Khi con người gặp phải những hoàn cảnh tréo ngoe, đôi khi bạn chỉ cần khéo léo, tinh tế một chút, bạn sẽ vượt qua được những trở ngại đáng kể. Ngược lại, nếu bạn vô tình, hoặc phạm một sai lầm nhỏ nào đó, bi kịch sẽ giáng ngay vào đầu bạn không thương tiếc. Và tình huống vui vẻ của người này có khi lại khiến người kia không chịu đựng được.
Thú vị với mô típ xác lìa, hồn nhập, Nguyễn Thị Minh Ngọc đã hợp tác với Hoàng Thái Thanh để cho ra vở kịch thú vị Oan tình ai thấu. Nhiều tình tiết hài hước đã được tung hứng qua diễn xuất của các diễn viên qua câu chuyện ly kỳ: hồn người đàn ông nhập vào thân xác người đàn bà và ngược lại.
Bà Ngừ (Ái Như) là người đàn bà suốt đời chỉ đi làm mướn để nuôi chồng con. Nhưng một tai nạn đã xảy ra, khiến hồn phách bà Ngừ và ông chủ đổi chỗ cho nhau. Bà Ngừ giờ chễm chệ trong thân xác ông chủ, nhưng sướng đâu chả thấy, chỉ thấy khổ sở khi không thể về với vai trò làm mẹ, làm vợ trong cái gia đình nhỏ bé của mình, bởi tuy nghèo khổ, người đàn bà chịu thương chịu khó này vẫn có sự ấm áp của tình mẫu tử, chồng vợ gắn bó. Còn trong thân phận mới này, bà chỉ thấy toàn những trớ trêu, phiền muộn. Không như Hồn Trương Ba da Hàng Thịt của Lưu Quang Vũ, anh Trương Ba có thể lấy nhân cách tốt để cảm hóa anh hàng thịt, bà Ngừ trong Oan tình ai thấu luôn muốn chối bỏ cái cuộc sống bỗng dưng mà có này, khi phải đương đầu với những mối quan hệ dì ghẻ con chồng nhà ông chủ.
Còn ông chủ, kẻ quen ăn xài sung sướng nay vào vai người vợ của một gia đình túng bấn. Ông đã xóa sạch hình ảnh một người mẹ tần tảo, người vợ cam chịu. Chưa hết, ông chồng bà Ngừ suốt ngày say rượu, ỷ lại vợ con lại hoán đổi thân xác với một cô vợ đỏng đảnh vô tâm.
Ở trong những hoàn cảnh mới, mỗi con người đã tự khám phá ra cái dở của chính mình. Những hoàn cảnh tréo ngoe, hài hước của mỗi người buộc người xem suy xét về cách ứng xử giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ và chồng. Một gia đình hạnh phúc phải được mọi người thật sự yêu thương và cùng chung tay vun vén; bởi giàu chưa hẳn là hạnh phúc, và không phải cứ nghèo là bất hạnh. Con người cần chia sẻ giúp đỡ nhau trong xã hội để có thể tìm được hạnh phúc.
Cái duyên “đặc sản” của sân khấu Hoàng Thái Thanh chính là diễn xuất của NSƯT Thành Hội và Ái Như, cũng là hai diễn viên chính của Oan tình ai thấu. Khán giả “ruột” của sân khấu này sẽ hết sức hài lòng với tài ứng xử của họ trong những tình huống bi hài. NSƯT Thành Hội trong vai một người vợ chẳng cần phải õng ẹo giả gái như cách thường thấy hiện nay trên sân khấu, anh làm khán giả cười và chia sẻ với anh trong nét diễn cực duyên về sự vụng về của một anh đàn ông mà cái hồn lại là một người đàn bà. Chất hài hước của nhân vật vẫn rất bộc trực mà không quá đáng. Thế mạnh của Thành Hội là diễn bi hay hài đều chân thật và rất tâm lý. Trong vai ông chủ, tiếng cười khán giả rộ lên đôi khi từ vài miếng về nhân dạng, nhưng cái hay của Thành Hội là luôn bắt khán giả phải đi theo dòng chảy của câu chuyện trên sân khấu. Sự chuyển biến tâm lý trong từng tích tắc đã điểm trúng “huyệt” của người xem, rất đã!
Lâu lắm mới thấy Ái Như và Thành Hội làm thành một cặp tung hứng tưng bừng trên sân khấu như vậy. Cái duyên hài của họ tung tẩy, hòa vào nhau một cách khéo léo. Ái Như nhạy cảm, thông minh, dễ dàng đưa khán giả từ trạng thái này sang trạng thái khác: Khi là người đàn bà dịu dàng, mực thước với con, khi lại lanh lẹ, khôn ngoan với vai ông chủ.
Cách diễn hết sức tinh tế của họ khiến người xem nhận ra ngay hai diễn viên này đang ở trạng thái nào trong hồn nọ xác kia. Khán giả không nhìn thấy họ kịch trong diễn xuất, mà cái duyên và cái tài của hai diễn viên chủ chốt này là họ đã cảm thực sự.
Có thể bạn sẽ thắc mắc: mô típ này sao giống hồn Trương Ba da Hàng Thịt quá? Nếu tác giả Lưu Quang Vũ đã đưa vở diễn của mình thành một mẫu mực kinh điển trên sân khấu thì Hoàng Thái Thanh và Minh Ngọc lặp lại làm gì? Thực ra, khi Lưu Quang Vũ khai thác những mâu thuẫn của con người với những ham muốn và dục vọng thì Hoàng Thái Thanh và Minh Ngọc chỉ muốn chuyển tải đến người xem những phép giả để cho ra một gia đình hạnh phúc thật sự.
Việt Nga