lại mà lãi suất đầu ra thấp có thể khiến lạm phát tăng cao. Một chính sách lãi suất quá nới lỏng có thể khiến các doanh nghiệp mạnh tay vay vốn nhưng lại không đưa vào sản xuất mà chuyển vào những kênh đầu tư rủi ro. Chính vì vậy, một quyết định giảm lãi suất vào thời điểm hiện nay có lẽ vẫn chưa được các nhà điều hành sử dụng.
Minh Hằng