Tiền lòng vòng từ ngân hàng thừa vốn sang ngân hàng thiếu vốn đã đành, gần đây còn có chuyện tiền từ ngân hàng lớn tới tay doanh nghiệp được vay ưu đãi lãi suất thấp (thấp hơn cả lãi suất huy động), rồi lại chảy ngược vào ngân hàng nhỏ… Không giải ngân hết dòng tiền, trong khi phải chịu áp lực trả lãi vốn huy động, nhiều ngân hàng phải tìm đến trái phiếu chính phủ. Tính đến cuối tháng 2, tổng lượng trái phiếu chính phủ phát hành qua Kho bạc Nhà nước đã lên đến hơn 35.262 tỉ đồng, dù lãi suất giảm xuống chỉ còn 6,15% – 7,67%/năm ở các kỳ hạn 2-5 năm. Tiền được ngân hàng huy động từ khu vực dân cư lại đổi thành trái phiếu chính phủ là điều không tốt trong dài hạn. Bởi hệ thống ngân hàng thương mại phải đóng vai trò kênh dẫn vốn từ khu vực dân cư qua khu vực doanh nghiệp, để tiền được đưa vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đem lại giá trị thặng dư cho xã hội.
Vậy vì sao tín dụng lại bị tắc nghẽn, dù lãi suất vẫn đang giảm dần?Thực tế đã cho thấy, khi doanh nghiệp muốn vay vốn, thì lãi suất không phải là yếu tố quan trọng nhất, mà là khả năng hấp thụ đồng vốn vay. Trong giai đoạn kinh doanh dễ dàng, như những năm 2008-2010, lãi suất cho vay dù ngất ngưởng thì tăng trưởng tín dụng vẫn cao vì doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội kiếm tìm lợi nhuận. Còn thời điểm hiện tại, lãi suất đã dần đến mức hấp dẫn nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không quan tâm, vì không tìm được cơ hội kinh doanh. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của nước ta theo khảo sát của HSBC từ quý II-2011 đến quý III-2013 cho thấy các doanh nghiệp đã phải thu hẹp dần việc sản xuất và đà giảm chỉ ngưng lại từ quý IV năm ngoái. Cầu tiêu dùng cũng tương tự, khi người tiêu dùng tiết giảm chi tiêu từ vài năm nay, khiến cho doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ giảm, gần đây mới tăng trở lại nhưng không đáng kể. Đó cũng là điều mà các chuyên gia kinh tế lo ngại, khi cầu tiền không còn nhạy với sự thay đổi của cung tiền, khiến cho lãi suất giảm cũng không thúc đẩy được giải ngân nguồn vốn.
Đây cũng là lý do khiến các doanh nghiệp có khả năng trả nợ tốt, đáp ứng được điều kiện vay theo quy định của ngân hàng thì không cần vay vốn, một phần vì đã vay đủ rồi, phần khác không có nhu cầu vì chưa tìm được cơ hội kinh doanh. Những đơn vị rất bí bách, muốn được vay vốn để vượt qua khó khăn thì đang trong tâm thế ngược lại. Sau nhiều năm phải gồng mình chống đỡ với suy thoái do khủng hoảng kinh tế, các doanh nghiệp này đã kiệt sức, không còn khả năng trả nợ vay cũ, tài sản cũng đã thế chấp hết ở các khoản vay cũ, nên không thể đáp ứng được các điều kiện vay vốn của các ngân hàng thương mại vốn đang rất lo ngại vấn đề nợ xấu. Với tình trạng như vậy, việc lãi suất hạ mà các ngân hàng vẫn khó cho vay cũng là chuyện dễ hiểu. Chỉ khi nào người tiêu dùng mở hầu bao mua sắm, các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, tức là khi kinh tế phục hồi, thì tình hình mới thay đổi, tín dụng mới tìm được lối ra.
Để đến được thời điểm đó, sự điều hành lãi suất ra sao cũng đáng để cân nhắc. Nếu lãi suất giảm quá sâu, dòng tiền từ khu vực dân cư rất có thể sẽ không chảy vào ngân hàng nữa mà dồn vào thị trường tài sản, khu vực có thể đem lại lợi nhuận nhanh hơn, nhưng dễ hình thành bong bóng tài sản, gây ra những bất ổn sau này.
Minh Hằng