Một nghiên cứu độc lập được công bố mới đây cho thấy, Việt Nam đứng thứ 10 trong số 12 nước có số lượng kiều hối từ 10 tỉ USD trở lên vào năm 2013. Ấn Độ dẫn đầu với 70 tỉ USD, tiếp theo là Trung Quốc với 60 tỉ USD, Philippines với 25 tỉ USD. Số kiều hối Việt Nam nhận được là 11 tỉ USD, tương đương khoảng 7,1% của tổng sản phẩm nội địa, bằng 1/3 số lượng ngoại hối dự trữ vào năm 2013 (33 tỉ USD), lớn hơn cả vốn đầu tư nước ngoài (10,5 tỉ USD) và tiền viện trợ ODA thực là 4,1 tỉ USD cho năm 2012. Số lượng kiều hối xem ra nhập vào Việt Nam đều đặn hơn là vốn đầu tư nước ngoài. Kiều hối là một nguồn ngoại tệ quan trọng, một số tiền viện trợ lớn không phải hoàn lại và không phải chịu một chi phí nào cả.
Vào năm 2011, cán cân vãng lai của Việt Nam từ tình trạng thiếu hụt lần đầu tiên trở nên thặng dư với con số khiêm nhường là 236 triệu USD. Con số này đã tăng lên đến 2,6 tỉ USD vào năm 2013. Một phần nhỏ nhờ vào thặng dư về cán cân thương mại là 3,3 tỉ USD, nhưng phần lớn hơn nhờ thặng dư về tài khoản chuyển nhượng vãng lai 9,1 tỉ USD trong đó có 11 tỉ kiều hối chuyển vào Việt Nam.
Số lượng ngoại tệ do kiều hối mang về rất cần thiết đối với Việt Nam để thanh toán hàng hóa nhập khẩu và các dịch vụ thương mại. Ngoài ra nó còn giúp ổn định tỷ giá.
Một yếu tố giúp cho sự gia tăng kiều hối là số người Việt vẫn tiếp tục ra nước ngoài qua chương trình đoàn tụ gia đình và qua chương trình xuất khẩu lao động. Số công nhân Việt Nam làm việc ở nước ngoài từ khoảng 30.000 người vào năm 2000 đã lên đến 500.000 người vào năm 2013. Kể từ năm 2015, công nhân trong các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á có thể tự do đi lại và làm việc ở trong vùng, do đó sẽ làm số kiều hối tăng lên.
Theo cuộc nghiên cứu nói trên, phần lớn kiều hối chuyển vào Việt Nam được dùng vào việc mua bán nhà, đất, trả nợ và tiết kiệm. Một phần nhỏ được dùng để mua những sản phẩm công nghiệp. Ngoài ra, cuộc nghiên cứu cho thấy rằng kiều hối không được dùng vào việc sản xuất cũng như tiêu thụ hằng ngày và ảnh hưởng đối với giảm nghèo về mặt tiêu thụ rất giới hạn, ít nhất trong ngắn hạn.
Nguyễn Thắng