Ngày 23-2, nhóm G20 gồm các nước công nghiệp hóa và các nền kinh tế mới nổi đã lên tiếng bày tỏ lo ngại trước sự chần chừ của chính quyền Mỹ trong việc phê chuẩn chương trình cải tổ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hướng về các nước đang phát triển. Chương trình này đã được IMF thông qua vào năm 2010 và từ đó đến nay đã được hơn ba phần tư các chính phủ thành viên phê chuẩn. Tuy nhiên, trong số gần một phần tư còn lại chưa phê chuẩn có cả Mỹ, nước chiếm tới 17% tổng số phiếu bầu trong một cuộc biểu quyết, khả năng phủ quyết của họ tại IMF là rất lớn. Trong bản thông báo công bố ngày 23-2, sau cuộc họp cấp bộ trưởng tại Úc, G20 bày tỏ “sự hối tiếc sâu sắc rằng những cải tổ về số phiếu biểu quyết và cách quản lý IMF đã được thỏa thuận vào năm 2010 nay vẫn chưa có hiệu lực thi hành”. Giám đốc điều hành IMF, bà Christine Lagarde, cũng bày tỏ nỗi quan ngại về sự trễ nải này và đề nghị phía Mỹ sớm phê chuẩn trong phiên họp dự kiến diễn ra vào tháng Tư tới. Theo bà Lagarde, sự cải tổ về số lượng phiếu bầu của mỗi nước thành viên sẽ làm gia tăng ảnh hưởng của các nền kinh tế phát triển nhanh như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc số phiếu của các thành viên châu Âu bị giảm cho phù hợp với hiện trạng nền kinh tế mỗi nước, chẳng hạn như hiện nay, hai nước Hà Lan và Tây Ban Nha có số phiếu tương tự Brazil, trong khi GDP của Tây Ban Nha không bằng hai phần ba GDP của Brazil. Khi sự cải tổ có hiệu lực, sẽ có khoảng 9% số phiếu được san sẻ cho các nước đang phát triển mà vẫn tăng được gấp đôi năng lực cho vay của IMF trên thế giới.
Một phiên họp của các bộ trưởng và thống đốc ngân hàng trung ương nhóm G20 tại trụ sở IMF
Theo nhận định của các nhà phân tích, với cơ chế cũ, các nước châu Âu có lợi, nhưng cũng vì thế mà khối BRICS sẽ do dự trong việc bỏ tiền ra tài trợ cho hoạt động của IMF và trong tương lai, có thể họ rời bỏ tổ chức tài chính này. Ngày 23-2, một viên chức tài chính cao cấp của Ấn Độ cũng cảnh báo là sự thất bại trong việc sắp xếp tỷ lệ phiếu bầu một cách hợp lý sẽ làm giảm thiểu hiệu quả hoạt động của IMF và uy tín của G20 trong cộng đồng quốc tế cũng bị giảm sút. Về phía Mỹ, những bất đồng giữa Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát và Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát đang là trở ngại lớn nhất cho việc phê chuẩn những cải tổ IMF đã được xác lập từ năm 2010. Trong cuộc họp tại Úc kể trên, Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Jacob Lew cho biết là cơ quan của ông sẽ tiếp tục làm việc với Quốc hội để thông qua các biện pháp cải tổ càng sớm càng tốt, vì theo ông, những vấn đề đó cũng rất quan trọng cho quyền lợi kinh tế và an ninh của nước Mỹ. Không hẳn là những lời đe dọa suông, các nước BRICS đã đi những bước đầu tiên trong việc xây dựng các định chế cho riêng mình, trong đó có Ngân hàng BRICS và Quỹ dự trữ BRICS. Họ coi đó là những biện pháp chẳng đặng đừng khi vấn đề cải tổ IMF tiếp tục dùng dằng khiến tổ chức này hoạt động không hiệu quả. Tuy nhiên, các động thái nhằm hình thành một ngân hàng phát triển đa phương của BRICS cũng đang diễn ra rất chậm, điều này cho thấy tương lai của các định chế tài chính toàn cầu cũng chưa có gì sáng sủa.
Lê Nguyễn tổng hợp