Cách Paris 500km về phía đông, giáp giới với Đức, Strasbourg là thành phố nhỏ nhắn và thâm hậu: Là thủ phủ của vùng Alsace. Là nơi giao lộ của các ngả đường đi khắp châu Âu. Là thành phố cổ kính hơn hai ngàn năm tuổi. Là di sản văn hóa thế giới (1988). Là được coi như là thủ đô của châu Âu – nơi đặt trụ sở Quốc hội châu Âu, Hội đồng châu Âu, Tòa án Nhân quyền châu Âu, Quân đoàn châu Âu… Và, từng là nơi cư ngụ của bao danh sĩ lẫy lừng.
Tiền thân của Strasbourg là khu thành lũy có tên Argentoratum, được xây dựng năm 12 trước Công nguyên dưới thời hoàng đế La Mã Augustus. Trời Trung cổ, Strasbourg là một trung tâm kinh tế quan trọng. Nhưng rồi, trong suốt chiều dài lịch sử của mình, Strasbourg chẳng khác chi số phận của cô gái xinh đẹp và dịu dàng, lại như tấm lụa đào phất phơ giữa chợ khi vào tay Pháp, khi qua tay Đức, đôi khi lẻ loi một mình, rồi lại về Pháp, lại sang Đức, nay thì hoàn toàn thuộc Pháp. Phải chăng vì thế mà Strasbourg vừa có chất lãng mạn và hào hoa của Pháp, vừa có tính chặt chẽ và ngăn nắp của Đức, hai chất liệu góp phần tạo nên một Strasbourg độc đáo và quyến rũ.
Biểu tượng của thành phố là Nhà thờ Đức Bà. Sau hơn hai thế kỷ xây dựng, năm 1439, công trình được hoàn thành – từng là công trình cao nhất thế giới, ngày nay nó vẫn được xếp vào hàng một trong những nhà thờ cao nhất thế giới. Nhà thờ Đức Bà là một kiệt tác kiến trúc, với những đường nét, những công trình chạm trổ tinh xảo và nghệ thuật, cùng thứ màu tím hồng độc đáo và lãng mạn khiến trở thành vô song. Vào những ngày lễ lớn, hệ thống đèn chiếu sáng khoác lên mình nó thứ ánh vàng mộng mị tưởng như vừa hiện ra từ trong câu chuyện cổ tích.
Thành phố cổ Strasbourg nằm gọn trên đảo lớn (Grande Île), được bao bọc bởi hai nhánh sông Ill – phụ lưu của sông Rhin. Bởi thế, một trong những đặc điểm nổi bật của Strasbourg là có rất nhiều cầu. Những chiếc cầu nhỏ nhắn, xinh xinh, hai bên thành cầu lúc nào cũng có nhiều hoa. Hình như đó là những chiếc cầu không chỉ làm nhiệm vụ nối liền đôi bờ mà còn cả sứ mệnh nối liền trái tim với những trái tim, hiện tại với quá khứ, hôm nay và mai sau.
Qua khỏi cầu là một cảnh giới hoàn toàn khác. Rất dễ có cảm tưởng ta đang lồng lộng đi như đi giữa ngày xưa. Mỗi ngôi nhà, mỗi góc phố đều in đậm dấu thời gian. Một cảm giác lạ lùng tràn ngập tâm hồn khách lãng du: tĩnh lặng, thơ thới, êm đềm, sâu lắng…
Trong vô số những ngôi nhà cổ ở Strasbourg, Maison Kammerzell là ngôi nhà nổi tiếng nhất, với tuổi đời ngót nghét 600 năm, tọa lạc ngay bên quảng trường Nhà thờ Lớn. Có người nói, đây là một trong những quảng trường đẹp nhất châu Âu, và lạ lùng thay lúc nào cũng lộng gió. Đi cho chán chê ê ẩm rồi về đây ngồi nhâm nhi cốc bia truyền thống vùng Alsace, ngắm nhìn nhân loại nhởn nhơ… Thiệt đại chi là thú.
Nhưng thu hút du khách nhiều nhất vẫn là khu phố cổ La Petite France, nằm cạnh bờ sông Ill, với những ngôi nhà cổ theo phong cách Nam Đức – nhiều tầng, mái dốc, tường trắng, khung gỗ lộ ra bên ngoài, trên các bậu cửa luôn đính nhiều lẵng hoa đủ sắc màu, trông lãng mạn và đẹp cái đẹp rất riêng. Cùng với những kênh đào thơ mộng, những ngõ hẻm hun hút gió lùa, cái giai điệu lạ lùng quyến rũ… La Petite France thật sự là điểm sáng nghệ thuật của bài thơ Strasbourg.
Strasbourg là hình mẫu của sự kết hợp truyền thống và hiện đại. Phố cổ với những con đường nhỏ nhắn xinh xinh, những ngôi nhà cổ duyên dáng và trữ tình, những lâu đài cổ huyền bí và mộng mơ… tất cả đều được trân quý và bảo tồn nguyên vẹn. Từ khi Strasbourg trở thành như là thủ đô của châu Âu, rất nhiều công trình mới được xây dựng cực kỳ bề thế và hiện đại, như tòa Nghị viện châu Âu, Hội đồng châu Âu, Điện Nhân quyền châu Âu, và nhiều công trình khác.
