Ếch là loài lưỡng cư được biết đến từ lâu trong kho tàng ẩm thực Việt.Ếch có chỗ trong thực đơn các nhà hàng lớn cũng như là món quen thuộc của người dân các miền quê. Có thể chế biến ếch thành nhiều món ăn hấp dẫn.Những ai từng du lịch Singapore còn biết đến món cháo ếch nổi tiếng ở đảo quốc này.
Vua Tự Đức vốn vừa hay chữ, vừa hay thơ, ưa làm những bài thơ rất… trời ơi, đố các quan chép cho đúng. Đã có lần bài tả con muỗi của nhà vua bị các quan “nâng cấp” lên thành chuyện Hán Sở tranh hùng. Bài thơ như sau: Tiêu hà tá tán khởi ư phong/ Sấn nhập trùng vi nhiễu trướng trung/ Bất luận huân tiêu phàn khoái lực/ Hốt văn hàn tín tự tiêu không. Các quan ai nấy đều hiểu như sau: Tiêu Hà giúp nhà Hán ở đất Phong Bái, không dùng tới sức mạnh của Phàn Khoái, chỉ cầu ở tài Hàn Tín là nên việc. Thật ra trong bài thơ trên, tiêu hà có nghĩa là tàu chuối, lá sen; phong là gió; hán là nó; hàn tín là tin lạnh, phàn khoái là hun đốt.
Một lần khác, vua đọc: Lâm vũ lâm ly lý lý đường/ Minh minh bỉnh chúc chiếu âm dương/ Trì khu thướng há công danh quán/ Khứ thủ li bì đắc kỷ cương. Các quan lại tưởng bài thơ nói những chuyện cao siêu với các từ ngữ: Lý, Đường, âm dương, kỷ cương… Một lần nữa lại bị trật ề. Đó là bài thơ tả cảnh đi bắt ếch, có nghĩa: Mưa dầm trầy trợt con đường trong bụi rậm/ Ngọn đuốc mờ tỏ soi vào những tiếng ì ộp/ Soi lên soi xuống các nơi bắt được đầy xâu/ Đem về chặt đầu lột da được chừng độ mấy niêu.
Vậy là trước đây chị cóc được lọt vào mắt xanh của vua Lê Thánh Tông, bây giờ anh ếch được lọt vào mắt xanh của vua Nguyễn Dực Tông.Giống vật máu lạnh ấy thật đắc duyên với ngự thi (không kể chị cóc đã nổi danh trong dân gian với bài “con cóc trong hang, con cóc nhảy ra” chẳng rõ ai là tác giả).
Đó là chuyện ếch trong thơ.Còn đây là ếch trong ẩm thực. Vào quán thấy thực đơn ghi: ếch chiên bơ. Bây giờ vừa truyền thống dân tộc vừa hiện đại thế giới, tây – ta hòa hợp mới có cá rô chiên bơ, ếch chiên bơ. Cái thơm, cái béo, cái giòn, cái vàng của bơ khác hơn dầu ăn, mỡ heo. Ăn ếch chiên bơở quán Cây Mận đường Tản Đà phường I thành phố Tuy Hòa vào một ngày mưa lạnh, uống rượu bọt do bạn Đoàn Việt Hùng nấu, nói chuyện đời với chủ nhân nghe rất ấm lòng.
Nhưng cách bắt ếch, câu ếch, làm thịt ếch chưa “hiện đại hóa”, vẫn là phong cách rất ta thôi. Làm thịt ếch, có người nói: Ghê lắm! Chặt đầu rồi chân nó cứ còn run, có khi như nó chắp tay lạy mình vậy. Muốn cho con ếch bất động người ta dùng một que tăm, xỉa vào suốt xương sống, con ếch sẽ xụi lơ, đơ chân ra, hết run, hết lạy.Dân quê xào ớt với nghệ, với sả, cho nhiều nghệ, đổ kha khá nước.Nước sẽ ngọt tuyệt.Đó là món ăn với bún.Gọi là cà-ri ếch, được chứ?
Tại xóm Đồng Me xã An Định huyện Tuy An, mùa hè sau khi gặt lúa, ban đêm bà con rủ nhau đi bắt nhái, gọi là soi nhái. Giỏnan mang nơi lưng, nơi hông, tay cầm đuốc bã mía, giơ lên soi, chúc xuống đập nhẹ cho bớt tàn, người ta dàn thành hàng đi tới. Nhái vùng lên nhảy loạn xạ, người nhảy theo chụp bắt. Có khi chụp được cảếch nữa. Cũng có khi chụp ếch hiểu theo nghĩa vui là té ngã. Ếch tháng Ba, gà tháng Mười là mập, là ngon. Những con nhái cũng tròn trịa, đôi bắp đùi căng. Đem về chặt đầu, lột da, xào nghệ, xào sả, lá lốt và nấu cháo, sì sụp, vui vẻ.