Năm năm và việc tìm lại cảm hứng ở trường quay, điều này có gây trở ngại cho anh?
Thực ra, cảm hứng không liên quan đến việc tại sao bây giờ mới làm phim. Làm phim nghệ thuật chuẩn bị xong dự án này đã phải nghĩ đến dự án khác rồi, bởi việc kiếm tiền cho phim nghệ thuật chỉ ngày càng khó đi thôi. Năm 2010, khi đóng máy Bi, đừng sợ! tôi đã có sẵn Saigon Sunny Days, và đầu 2011 thì đem nó giới thiệu tại Hongkong, Paris rồi Berlin. Nhưng mất đến bốn năm tôi mới kiếm được gần 150 nghìn USD từ châu Âu. Khoản tiền này còn quá xa con số mình cần, vốn được dự trù khoảng 600 ngàn USD. Một phim nghệ thuật nhỏ vậy thôi nhưng cũng phải cần chừng đó tiền mới trang trải hết được mọi yêu cầu.
Thế giới ngày càng thực tế hơn, ngay cả đối với những tên tuổi lớn, và trong phim ảnh, mọi người chỉ hứng thú với những thứ lấy được tiền mà không quá căng thẳng trong suy nghĩ.
Anh có nghĩ đến những kế hoạch để phim nghệ thuật có thể cạnh trạnh với phim thương mại trong việc tìm kiếm đầu tư?
Không có cách nào để phim nghệ thuật cạnh tranh với phim thương mại được, hai lĩnh vực này vốn khác nhau. Mình không thể hứa hẹn với các nhà đầu tư, bởi các nhà đầu tư cho phim thương mại luôn có những yêu cầu rõ ràng. Họ sẽ hỏi mục tiêu của phim là gì, phim có yếu tố nào làm đông đảo khán giả muốn xem hay các nhãn hàng đọc kịch bản muốn nhảy vào tài trợ không, vân vân và vân vân, tiếc là những thứ tôi đang làm lại không có đặc điểm thu hút đầu tư kiểu như vậy… thậm chí nhiều người còn cho rằng nó khó hiểu, vì vậy các nhà đầu tư thường rất ngại ngùng.
Nhiều đạo diễn không hẳn làm phim thương mại vẫn ra được phim đều đặn đấy thôi?
À, thì tôi nghĩ có một cách mà tôi không thể làm được, đó là tôi cần phải đẹp đẽ để dễ thuyết phục hơn. Nhưng theo thời gian, tôi chỉ ngày càng già và khó tính đi thôi. (cười)
Trong thời buổi mà bản chất của bất kỳ công việc gì cũng gần như buôn bán thì chuyện các nhà đầu tư đòi hỏi phải bán được sản phẩm là hoàn toàn hợp lý thôi?
Tất nhiên, điện ảnh trước hết phải là công việc kinh doanh, toàn thế giới đều vận hành như thế. Song bên cạnh đó cũng cần nghĩ điện ảnh là nghệ thuật, mà đã là nghệ thuật thì không phải lúc nào cũng chỉ nghĩ đến lợi nhuận.
Đạo diễn Phan Đăng Di
Vậy theo anh, sắp tới anh sẽ bán cho khán giả những sản phẩm gì?
Chúng tôi bán đam mê, dù cái chúng tôi đang làm chưa chắc đã hợp với khán giả số đông, điều này mình phải thật thà với nhau, dù phim nói về tình yêu, và những câu chuyện được kể trong phim theo tôi là hấp dẫn, nó gợi về Việt Nam thời bắt đầu đổi mới, với những đam mê của con người trước cái mới, những giá trị vật chất. Mọi thứ đều lộn xộn, ngây thơ, ông Chằng bà Chuộc nhưng buồn cười. Xem phim này khán giả sẽ thấy lại những style xưa cũ, về phục trang, về cách sống, về một thời chưa xa nhưng nhiều thứ nay đã biến mất hoàn toàn.
Như anh nói làm phim là bán cảm xúc cho khán giả, vậy phim nghệ thuật cuối cùng đem lại cho khán giả thứ cảm xúc gì khi mà họ tỏ ra không mấy quan tâm đến dòng phim này?
Đây là tình hình chung của thế giới: phim nghệ thuật không được số đông khán giả quan tâm. Cũng như bán hàng vậy, có những món hàng trong siêu thị hằng ngày ai cũng mua về ăn, nhưng có những món cần đợi đến một lúc nảy sinh thích thú đặc biệt thì người ta mới mua.
Thế tại sao anh lại tự làm khó mình bằng cách chọn đi theo dòng sản phẩm kén người ấy?