Nhưng tất cả đều nằm bên ngoài quần thể kiến trúc cổ. Strasbourg như bức tranh với hai màu chủ đạo tưởng như xung khắc nhau nhưng lại được phối hợp một cách tài tình, duyên dáng, và đẹp. Ở đây người ta hiểu bảo tồn và phát triển là hai khái niệm độc lập nhưng không đối lập, và người ta đã giải quyết vấn đề theo hướng tích cực. Rằng bảo tồn các di sản văn hóa là một cách phát triển kinh tế.
Mà muốn phát triển kinh tế, muốn thu hút du khách, muốn giàu, muốn mạnh thì phải biết giữ gìn nét văn hóa độc đáo của mình, nghĩa là không lỏi chỏi, không lai tạp, không học đòi, không mất mình, không sến. Strasbourg mỗi năm thu hút khoảng vài chục triệu khách du lịch – con số đáng ngưỡng mộ, nhưng chẳng có gì khó hiểu.
Strasbourg chính là nơi Claude Joseph Rouget de Lisle sáng tác bản nhạc lừng danh dành cho quân đoàn sông Rhin, sau này trở thành bài La Marseillaise – quốc ca của Pháp. Cũng tại thành phố này, Gutenberg sáng chế máy in đầu tiên, để rồi từ đây công nghệ này phát triển ra khắp châu Âu. Strasbourg còn là nơi học tập và sinh sống của nhiều nhân vật nổi tiếng như Johann Wolfgang Goethe, Jakob Michael Reinhold Lenz, Johann Gottfried Herder, Eulogius Schneider, Georg Büchner…
Người ta nói, Strasbourg là thành phố nhiều hoa và cây xanh nhất nước Pháp, đặc biệt có rất nhiều công viên lớn nhỏ, mà Orangerie là công viên nổi tiếng nhất. Tại đây, năm 1804, thành phố quyết định xây Pavillon Joséphine làm nơi đi về cho đôi tình nhân lừng danh kim cổ: Napoléon – Joséphine. Thế là các cuộc tiệc tùng xa hoa lộng lẫy tưng bừng khai hội mỗi lần họ ghé qua. Tòa nhà hiện nay là công trình đã được trùng tu y chang mô hình cũ vốn bị hỏa hoạn thiêu rụi năm 1968.
Trước nhà vẫn còn nguyên bức tượng bán thân nữ hoàng Joséphine sinh động như thật. Khuôn mặt nàng thì hết nói rồi, còn bộ ngực, hèn chi Napoléon chếnh choáng đất trời. Napoléon là vị tướng tài danh và đa tình. Có quá nhiều người để ông yêu, nhưng xem ra ông chỉ yêu một người, đó là Joséphine, thiếu phụ đã qua một đời chồng, hai con, và hơn ông tới năm tuổi. Vậy mà ngay cái nhìn đầu tiên, Napoléon đã bị hút hồn. Họ trở thành vợ chồng như là trò chơi cắc cớ của thượng đế.
Một biểu tượng khác lẫy lừng không kém Nhà thờ Đức Bà là Trường Đại học Strasbourg, được thành lập năm 1621. Hiện là đại học lớn nhất nước Pháp, với khoảng 43.000 sinh viên, hơn 6.000 cán bộ giảng viên, 77 trung tâm nghiên cứu, 38 đơn vị khoa, ngành, viện… Là ngôi trường nổi tiếng châu Âu, cả nổi tiếng thế giới. Là nơi đào tạo cho thế giới không biết bao nhiêu nhân tài trên mọi lĩnh vực, và nhiều nhà khoa học lỗi lạc, trong đó có nhiều vị đoạt giải Nobel và Fields. Trước năm 2000, có sáu sinh viên Việt Nam được chính phủ Pháp cấp học bổng du học tại đây.
Một trong sáu sinh viên ấy là Thục Uyển, con gái út của chúng tôi. Còn nhớ, những năm đầu da diết lắm – vừa lo lắng, vừa nhớ thương. Nhưng rồi qua thư của con, dần dà chúng tôi cũng hình dung được thành phố nơi cháu gửi gắm cả tuổi thanh xuân của mình: Đó là thành phố cổ kính và yên bình, dân thành phố hiền hòa và nhân hậu…
Là thành phố mùa đông cực kỳ lạnh giá, mùa xuân hoa lá khắp nơi, mùa hè ngát xanh cây cỏ, mùa thu thăm thẳm tầng trời. Là thành phố có con sông nhỏ uốn quanh, những ngôi nhà cổ soi bóng, những chiếc cầu xinh xinh, những giáo đường cao vút. Là thành phố đẹp như thơ, ngăn nắp như bài tập. Là thành phố xe đạp nhiều hơn xe hơi; chiếc tàu điện nhỏ nhắn, dễ thương nối liền hai miền cổ kính và hiện đại. Ngày tôi đến, xem ra Strasbourg đời thật không khác bao nhiêu với Strasbourg trong tâm tưởng tôi.
Ôi Strasbourg. Năm tháng đi qua mà chút tình xưa vẫn còn vương vấn mãi.