Nhận lời mời của một công ty tham dự một tour ngắn về vùng sông nước miền Tây thăm chợ nổi, các khu vườn cây và làng nghề truyền thống… Chuyến đi không trọn vẹn vì các điểm“sinh thái xanh” vẫn còn tồn tại nhiều mảng xám trong quá trình phát triển du lịch. Với tâm trạng đầy háo hức được dạo chơi Chợ nổi Cái Răng, chúng tôi dùng bữa sáng ngay trên du thuyền Mekong Princess vừa ngắm bình minh vừa thưởng thức cảnh vật đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Giữa muôn tiếng lao xao từ những ghe máy nổ, lời mời chào mua trái cây, thức ăn nước uống của các ghe nhỏ cặp quanh thuyền đã làm nhóm khách Tây cảm thấy thích thú và chụp ảnh không ngơi tay… Bỗng nhiên, tiếng kêu sửng sốt của J. Jess đã làm tất cả giật mình quay lại – gương mặt cô bạn đồng hành tái nhợt hẳn khi nhìn xuống mặt nước. Giữa những túi bọc nylon, vỏ hộp đồ ăn trôi nổi trên sông, xen lẫn với các khóm lục bình, vài xác cá tra khá to nặng chừng gần 2kg đang dập dềnh nổi trên sông bốc mùi tanh theo gió khăm khẳm… Một nhân viên của Mekong Princess nhanh tay ý tứ vớt rác bỏ vào một lồng gắn sau đuôi thuyền đợi cặp bến đem lên bờ xử lý. Nhưng mọi người đã mất hứng, vị ngọt của tô phở chợt lạt lẽo hẳn trên miệng khi tận mắt nhìn khu chợ nổi đẹp nhất miền Tây dường như được bao quanh bởi những luồng rác nổi trôi do người dân hai bên ven bờ cùng các ghe tàu mua bán vô tư ngày đêm buông xả.
Chị Võ Thị Phương Thư – Tổng giám đốc của Victoria Cần Thơ chia sẻ, tại resort, chúng tôi luôn tuân thủ việc chăm chút bảo vệ môi trường, hướng du khách cảm nhận không gian thiên nhiên xanh sạch đẹp… Tuy nhiên, sau những hành trình ngắm bình minh dùng bữa sáng trên sông, nhiều du khách Tây đã thẳng thắn góp ý, nếu là người Việt Nam có trách nhiệm, bạn phải lên tiếng nhắc nhở cộng đồng có ý thức hơn để bảo vệ thiên nhiên nguồn nước đang bị ô nhiễm tại đây mỗi ngày một nặng nề. Cần Thơ là địa phương có nét văn hóa rất riêng, chợ nổi của các bạn là “chợ thật”, không dựng lại, không là “chợ giả” như Thái Lan. Để hiểu nét đẹp quê hương bạn, chúng tôi phải đi rất xa mới có thể tận hưởng điều này. Các bạn hãy bảo tồn nó, hãy gìn giữ để chúng tôi và bạn bè sẽ còn có dịp trở lại.
Lên bờ dạo bước ghé thăm làng nghề làm hủ tiếu chú Ba Của vốn được lưu truyền bốn đời nép mình bên một con hẻm nhỏ quanh co thuộc xã An Bình – quận Cái Răng… Trên đường vào làng, những đống rác to, gió thổi bay rác tung đầy dường như vẫn vô tư trước mắt mọi người. Nó rất bình thường trước người làng nhưng thật không hay chút nào, nếu đưa nơi này vào hoạt động phục vụ du lịch mà chưa thuyết phục được người dân địa phương thay đổi nếp sống chưa văn minh. Tất cả tạo nên mảng xám khiến cuộc hành trình trở nên rời rạc. Cậu hướng dẫn viên tên Huy buồn buồn: “Công ty của tôi kết hợp với chính quyền ra sức vận động bà con làng xóm gìn giữ khu xóm xanh – sạch – đẹp, hỗ trợ chi phí giúp dân trồng hoa, kiểng, cây cảnh tạo thêm không gian thiên nhiên tươi mát đẹp xinh hơn… Thế nhưng, đâu rồi cũng vào đó nên có lẽ công ty phải kiên quyết hơn, nếu cần thì chọn nơi khác”.
Những lời góp ý thẳng thắn của du khách Tây trên con tàu Mekong Princess hôm ấy xem ra vẫn có vẻ nhẹ nhàng so với sự phát triển thiếu bền vững tại các điểm đến của du lịch. Thật vậy, những tên tuổi một thời như Chợ nổi Ngã Bảy, Chợ nổi Cái Răng, Chợ nổi Trà Ôn, Chợ nổi Cái Bè, Chợ nổi Ngã Năm… đang ngoắc ngoải dần khiến lòng người buồn bã. Thuở xưa, thăm chợ nổi, du khách được hòa vào một không gian sống động, tiếng cười thân thiện, nét mộc mạc của cư dân thương hồ đã làm say lòng trái tim du khách nơi xa… Khi du lịch phát triển thì việc chặt chém, ép giá, lừa gạt khách thường xảy ra. Việc tranh giành khách hàng giữa các công ty đã tạo ra nhiều “chiêu trò hạ bệ” nhau từ các lời bình luận trên Facebook hay nhờ người quấy rối trực tiếp đến khách… Tất cả những việc này đã làm du khách bị không vui khi đến miền sông nước này.
Thủy Dương