Đó là câu nói vui của một cậu bạn du học sinh khi nói về những ngày tháng học tập và sinh sống ở xứ “phớt tỉnh Ăng-lê”. Bốn năm học ở Anh đã biến cuộc sống của Nguyễn Trần Duy Hoàng – cậu du học sinh chuyên ngành Đầu tư tài chính tại London trở thành những thói quen rất đỗi tự nhiên, tất cả tựa như hít thở khí trời. Những kinh nghiệm đi làm thêm, tìm địa điểm, đặt vé tàu xe… những bí quyết để tiết kiệm và tận hưởng cuộc sống mà cậu chia sẻ thường làm cho người khác mơ ước về một ngày được đặt chân lên xứ sở sương mù.
Làm thêm – dễ hơn tưởng tượng
Tất nhiên sẽ rất khó để kiếm được công việc đúng chuyên ngành nếu bạn vẫn còn là sinh viên. Ngược lại, không hề khó để tìm được các công việc tại nhà hàng và cửa hiệu. Cách hiệu quả nhất để có những việc này là vào thẳng cửa hàng và hỏi xem họ có cần người không. Vào những dịp Giáng sinh, nhu cầu tuyển người phụ bán hàng rất cao tại tất cả các thành phố. Mức lương theo giờ thông thường từ 5-7 bảng. Nhẩm tính sẽ thấy, nếu chăm chỉ, bạn hoàn toàn có thể tự lo được tiền học trong một thời gian mà không cần đến bố mẹ hoặc để dành tiền cho chuyến du lịch-không-thể-xin-thêm-tiền-bố mẹ mà bạn vẫn đang nuôi ý định chẳng hạn.
Mua sắm – dễ nếu biết cách
Điều mà tôi muốn đề cập ở đây không phải là việc mua bán shopping thời trang như phái đẹp thường yêu thích mà chỉ đơn giản là mua sắm cho cuộc sống thường ngày – một thứ hiểu biết tối cần thiết khi bạn bắt đầu sống một mình.
Ở Anh quốc có nhiều hệ thống siêu thị lớn như Waitrose, M&S, Sainsbury, Tesco, ASDA, ALDI và Lidl (xếp theo thứ tự từ cao cấp tới bình dân) để các bạn có vô vàn sự lựa chọn khác nhau. Ngoài ra còn có hệ thống những cửa hàng nhỏ của người Ấn, Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Lan cung cấp các mặt hàng bổ sung mà ở siêu thị đôi khi không có. Nếu ở London thì bạn có thể dễ dàng mua đồ Việt Nam ở các shop Việt nằm chủ yếu ở khu Hackney (Đông Bắc London).
Đối với các mặt hàng thực phẩm cần mua hằng ngày, nếu bạn có thể làm quen với các món ăn phương Tây thì sẽ tiết kiệm tiền hơn so với đồ ăn Á Đông. Đối với rau và hoa quả, bạn cũng có thể tìm thấy giá rẻ hơn ở các khu chợ nhỏ ngoài trời (open market). Một đặc điểm nữa ở UK là bạn thường có lợi về giá khi mua số lượng lớn, kiểu như mua 2 tặng 1, một bình sữa giá 1.35 đồng nhưng hai bình sữa thì 2 đồng. Vì thế rất cần thiết có tủ lạnh to ở nhà để trữ đồ ăn.
Mùa sale off chính ở Anh là dịp trước Giáng sinh, tháng 1 và tháng 6, 7. Tận dụng mua sắm trong đợt này sẽ tiết kiệm cho các bạn sinh viên kha khá tiền so với các thời điểm khác.
(Đón đọc phần 2 – số tiếp theo để có thêm những trải nghiệm thú vị khi sống trong lòng nước Anh.
Hoàng Minh Trang ghi
[spoiler title=”Mách nhỏ một số tip mua sắm:” open=”0″ style=”2″]– Khi đi mua sắm nên giữ lại biên lai: Thói quen này nên được áp dụng ở UK nói riêng và các nước ngoài Việt Nam nói chung. Bạn sẽ dễ dàng chứng minh các khoản chi tiêu và tránh được rắc rối do rào cản ngôn ngữ và thiếu hiểu biết về pháp luật.
– Nên đặt vé máy bay về Việt Nam vào khoảng tháng 8-9 là thời điểm nhiều du học sinh từ Việt Nam sang UK. Thời điểm này giá vé chiều ngược lại sẽ có nhiều ưu đãi. Một bí quyết là đặt vé thông qua đại lý thì sẽ có giá tốt hơn là đặt vé online.[/spoiler]