Khi thuế suất bằng 0, mức tiêu thụ xe sẽ tăng gấp đôi
Theo nhận định của ông Vijayendra Rao – Giám đốc nghiên cứu dự án về ôtô tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Công ty Frost & Sullivan, tới năm 2018, lượng xe hơi tiêu thụ tại khu vực Đông Nam Á sẽ đạt đến 4,7 triệu chiếc các loại, tăng gần gấp đôi so với con số của năm 2011 (2,4 triệu chiếc). Dự đoán này dựa trên việc thực hiện Hiệp định thương mại tự do ASEAN từ năm 2010, theo đó thuế suất nhập khẩu xe hơi và linh kiện xe hơi được sản xuất tại các nước ASEAN giảm dần tới mức 0% vào năm 2018.
Nhà máy mới của Ford tại Thái Lan, nơi vừa cho ra mắt mẫu xe Focus mới
Sự thống nhất thị trường chung Đông Nam Á đối với ngành công nghiệp ôtô tất nhiên tạo được lực hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt khi mà khu vực này có tới mười quốc gia thành viên nhưng chỉ ngành công nghiệp ôtô của Malaysia có được thương hiệu nội địa duy nhất (Proton), còn các quốc gia khác đều trông chờ vào các sản phẩm liên doanh với những thương hiệu lớn, chủ yếu là các đối tác Nhật Bản, Mỹ. Các nhà sản xuất linh kiện gốc (Toyota, Honda, Nissan, General Motors, Ford Motor…) đã chuyển hướng đầu tư vào các nhà máy sản xuất tại một vài nước trong khối ASEAN. Mặt khác, Thái Lan và Indonesia đang dần trở thành hai trung tâm sản xuất ôtô của khu vực Đông Nam Á và xuất khẩu sản phẩm sang các nước trong khu vực. Căn cứ vào những yếu tố đó, có thể thấy dự báo về thị trường ôtô lớn thứ 6 thế giới đang dần trở thành hiện thực.
Thử nhìn về trung tâm sản xuất ôtô của Đông Nam Á
Toyota đã quyết định đầu tư thêm khoảng 260 triệu USD để xây dựng nhà máy thứ 5 của mình tại Thái Lan, nơi họ đang là nhà đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực xe hơi và cũng là thương hiệu chiếm thị phần lớn nhất tại đây (36,5% trong năm 2011 và tháng 2-2012 đã tăng lên 47,4%). Giữa năm nay, nhà máy thứ 3 của Ford tại Thái Lan với tổng vốn đầu tư 450 triệu USD cũng đã chính thức đi vào hoạt động và sản phẩm đầu tiên vừa được họ tung ra thị trường Đông Nam Á là chiếc Focus mới.
Với dân số 240 triệu người, Indonesia được đánh giá là thị trường có tiềm năng lớn của ngành công nghiệp ôtô. Đầu năm nay, Toyota đã thông báo về việc đầu tư 534 triệu USD vào nhà máy thứ 2 ở đảo quốc này. Rất nhanh chóng, từ năm 2013, nhà máy đó sẽ đi vào hoạt động, cung cấp cho thị trường mỗi năm 70.000 chiếc xe. Mục tiêu của Toyota là tới năm 2014 sẽ sản xuất được 230.000 xe/năm tại Indonesia. Cũng cần biết rằng mức tiêu thụ ôtô tại nước này đã đạt kỷ lục vào năm ngoái với gần 900 ngàn xe các loại, tăng 17% so với năm 2010.
Thái Lan hoặc Indonesia cũng đang trong tầm ngắm của tập đoàn sản xuất ôtô số 1 Ấn Độ để đầu tư một nhà máy mới tại khu vực ASEAN với tổng vốn đầu tư hơn 300 triệu USD, có công suất từ 50.000 đến 60.000 xe/năm.
Theo nhận định của ông Vijayendra Rao, tới năm 2013, lượng xe hơi mới xuất xưởng được tiêu thụ ở Thái Lan và Indonesia đều sẽ đạt khoảng một triệu chiếc. Nếu ở Indonesia, xe được sản xuất ra sẽ tập trung chủ yếu cho thị trường nội địa thì ở Thái Lan, luồng xe hướng đến xuất khẩu sẽ tăng mạnh. Châu Á, Trung Đông và châu Đại Dương sẽ là ba thị trường xuất khẩu chính của ngành công nghiệp ôtô Thái Lan. Có tới 73,9% tổng số xe xuất khẩu từ Thái Lan trong năm 2011 đã tới các thị trường vừa nêu. Bên cạnh dòng xe pick up mà Thái Lan đang là nước xuất khẩu số 1 thế giới (nước này cũng là thị trường tiêu thụ xe pick up lớn thứ 2 thế giới), trong thời gian tới, các nhà sản xuất ôtô Thái sẽ chú trọng phát triển dòng xe du lịch và xe xanh, nhắm vào thế hệ người tiêu dùng trẻ.