Thực tế là tôi đang làm dễ cho mình. Rõ ràng dạng phim đó khiến tôi thoải mái và làm tốt hơn. Chưa chắc tôi đã làm được phim thương mại cho mọi người xem. Đã có rất nhiều người giỏi trong chuyện đấy rồi.
Giả sử có điều kiện đặt ra cho anh, một sự thỏa hiệp mang tính thương mại để sản phẩm dễ tìm đầu tư và dễ bán hơn?
Không đâu, một sản phẩm được làm ra phải có ý tôn trọng khán giả. Ví dụ như làm gói mì tôm thì nó nên đúng quy chuẩn của một gói mì tôm người ta quen ăn, chứ đừng pha trộn lung tung, trộn như vậy rất dễ bị đau bụng, thế thôi. Chỉ cần suy xét một tí, mình sẽ biết tốt nhất chớ pha trộn lung tung để làm ra một cái mà mình nghĩ có thể thỏa hiệp. Mỗi dòng phim có một cách vận hành riêng, cũng như mỗi món ăn có một công thức riêng, nó là chuyện rất thực tế chứ không hẳn cao siêu to tát gì cả.
Lại phải quay về câu chuyện tiền bạc, chúng ta đâu có quá nhiều lựa chọn khi không có tiền, đúng không?
Mình cũng phải biết kiên nhẫn, sẵn sàng chờ và nếu chưa đủ tiền thì chờ tới lúc đủ.
Anh làm gì để sống trong khoảng thời gian chờ đợi nhỉ?
Nuôi sống bản thân thì chả có gì khó cả. Ai cũng đặt một câu hỏi là tôi lấy gì để sống. Thực ra tôi vẫn sống được với nghề dạy học và viết kịch bản. Rồi cũng có những quỹ hỗ trợ điện ảnh châu Âu họ trả tiền cho mình tập trung ngồi viết trong vài năm để ra được tác phẩm. Tuy nhiên, một điều quan trọng là muốn sống nhẹ nhàng thì cũng nên khuôn nhu cầu của mình lại ở mức nhẹ nhàng thôi, đừng khổ sở quá vì tiện nghi.
Vậy còn nhu cầu thực hiện đam mê, khi mà việc chờ đợi quá lâu sẽ khiến anh thấy giấc mơ của mình tản mác và con người của mình hao mòn đi?
Cái gì cũng có tính thời điểm. Đến một lúc nào đó chắc chắn tôi sẽ bị hao mòn, và dự án của tôi cũng thế. Diễn viên mình chọn, theo thời gian họ có thể bị tăng cân hay già đi, lấy vợ, lấy chồng, sinh con đẻ cái, hoặc người ta đã có kế hoạch khác cho cuộc sống rồi… Thông thường phim nghệ thuật không thể tạo ra ê-kíp trong một năm, tuy nhiên sau 3, 4 năm vẫn chưa đưa dự án lên màn ảnh được thì lỡ hết, không riêng với mình mà còn với rất nhiều người. Đấy là lý do tại sao những người làm phim nghệ thuật hay gắn liền với một ê-kíp, những người đủ nhẫn nại để đi cùng với họ.
Nói thêm một chút về tình hình khó khăn của việc tìm kiếm đầu tư trên thế giới của dòng phim độc lập nhé?
Trên thế giới chỉ còn duy nhất châu Âu là vẫn tiếp tục đổ tiền cho phim nghệ thuật-độc lập, dù ngân sách thì ngày càng ít đi. Bởi thế hầu như tất cả nhà làm phim nghệ thuật đều nhìn vào Pháp, Đức những nơi còn hào phóng với dòng phim này, và vì vậy cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Các nhà đầu tư trong nước thì sao ạ?
Lúc làm Bi, đừng sợ! đầu tư trong nước chiếm khoảng 10% nhưng nhà sản xuất nước ngoài lại nắm bộ phim nên việc lấy tiền về không dễ đâu. Saigon Sunny Days thì ngược lại, gần như số vốn chủ yếu để quay đến từ trong nước. Phim này quay được cũng nhờ vào một cái duyên tình cờ. Một hôm tôi, Hải Yến và Bích Ngọc – sản xuất của phim đang lo lắng vì phim đã đến thời điểm phải quay mà tiền mới chưa được 1/3 thì một vài người bạn của vợ chồng Hải Yến đến chơi, họ đều là doanh nhân và khi biết sự tình đã chỉ ngay ra một giải pháp. Họ khuyên chúng tôi nên chia dự án thành những phần góp nhỏ rồi đem bán cho các nhà đầu tư, dù gì thì đây là một dự án được các LHP hàng đầu thế giới hỗ trợ một phần tài chính, ê-kíp thực hiện đã có những tác phẩm được khẳng định, quan trọng là kinh phí sản xuất không quá cao và khi chia nhỏ ra thì mức độ rủi ro cho nhà đầu tư sẽ giảm xuống, vì vậy họ tin không lý gì lại không huy động được đủ vốn. Chúng tôi nghe theo và chỉ bốn tháng sau là đã đủ tiền để quay. Thú vị là những người đưa ra lời khuyên đáng giá này nằm trong số những nhà đầu tư đầu tiên mua cổ phần của phim, như một cách khẳng định niềm tin. Nếu không có cuộc gặp tình cờ này có lẽ giờ chúng tôi vẫn đang ngồi chờ tiền từ châu Âu.
