Khi đi du học, không chỉ các học sinh mà cả phụ huynh cũng phải làm quen với một hệ thống giáo dục hoàn toàn khác. Ở những nước phát triển, số trường đào tạo bậc cao đẳng, đại học lên đến hàng ngàn, phân chia thành nhiều nhóm trường khác nhau. Vậy nên, chọn đúng trường là một trong những yếu tố rất quan trọng với người học. Nhiều học sinh và phụ huynh đã không khỏi bối rối khi gặp phải những cái tên như University, College, Community College, Liberal Arts College, University of Applied Sciences… Và cũng không ít trường hợp chỉ vì hiểu lầm từ phía phụ huynh và học sinh mà vấn đề chọn trường trở nên khó khăn hơn.
University và College: tuy hai mà một
Đã từng có một thời gian người ta dịch “University” là đại học còn “College” là “cao đẳng”. Chính vì vậy, nhiều phụ huynh và học sinh khi thấy chữ College đã tránh ngay vì sợ chương trình học khác với mục đích của mình. Đây là quan niệm hết sức sai lầm vì cả University và College đều có thể đào tạo bậc đại học bốn năm. Chương trình hai năm ở College tương tự với bậc cao đẳng ở Việt Nam, sau chương trình này sinh viên có thể tốt nghiệp để đi làm hoặc chọn học tiếp lên bậc đại học. Chương trình đào tạo bậc đại học bốn năm ở University và College có thể được xem là “tuy hai mà một”.
Định nghĩa một cách truyền thống, University thường được dùng để chỉ một tập hợp các trường nhỏ, trong đó có thể có cả trường dạy dự bị đại học, College và trường dành riêng cho đào tạo ở cấp độ thạc sĩ, tiến sĩ… Một University thường rất lớn, đào tạo nhiều nhóm ngành hoàn toàn riêng biệt và khác nhau. Những khối ngành này không chỉ có nội dung khác nhau, mà còn cần cách tổ chức và vận hành riêng biệt. Chính vì vậy những trường University này thường xây dựng nhiều College để giảng dạy các nhóm ngành đó.
Nói như vậy, College chỉ đơn thuần giảng dạy các chương trình ở bậc đại học? Điều này có thể đúng trong quá khứ. Vì đã có bộ máy hành chính, tổ chức của riêng mình, các trường College thuộc University có khả năng hoạt động độc lập. Đó là chưa kể đến rất nhiều College hoàn toàn độc lập mà không trực thuộc bất kỳ University nào. Ban đầu, những trường College này được thành lập với mục đích đào tạo quy mô nhỏ, tuy nhiên qua thời gian phát triển, nhiều trường College dù có trực thuộc một University khác hay không, đều phát triển về cả quy mô và chất lượng. Nhiều trường đã có đủ tiềm lực để mở rộng ngành học cũng như mở rộng đào tạo lên đến cả bậc thạc sĩ, tiến sĩ… Đây cũng là yếu tố chính làm cho ranh giới giữa University và College đang dần bị xóa nhòa. Hai khái niệm riêng biệt này đã nhanh chóng trở thành một.
Những nhóm trường đại học phổ biến
Khi đã thông suốt về hai khái niệm University và College, phụ huynh và học sinh vẫn chưa thoát khỏi “nguy cơ” đau đầu khi nhìn vào những cái đuôi chú thích đằng sau mỗi tên trường. Các nhóm trường phổ biến nhất là Community College, Liberal Arts College cho đến University of Applied Sciences… Điểm khác nhau của những trường này là như thế nào và chọn loại trường nào để phù hợp nhất với mỗi cá nhân?
Community College: là một cụm từ được nhắc đến khá nhiều – Cao đẳng cộng đồng. Đây là hình thức giáo dục đặc biệt phổ biến ở Mỹ. Nhằm mang giáo dục sau bậc trung học đến gần hơn với nhiều người, mô hình cao đẳng cộng đồng được phát triển để mang đến các khóa học cao đẳng với chi phí thấp. Chương trình cao đẳng cộng đồng kéo dài hai năm, giảng dạy chủ yếu các kiến thức đại cương và nền tảng của bậc đại học. Sau khi kết thúc hai năm học này, sinh viên có thể lựa chọn đi làm hoặc chuyển tiếp lên bậc đại học. Nhiều người cho rằng cao đẳng cộng đồng chỉ dành cho những sinh viên có thành tích và khả năng kém. Tuy nhiên, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Các sinh viên chọn học cao đẳng cộng đồng có thể vì nhiều lý do: tiết kiệm chi phí, lỡ mất tiêu chuẩn đầu vào của các trường đại học theo nguyện vọng… Sinh viên tốt nghiệp với kết quả cao tại các trường cao đẳng cộng đồng hoàn toàn có thể chuyển tiếp lên những trường đại học hàng đầu.
