Có chuyện ngược đời là hàng hóa “chế tạo tại Pháp” ngày càng khó bán, tuy nhiên, chưa bao giờ các tập đoàn lớn của Pháp lại có được vị thế trên thế giới tốt như hiện nay trên thị trường quốc tế. Theo bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới do tạp chí Fortune tiến hành gần đây nhất, nước Pháp có 31 tập đoàn (đứng đầu là Total). Về phương diện này, nước Pháp đứng thứ tư, sau Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, trước Đức và Anh.
Một đường phố ở Paris
Cơ quan Thống kê quốc gia Pháp (Insee) sau đó đã tiến hành những phân tích cụ thể và cho ra kết quả rất ấn tượng: 100 doanh nghiệp Pháp sử dụng trên 10.000 nhân viên và có doanh số trên 2 tỉ euro thực hiện 88% hoạt động của mình ngoài lãnh thổ nước Pháp và 80% số nhân viên của các công ty này làm việc ở nước ngoài. Trên thực tế, toàn cầu hóa đem lại những điều tốt đẹp đối với các tập đoàn bán lẻ của Pháp: Tập đoàn Carrefour quản lý 5.000 siêu thị ở nước ngoài, thuê 360.000 nhân viên làm việc tại 33 quốc gia. Xét trên phạm vi toàn cầu, chỉ có tập đoàn bán lẻ Walmart là làm tốt hơn Carrefour.
Sự phát triển năng động ngoài lãnh thổ không phải là hiện tượng mới đối với Pháp. Các sách giáo khoa về kinh tế đã có đánh giá tương tự là vào năm 1913, đỉnh điểm của “toàn cầu hóa lần thứ nhất”, Pháp đã tiến hành xây dựng đường sắt ở châu Phi, xây cảng biển ở Mỹ Latin, mở các “đại cửa hàng bán sản phẩm mới” tại châu Á. Như vậy, các kỹ sư và doanh nhân Pháp từ lâu đã chinh phục thế giới.
Một trăm năm sau, thật đáng ngạc nhiên, sự năng động của các doanh nghiệp Pháp ở ngoài biên giới lại trái ngược với tình trạng kinh tế ảm đạm ở bên trong đất nước.
Pháp được các tổ chức quốc tế đưa ra các dữ liệu cơ bản sau đây: chiếm 0,4% mặt đất trên hành tinh, 0,9% dân số toàn cầu, 3,4% tổng sản phẩm quốc nội của thế giới. Các chỉ số tương ứng của Đức là: 0,3%, 1,1%, 5,2%. Tuy nhiên, việc đánh giá mỗi cường quốc kinh tế cần được đặt trong bối cảnh rộng lớn hơn. Nằm ở lằn ranh giữa kinh tế và địa chính trị, nước Pháp chiếm 3,4% chi phí quân sự toàn cầu, Đức chiếm 2,6%, Trung Quốc 9,5%, Mỹ 38,9%.
Nước Pháp thiếu tiềm lực theo đúng nghĩa của nó, vậy đâu là khả năng tác động của nước Pháp vào thời điểm hiện nay? Cuốn Atlas về ảnh hưởng của Pháp trong thế kỷ XXI do nhà ngoại giao Michel Foucher vừa xuất bản đã mang đến một câu trả lời rất thú vị dưới hình thức các tấm bản đồ. Mạng lưới ảnh hưởng của Pháp vô cùng đa dạng và sống động với 220 triệu người nói tiếng Pháp trên toàn thế giới, 290.000 sinh viên nước ngoài trên các giảng đường đại học (Pháp là nước đứng thứ tư về đón nhận sinh viên), nền ẩm thực tinh tế và rất nhiều chi nhánh của các tập đoàn công nghiệp ở nước ngoài.
Vì thế, nếu chỉ xem xét dưới góc độ mô hình kinh tế, xã hội và văn hóa, có vẻ như hơi phiến diện. Nước Pháp chỉ đứng hàng thứ 23 theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế Davos về năng lực cạnh tranh, và vị trí thứ 38 trong bảng xếp hạng Doing Business 2014 của Ngân hàng Thế giới (về khả năng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp). Ở góc độ đó, việc Pháp đánh thuế 75% thu nhập không thể giúp cải thiện hình ảnh của “cường quốc” kinh tế đứng thứ năm thế giới”…
Trên thế giới, thứ hạng 5 của nền kinh tế Pháp có vẻ trùng với tên nước hoa Chanel 5, dòng sản phẩm được bán từ năm 1921. Nếu đúng vậy thì cần phải vui mừng vì sự nổi tiếng của Pháp vẫn bay xa.
L.T