Diễn viên Hải Yến ở sân tập múa rạp Lệ Thanh
Quan sát đời sống nghệ thuật của các nước Pháp, Đức, theo anh thì làm cách nào mà phim nghệ thuật ở châu Âu sống được?
Ngoại trừ những phim được giải thưởng lớn hoặc những phim quá độc đáo gây ra cơn sốt phòng vé, đa phần phim nghệ thuật châu Âu cũng rơi vào trạng thái ít khán giả. Chỉ có điều, luật bảo vệ tác quyền ở châu Âu mạnh mẽ mà đời sống của một phim nghệ thuật ở châu Âu rất dài nên họ có nhiều cách thu lại tiền từ một bộ phim, ví dụ bán cho truyền hình, phát hành DVD, chiếu ở rạp dành cho phim nghệ thuật năm này qua năm khác… Quan trọng hơn cả là, các chính phủ châu Âu đều nhận thức vấn đề nếu điện ảnh chỉ toàn phim thương mại sẽ là một mối nguy văn hóa nên họ không buông phim tác giả. Điện ảnh cần có những tiếng nói riêng biệt, cá nhân. Nó là môn nghệ thuật có sức lan tỏa đủ sức thu hút cả thế giới. Đầu tư vào điện ảnh, nhất là phim nghệ thuật đôi khi không thể thu lợi nhuận được ngay, nhưng nếu phim có khả năng đi đến các khu vực quan trọng thì nó tốt cho vấn đề quảng bá, không chỉ cho cá nhân những người làm phim mà còn cho hình ảnh của một quốc gia.
Anh có nghĩ mình rất tham vọng?
Bản chất điện ảnh là tham vọng. Phải có tham vọng kiến tạo thì mới làm nghệ thuật được. Tiếp theo, mình phải có tham vọng khác nữa. Cái mình kiến tạo ra phải có ý nghĩa, dĩ nhiên trước hết là cho mình. Trong một bộ phim mọi người sẽ phải nói một ngôn ngữ riêng biệt, bên cạnh ngôn ngữ điện ảnh, như trường hợp phim của anh Trần Anh Hùng phần lớn đều nói tiếng Việt. Tôi thấy chuyện đó quan trọng. Nghe tiếng nói của nước mình vang lên ở một LHP lớn, điều này thật sự rất có ý nghĩa.
Vì thế nên ngoài bận rộn với dự án phim của mình, anh còn rất siêng năng tổ chức workshop cho các nhà làm phim trẻở Đà Nẵng?
Workshop Gặp gỡ mùa thu ở Đà Nẵng xuất phát từ việc quan sát các LHP quốc tế khi tôi đi chiếu phim hay giới thiệu dự án mới. Tôi luôn thấy ở đây đạo diễn trẻ nhiều nước dắt tay nhau thành làn sóng để đi tìm cơ hội cho nền điện ảnh của nước mình, điều này đang thiếu ở Việt Nam. Gặp gỡ mùa thu đầu tiên là tập hợp các nhà làm phim trẻ đến học tập với các đạo diễn lớn, trao cho họ cơ hội làm phim và khuyến khích họ tinh thần dắt tay nhau xông pha ra thế giới… Thời gian gần đây, khán giả Việt Nam đã đi xem phim nhiều hơn, song trên các diễn đàn quan trọng, điện ảnh Việt Nam hầu như không có tiếng nói, ngoại trừ cách đây khoảng 20 năm chúng ta có Trần Anh Hùng. Rất kỳ lạ là đất nước mình đã đổi mới trong một thời gian dài nhưng có vẻ như tiếng nói của nghệ thuật ngày càng yếu đi, trong khi nghệ thuật vốn cần sự tự tôn và đối thoại thẳng thắn với các nền văn hóa khác. Nhắc đến Việt Nam chỉ xoay quanh chuyện xuất khẩu gạo, nhân công rẻ… Một nền văn hóa mà không có tiếng nói nào thì thật đáng buồn.
Nguyễn Khắc