Trong sách Các thú tiêu khiển Việt Nam, nhà nghiên cứu Toan Ánh dành hẳn một chương cho tranh tết. Cụ viết: “Chơi tranh tết là một tập quán của người xưa, tranh tết cũng cần cho ngày tết như pháo, như câu đối, như cây nêu…”. Ngày nay, pháo tết không còn tồn tại, câu đối và cây nêu cũng chỉ hiện diện như một biểu tượng của tết cổ truyền dân tộc nhưng tranh tết vẫn là một thú vui không thể thiếu với nhiều người mỗi dịp xuân về, tết đến.
Vẫn trong tác phẩm nêu trên, cụ Toan Ánh kể: “Tranh (tết) được bày bán ở hè phố, góc đường, cửa đình nhưng nhiều nhất là các chợ quê, và đặc biệt là trong phiên chợ cuối năm gọi là Chợ trẻ con”, vì rằng “chơi tranh tết là một cái thú của người lớn đã đành, nhưng thú hơn có lẽ là trẻ em”. Tại sao vậy?
Tranh tết dân gian
Bởi tranh tết ngày xưa ở miền Bắc nước ta chủ yếu là tranh khắc gỗ Đông Hồ, một dòng tranh dân gian Việt Nam có xuất xứ từ làng Đông Hồ (nay thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Tranh tết Đông Hồ theo cụ Toan Ánh là “một loại tranh bình dân đặc biệt Việt Nam, không kỳ lạ như tranh Tây phương, cũng không trau chuốt như tranh Tàu. Tranh tết trông thật giản dị, hồn nhiên, đượm đầy dân tộc tính và đề tài tranh tết thường là những cảnh những việc hằng ngày ăn nhập với đời sống con người: heo, gà, cá, ngựa, cảnh cấy cày, cảnh đánh ghen, hình những em bé…”.
Những hình ảnh bình dị, gần gũi với người dân quê trong tranh Đông Hồ từng được nhiều nhà thơ nổi tiếng đưa vào tác phẩm. Chẳng hạn thơ Tú Xương: “Đì đoẹt ngoài sân tràng pháo chuột/ Loẹt lòe trên vách bức tranh gà” (bài Xuân nhật ngẫu hứng)(1); còn đây là thơ Hoàng Cầm “Tranh Đông Hồ, gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” (Bên kia sông Đuống). Những gà, lợn, chuột, ngựa… ấy thật ngộ nghĩnh về mặt hình ảnh, thật rực rỡ về màu sắc như cách cụ Toan Ánh diễn tả: “Tranh gà tranh lợn đỏ như xôi gấc, vàng như màu lúa chín, xanh như lá mạ, hay vàng như nghệ kho cá, xanh như cốm non, đỏ như ngô già, nâu như đất cày, toàn những màu sắc quen thuộc thân mến từ bao nhiều đời người rồi. Những màu sắc ấy in sâu vào tâm não nông dân, hết thế hệ này đến thế hệ khác, thành những màu sắc dân tộc rồi”. Và những hình ảnh, màu sắc ấy đã thu hút trước tiên các em bé theo mẹ đến các phiên chợ quê cuối năm, nơi mà nhà thơ Đoàn Văn Cừ đã mô tả trong bài thơ nổi tiếng Chợ tết:“Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ/ Tìm đến chỗ đông người ngồi giở bán”.
Theo các nhà nghiên cứu, đến thời nhà Lý thì tranh – tượng dân gian mới xuất hiện, nhưng chỉ phát triển mạnh dưới thời nhà Lê. Riêng với dòng tranh dân gian Đông Hồ thì nhiều người cho rằng nó được ông Lương Như Hộc(2) du nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam từ thế kỷ XV. Lương Như Hộc đỗ tiến sĩ năm 1442 dưới triều Lê Thái Tôn, được dân làng Đông Hồ tôn làm thành hoàng vì có công truyền dạy nghề làm tranh khắc màu cho làng(3). Cụ Toan Ánh nhận định: “Tranh tết đã khiến ngày tết thêm ý nghĩa, tranh tết đã nhắc tới hoặc một sinh hoạt của đời sống dân quê, hoặc một điều gì, lịch sử hay tôn giáo, hằng được dân quê lưu tâm tới”.
Còn ở miền Nam ngày xưa, tranh chưng ngày tết thường là loại tranh kiếng (vẽ trên kính) với mảng “tranh cửa buồng” có tính chất trang trí (khác với mảng tranh thờ cúng), tái hiện cuộc sống, sinh hoạt của người dân; đặc biệt là những tranh Phước, Lộc, Thọ, tranh chim công (đại cát – hết sức tốt lành), nai (lộc)… rất được ưa chuộng vào dịp tết. Loại tranh tết rặt Nam bộ này ngày nay vẫn còn được nhiều cơ sở sản xuất và vẫn có nhiều người ở các vùng nông thôn miền Nam tìm mua treo vào những ngày đầu năm mới Âm lịch.
Tranh tết hôm nay
Với những người am hiểu mỹ thuật, một bức tranh tết vẽ con giáp năm đang hiện hành của các họa sĩ danh tiếng là một món quà xuân đầy ý nghĩa và có giá trị. Tranh 12 con giáp (con giống) của Nguyễn Tư Nghiêm là một ví dụ. Thuở bút lực còn dồi dào, cụ Nghiêm – Tết Giáp Ngọ này đã thọ gần trăm tuổi – năm nào cũng sáng tác một loạt tranh con giống tuyệt đẹp mà dân sưu tập đều mong có được một bức. Cùng với các kiệt tác như Người gác Văn Miếu (giải nhất Salon Unique, Pháp năm 1944), Cổng làng Mông Phụ, Đánh cờ dưới bóng tre, Con nghé, Điệu múa cổ, Gióng…, chính những tranh con giáp đã góp phần định vị Nguyễn Tư Nghiêm trong làng mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Cùng thời với cụ Nghiêm, các danh họa Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng cũng hay vẽ con giống mỗi dịp xuân về.
Những ngày chờ xuân đến, nhiều họa sĩ Hà Nội hôm nay lại có thú vui vẽ tranh con giáp, nhiều khi chỉ để tặng bè bạn, người thân. Trong số này có các tên tuổi như Lê Trí Dũng, Đỗ Phấn, Phan Cẩm Thượng…, nhất là Phạm Viết Hồng Lam – người đã vẽ con giáp chỉ để tặng thân hữu dịp tết suốt hơn 30 năm qua, bắt đầu từ tết năm 1986-1987 đến nay. Tranh con giáp của Phạm Viết Hồng Lam được ông vẽ trên giấy dó, giấy điệp với bột màu rực rỡ, tươi thắm, là quà tết quý hiếm cho những người được ông tặng treo nhà, lấy may dịp đầu năm. Còn ở miền Nam, tranh con giáp cũng được nhiều họa sĩ thể hiện như bậc lão thành Bùi Quang Ngọc (người viết bài này mấy năm gần đây luôn được ông tặng) với những bức tranh màu nước thể hiện con giáp thật sinh động, tài hoa, họa sĩ Nguyễn Quân với những tranh con giáp đầy tính triết lý hay nữ họa sĩ Đặng Thị Dương với những con giáp tươi vui, tràn trề sức sống…
Không chỉ tranh con giáp mới hợp với ngày đầu xuân, phòng khách nhà bạn đón năm mới sẽ rạng rỡ hơn, sang trọng hơn nếu được trưng bày một bức tĩnh vật hoa trái hay một tranh phong cảnh quê nhà mà tác giả là một họa sĩ đích thực thay vì là một bức tranh chép, tranh in vô hồn.