Từ 21-7 đến 12-8, loạt tranh sơn mài với chủ đề “Vọng” của họa sĩ Võ Xuân Huy được triển lãm tại gallery Cactus (17/12 Nguyễn Huy Tưởng, Q. Bình Thạnh, TP.HCM). Đây là triển lãm cá nhân thứ ba của anh.
Từ 21-7 đến 12-8, loạt tranh sơn mài với chủ đề “Vọng” của họa sĩ Võ Xuân Huy được triển lãm tại gallery Cactus (17/12 Nguyễn Huy Tưởng, Q. Bình Thạnh, TP.HCM). Đây là triển lãm cá nhân thứ ba của anh.
Đi một vệt dài nhiều năm, chung thủy với vàng son, bóng lộng, tinh vi, đài các rất “truyền thống” sơn ta đầm ấm đồng thời cũng “quyết liệt” cách tân chất liệu – kỹ thuật này với đắp gắn xù xì, bào soi xơ xác, chôn kỹ rồi lại đào bới lên những mảnh vụn tầm thường rẻ rúng của đời sống hôm qua đã yên nghỉ hoặc hôm nay xô bồ, thô trọc: từ nút chai, vỏ nhựa, gỗ mục, đinh gỉ đến đất đá và súng ống, với các màu rợ, ngái, chói sượng lơ nhạt, tím bầm, lục chát, nâu cháy…, họa sĩ Võ Xuân Huy đến từ xứ Huế mang tặng cho ta một thức sơn mài lạ mà quen, một Huế xưa và tức thì đây.
Kỷ niệm – cái lõi của nhân cách. Ngôi nhà thực của ta luôn được xây cất ở đâu đó trên triền sông đất bồi, dốc núi lở lói hay thung lũng hoang, cửa biển sóng cồn… của kỷ niệm. Từng trải – lịch duyệt là những kỷ niệm được gia công, chưng cất, gia cố để phụng sự hiện tại và mọc cánh dự phóng tương lai.
“Màu thời gian không xanh/ Màu thời gian tím ngát…Hương thời gian không nồng Hương thời gian thanh thanh” (Đoàn Phú Tứ) là có thực ở những tấm sơn mài.
Văn hóa Huế từ làn sương mờ thời gian đang cứ dần hiện ra đồ sộ, lừng lững, sang quý và buồn thảm với phong vị, tính cách rất riêng, càng ngày càng riêng. Nghệ thuật Huế cũng vậy.
Những gì từ kỷ niệm của một con người, một xứ sở, một đất nước đang “Vọng” về với Võ Xuân Huy: Vẻ đẹp đỏng đảnh, tình thân nhàn nhạt, mường tượng tỉ mẩn kỳ khu… Chiến tranh tàn độc, xung đột ấm ức… Đời thực trỏng trơ, vô vị và vô ơn… Hay tác giả đang hy “vọng” gì? Nghệ thuật “hậu hiện đại” ư, toàn cầu hóa ư hay là sự a dua bứt rễ đâu cũng như đâu như thời trang liên tục giật gân đắp đổi để đồng phục hóa cả mấy thế hệ. Tác giả tự vấn và cảnh giác về những chủ đề như thế chăng?
Là cá tính riêng nhưng tranh Võ Xuân Huy cũng rất “đại diện” Huế làm chợt nhớ tới nét màu của Phạm Đăng Trí, màu và lý sự của Bửu Chỉ, tươi mới và chân thật của Hoàng Đăng Nhuận, trừu tượng vấn vít hay hoang mang của Trương Bé, Phạm Đại, phố/nhà trên sông đông đúc mà cô độc của Phan Thanh Bình,… Cố vùng ra khỏi cái bóng đổ đồ sộ của di sản, của tiền nhân từ vài thập niên gần đây các họa sĩ Huế có vẻ như đang dần dần tự tin xây đắp một trung tâm/ một không gian nghệ thuật mới, độc đáo và hấp dẫn.
Sự bỏng rát của thực tế được diễn đạt trên tranh của Võ Xuân Huy bằng cách đặt trực tiếp những nguyên mẫu hoặc âm bản lên trên nền vóc sơn mài biến động với muôn ngàn mảnh ghép. Ở góc nhìn khác, nhiều tác phẩm lại đẩy con mắt người xem ra thật xa để hình tượng trên tranh trở nên mơ hồ như chỉ là dấu vết của nền móng xa xăm. Những dấu xưa hòa vào năm tháng thành dấu tích nhiều khi rất xa, xanh mơ hồ, có lúc dồn tụ lại thành một cảnh tượng rực rỡ gợi nhiều liên tưởng về một thời hoàng kim.
Tranh sơn mài của Võ Xuân Huy không còn là cô gái với vẻ đẹp lộng lẫy mà là một phụ nữ từng trải, huyền bí, gợi lên tham vọng tìm hiểu, khám phá để rồi sâu sắc trong suy nghĩ và tâm hồn người thưởng ngoạn. Võ Xuân Huy cho biết: “Tôi không phải là con người bi quan, nhưng tôi nhận thấy cuộc sống hiện tại có quá nhiều điêu tàn, hoang hóa. Khát vọng của tôi là gợi lên một chút suy ngẫm trong mỗi người về tình người và về cuộc sống của chính mình”.
- Xuân Lộc