Thị trường chứng khoán (TTCK) đang chờ sự bùng nổ mạnh mẽ, khi có thông tin khối ngoại đang đổ rất nhiều tiền vào TTCK Việt Nam vì cho rằng chu kỳ tăng trưởng mới bắt đầu hình thành. Điểm lại giao dịch của khối ngoại tuần qua, việc thay đổi danh mục của các quỹ ETF dẫn tới khối ngoại bán ròng 23,7 triệu cổ phiếu tại Việt Nam. Phiên 7-3, họ bán ròng số lượng 6,7 triệu cổ phiếu, tập trung chủ yếu vào HAG (800 ngàn cổ phiếu), ITA (2,5 triệu cổ phiếu) và thỏa thuận bán KBC (4,9 triệu cổ phiếu). Việc thay đổi các mã riêng lẻ trong danh mục của các quỹ ETF rất được các nhà đầu tư cá nhân quan tâm. Ngoài ra, chênh lệch giữa giá cổ phiếu của các quỹ đầu tư tại thị trường Việt Nam và NAV (giá trị tài sản thuần) của chúng đã giảm đáng kể trong khoảng bốn tuần trở lại đây, từ mức khoảng 10% xuống hiện tại khoảng 1%, nên có thể các quỹ ETF sẽ giảm mua ròng tại thị trường Việt Nam so với mấy tuần trước đây.
Tuy nhiên, khi được hỏi, phần lớn các chuyên gia đều cho rằng hành động của khối ngoại tuần qua chỉ là một hiện tượng cơ cấu danh mục mà thôi.Vì thực tế, có rất nhiều cơ sở để khẳng định dòng vốn ngoại tiếp tục đổ vào thị trường. Điều này cũng được các chuyên gia khẳng định trong hội thảo mới đây do KimEng MayBank tổ chức. Theo ông Ong SengYeow – Giám đốc Nghiên cứu Phân tích toàn cầu Tập đoàn Maybank Kim Eng, tập đoàn tài chính hàng đầu khu vực Đông Nam Á, TTCK Việt Nam đã có một năm 2013 khởi sắc. Huy động vốn đạt 179.000 tỉ đồng, chỉ số VN-Index tăng 22%, vốn hóa thị trường đạt 964.000 tỉ đồng. Việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm gói nới lỏng định lượng khiến khối ngoại bán ròng trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8, nhưng xét cả năm thì dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn tăng 54%. Giá trị danh mục đầu tư nước ngoài đạt 12 tỉ USD, tăng 3,3 tỉ USD so với năm 2012.
Một số chuyên gia nhận định, nhà đầu tư nước ngoài đã nhắm đến mục tiêu đầu tư, mua lại các công ty chứng khoán hoặc chờ thời cơ hợp lý để giải ngân nên mới chuyển vào lượng tiền rất lớn. Trên thực tế, dòng vốn nước ngoài đang “chờ đợi” đổ vào TTCK, do TTCK Việt Nam được xem là khá hấp dẫn, khi một phần ba trong số hơn 700 doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam có chỉ số P/E từ 6-7 và đang giao dịch dưới giá trị sổ sách. Nhiều cổ phiếu trong số này có tỷ lệ cổ tức trên 9%, thậm chí một số công ty hiện có vị thế tiền mặt thuần gần tương đương vốn hóa thị trường.Đây là nhân tố tác động mạnh mẽ đến thị trường, khiến sức nóng, sự hưng phấn vẫn được giữ nhiệt.Ngoài ra, dòng vốn ngoại đang có rất nhiều lựa chọn những cổ phiếu tốt để đầu tư, hoặc mua trái phiếu và các công ty chứng khoán hay ngân hàng yếu kém.Sự chuyển động của khối ngoại có tác động không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư trong nước.Theo quan sát, thời gian qua, chính nhà đầu tư nội cũng đã thay đổi và kỳ vọng sức nóng khi dòng tiền tiếp tục đổ vào.
Hội thảo “Dòng vốn ngoại và thị trường chứng khoán 2014” do Tập đoàn MayBank Kim Eng tổ chức
Rõ ràng, việc thị trường chứng khoán tăng điểm trong thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ từ khối nhà đầu tư nước ngoài. Một số nhà đầu tư cũng thừa nhận là sau đà giảm giá đến 70 – 90% trong các năm từ 2007-2012, họ cũng nhận thấy tiềm năng tăng trưởng to lớn trong chu kỳ kinh doanh mới. Chu kỳ này vừa mới bắt đầu và có thể kéo dài trong 5-7 năm tới. Nên nếu TTCK Việt Nam tiếp tục diễn biến khả quan thì khả năng sẽ còn thu hút thêm những dòng vốn mới. Cần nhắc lại là thời gian vừa qua đã có không ít các quỹ mở cả trong lẫn ngoài nước tham gia TTCK Việt Nam. Chỉ cần các quỹ này chứng minh được hiệu quả của mình thì niềm tin của các nhà đầu tư sẽ thêm củng cố và như vậy sẽ góp vốn, quỹ tăng giải ngân thì thanh khoản thị trường càng ổn định. Mà thanh khoản càng lớn, càng ổn định sẽ còn thu hút thêm nhiều dòng tiền hơn nữa. Ngoài khối nhà đầu tư cá nhân, năm nay cũng có hơn chục quỹ mở đi vào hoạt động, mà các quỹ này dành cho nhà đầu tư cá nhân trong nước nên dòng tiền vì vậy cũng sẽ được quản lý bài bản hơn.
Hơn nữa, theo các chuyên gia phân tích chứng khoán của Maybank Kim Eng, sự kỳ vọng vào việc nâng giới hạn sở hữu nước ngoài cũng như quyết tâm đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ trong năm nay, cùng với việc Việt Nam sẽ hưởng lợi từ hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp được ký kết, sẽ khiến dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh để đón đầu những ưu đãi từ TPP.
Vũ Hoàng