Chính ông Vijayendra Rao dự đoán rằng những sản phẩm mới sẽ ra lò ở Thái Lan cơ bản thuộc dòng xe hatchback, xe phong cách thể thao và ba thương hiệu xe sẽ tiếp tục dẫn đầu tại thị trường này vẫn có nguồn gốc Nhật Bản, gồm Toyota, Honda và Nissan. Đây cũng sẽ là những dòng xe có tiềm năng phát triển nhất tại khối ASEAN trong thời gian tới vì theo dự báo thì nhu cầu về dòng xe chở khách (bao gồm xe du lịch, xe đa dụng) ở thị trường Đông Nam Á sẽ tăng từ 1,5 triệu chiếc (năm 2011) lên 3,1 triệu chiếc (năm 2018), còn dòng xe thương mại sẽ tăng chậm hơn, nhưng cũng từ 780 ngàn chiếc (năm 2011) lên đến 1,6 triệu chiếc (năm 2018).
Cơ hội nào cho Việt Nam?
Nhắm tới cột mốc 2018, cứ nhìn vào tính toán đầu tư của các tập đoàn sản xuất quốc tế ở khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam là thị trường ít cơ hội. Các nhà đầu tư Nhật vốn nhanh nhạy nhất trong việc xây dựng nhà máy ở nước ngoài đã chọn Thái Lan và Indonesia để phục vụ mục tiêu chiến lược “Một ASEAN”. Hiện nay, tại Thái Lan, thương hiệu xe Nhật chiếm tới hơn 85% thị phần, phần ít ỏi còn lại được chia cho Chevrolet của General Motors (4%), Ford (3,7%) và các thương hiệu khác (6,4%). Cả Toyota Việt Nam lẫn Ford Việt Nam đều cho hay chưa có kế hoạch đầu tư thêm vào nhà máy lắp ráp tại Việt Nam. Trên thực tế, không ít mẫu xe của các liên doanh tại Việt Nam đã chuyển dần sang dạng nhập khẩu từ Thái Lan, trong đó 100% các mẫu xe bán tải (pick up) của Toyota, Ford, Mitsubishi, Isuzu, Nissan đều được nhập khẩu từ nước này với mức thuế hiện chỉ 5%.
Cơ hội đầu tư vào ngành sản xuất ôtô Việt Nam, nếu có, nhiều khả năng đến từ các hãng xe châu Âu. Việt Nam từng có cơ hội là nơi lắp ráp xe BMW đầu tiên của khu vực ASEAN, nhưng rồi BMW đã rút khỏi dây chuyền lắp ráp của liên doanh ôtô Hòa Bình để chuyển sang đầu tư tại Thái Lan. Hiện nay, nhà máy của BMW tại Thái Lan có công suất 10.000 xe/năm, là nhà máy duy nhất ngoài lãnh thổ Đức có khả năng sản xuất bảy mẫu xe mới của BMW. Hướng đi của nhà máy này là sản xuất và xuất khẩu ôtô sang các nước Đông Nam Á, đầu tiên là đến Indonesia. Gần đây, đại diện của Volkswagen tại Việt Nam cũng đánh tiếng về khả năng nhà sản xuất xe lớn nhất châu Âu này đặt nhà máy đầu tiên của khu vực Đông Nam Á tại Việt Nam, nhưng ý kiến đó xem ra chỉ là dự kiến không khả thi vì Việt Nam là thị trường tiêu thụ nhỏ, lại bị hạn chế bởi nhiều chính sách thuế, phí hạn chế ôtô cá nhân. Nếu nhìn nhận kỹ hơn thì may chăng Mercedes-Benz đang có cơ hội đầu tư thực tế hơn cả. Lý do là hiện nay Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất có nhà máy lắp ráp xe Mercedes-Benz và cũng là thị trường có tốc độ phát triển dòng xe sang này vào loại nhanh nhất trong khu vực. Ông Michael Behrens – Tổng giám đốc Mercedes-Benz Việt Nam cho biết: “Trong thời gian ba năm, tính đến năm 2012, Mercedes-Benz Việt Nam đã và đang đầu tư hơn 23 triệu USD vào trang thiết bị nhà xưởng và đại lý. Chúng tôi mới bổ sung thêm 10 triệu USD để phát triển hệ thống mạng lưới đại lý, nâng tổng vốn đầu tư lên đến 33 triệu USD”. Tất nhiên, nếu so với hàng trăm triệu USD đầu tư cho các nhà máy mới ở Thái Lan hay Indonesia thì con số 33 triệu USD còn rất khiêm tốn, chủ yếu dành cho việc phát triển đại lý bán hàng và làm dịch vụ hậu mãi hơn là mở rộng sản xuất. Hiện Mercedes-Benz Việt Nam cũng chưa có thông tin nào về việc xuất khẩu sản phẩm sang các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Thủy Phạm