Những dữ liệu mới nhất cho thấy từ năm 1990 đến nay, 1,8 tỉ người đã được tiếp cận với điều kiện vệ sinh cải tiến, số người đi vệ sinh lộ thiên cũng đã giảm 272 triệu người, nhưng hiện vẫn còn có 2,5 tỉ người sống trong tình trạng thiếu thốn điều kiện vệ sinh tối thiểu, trong đó 1 tỉ người vẫn đi vệ sinh ở nơi lộ thiên.
Tình trạng vệ sinh như thế này còn khá phổ biến ở châu Phi
Tháng 7 vừa qua, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua một nghị quyết được cả thế giới chú ý, đó là lấy ngày 19-11 hằng năm làm “Ngày Toilet Thế giới”. Nghị quyết là kết quả những cuộc thảo luận sâu rộng dựa vào văn kiện đề xuất của Singapore trước tình hình đáng báo động về y tế, vệ sinh tại nhiều nước, nhiều khu vực trên hành tinh. Phó Đại diện thường trực của Singapore tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Mark Neo, cho biết sự cải thiện điều kiện vệ sinh đã không được đưa vào các Mục tiêu Thiên niên kỷ 2000-2015, nhưng đã được bàn đến trong hội nghị Rio+10 tổ chức năm 2002 tại Johannesburg (Nam Phi). Còn theo tiến sĩ Chris Williams, Giám đốc điều hành Hội đồng Hợp tác Cung cấp nước và Cải tiến vệ sinh (WSSCC) trụ sở đặt tại Geneva (Thụy Sĩ), cải tiến vệ sinh là động lực thúc đẩy sự phát triển y tế, xã hội và kinh tế trên thế giới. Williams cho rằng “một môi trường thiếu vệ sinh và nước sạch là môi trường khiến cho sự hoàn thành các mục tiêu phát triển khác trở thành một giấc mơ không đạt được” và đây là cơ hội để bắt tay vào việc chấn chỉnh vấn đề này. Hiện chính phủ Singapore đang mở chiến dịch giúp giải quyết cuộc khủng hoảng vệ sinh toàn cầu, hợp tác với tổ chức phi chính phủ WTO (Tổ chức Toilet Thế giới: World Toilet Organisation) trụ sở đặt tại Singapore để thực hiện các chương trình trong khuôn khổ chiến dịch.
Với bà Emma Pfister, người điều hành chương trình “Nước cho Mọi người” (Water for People), chi tiền vào các chương trình cải tiến vệ sinh và xây thêm toilet vẫn chưa đủ, vấn đề là cần tránh những đầu tư lãng phí và đảm bảo cho mỗi gia đình, mỗi trường học hay bệnh viện đều có một hay nhiều toilet phù hợp. Bà cho rằng Ngày Toilet Thế giới là một bước tiến lớn biến việc cải tiến vệ sinh thành một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu của cộng đồng quốc tế. Về phần mình, Mark Neo đưa ra ý kiến là hiện nay không còn đủ thời gian để hoàn tất các mục tiêu về cải tiến vệ sinh trước năm 2015. Dù vậy, vấn đề này sẽ được chú trọng trong các chương trình hậu 2015 và về mặt kinh tế, tình trạng vệ sinh yếu kém sẽ làm thiệt hại từ 0,5 đến 0,7% tổng GDP của mỗi nước, trong khi nếu chịu đầu tư vào những chương trình cải tiến vệ sinh thích hợp thì cả thế giới sẽ được lợi 260 tỉ USD mỗi năm. Với tiến độ này, sẽ có khoảng nửa tỉ người được thụ hưởng các điều kiện y tế vệ sinh phù hợp trong thập niên tới.
Lê Nguyễn tổng hợp