Liberal Arts College: Đừng hiểu lầm vì chữ Arts trong cái tên của những trường đại học này. Đây không phải là những trường đào tạo về nghệ thuật, và nếu có, đó cũng không phải là lý do chữ Arts xuất hiện trong cái tên của những trường đại học này. Liberal Arts College là những trường đại học có quy mô nhỏ (nhỏ so với những trường có hàng chục ngàn sinh viên) chỉ tập trung đào tạo ở bậc đại học. Từ ngày xưa, khi xã hội vẫn có sự phân chia tầng lớp rõ rệt, chữ Liberal Arts đã có ý nghĩa chỉ về những kỹ năng, ngành học mà một trí thức cần phải có. Đó là những kỹ năng giúp người đó có những nhận định sắc sảo và có tiếng nói trong xã hội. Đó cũng chính là lý do mà chữ Liberal Arts được sử dụng để đặt cho một nhóm trường đại học có mục tiêu đào tạo hướng đến sự mở mang đầu óc, giúp sinh viên có được kiến thức rộng, tầm nhìn và khả năng phán đoán.
University of Applied Sciences: là một khái niệm rất phổ biến ở châu Âu. Hơi khác với Liberal Arts College, University of Applied Sciences là những trường có mục tiêu đào tạo cho sinh viên những kỹ năng thực tiễn có thểứng dụng ngay. Các trường University of Applied Sciences cũng rất mạnh về các khóa đào tạo nghề ngắn hạn cho những đối tượng muốn rút ngắn thời gian học. Chính vì vậy, University of Appied Sciences sẽ phù hợp với những sinh viên có mong muốn học kỹ năng hơn là các môn học học thuật, nghiên cứu vốn là nền tảng để học lên các bậc học cao hơn như thạc sĩ, tiến sĩ.
Chọn trường lớn hay trường nhỏ?
Thông thường, xu hướng của nhiều phụ huynh học sinh là chọn trường càng lớn càng tốt vì nghĩ rằng trường lớn thì chất lượng đào tạo lẫn cơ sở vật chất đều nhỉnh hơn trường nhỏ. Tuy nhiên, trên thực tế, cả trường lớn và trường nhỏ đều có những điểm mạnh của mình.
Trường lớn:
– Đời sống giảng đường sôi động vì có nhiều sinh viên, nhiều câu lạc bộ, nhiều cuộc thi để bạn thử sức.
– Trường lớn thường nổi tiếng hơn trường nhỏ, nhắc đến tên là người đối diện có thể nhận ra ngay.
– Nhiều ngành để chọn, số lượng môn học tự chọn cũng vì thế mà đa dạng hơn.
– Ở trường lớn, bạn sẽ có cơ sở vật chất đa dạng hơn như sân vận động cho nhiều môn thể thao khác nhau, phòng tập, hồ bơi… Cơ sở vật chất ở trường nhỏ dù có chất lượng cũng tốt ngang bằng nhưng sẽ chọn lọc và ít đa dạng hơn.
– Mạng lưới cựu sinh viên rộng lớn.
– Những trường lớn thường nằm ở những khu vực sầm uất, rộng lớn và có rất nhiều tiện ích phục vụ cho đời sống sinh viên. Đây chắc chắn sẽ là điểm cộng với các bạn ưa thích sự náo nhiệt.
Trường nhỏ:
– Lớp học ít sinh viên hơn, bạn sẽ có nhiều cơ hội để phát biểu ý kiến trong lớp.
– Thời gian mà bạn có với giảng viên sau giờ học cũng nhiều hơn. Ở những trường nhỏ, đa phần giảng viên sẽ biết rõ về bạn cũng như quá trình học tập của bạn. Ở những ngôi trường lớn với lớp học đại cương lên đến cả trăm người, giảng viên có thể không nhớ nổi mặt bạn.
– Nếu bạn muốn trở nên nổi bật, môi trường nhỏ sẽ phù hợp với bạn hơn. Trong một ngôi trường có đến hàng chục ngàn sinh viên, khả năng bạn “chẳng là ai cả” sẽ rất cao.
– Ở một ngôi trường nhỏ, sự cạnh tranh cũng ít hơn. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ dễ nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý của thầy cô, nhà trường với những ý tưởng của mình.
– Những trường đại học nhỏ thường có vị trí tại những cộng đồng nhỏ. Những cộng đồng này thường có cảnh quan đẹp, đời sống yên bình và ấm áp. Đời sống cộng đồng nhỏ cũng làm cho người dân cởi mở và tốt bụng hơn. Nếu muốn tìm kiếm những trải nghiệm thơ mộng, độc đáo, đây chính là sự lựa chọn cho bạn.
Nhật Hà