Không ít địa danh ở miền Tây Nam bộ có thành tố “trâu”: Ngan Trâu, Đường Trâu, Xẻo Trâu, Vàm Trâu, Bàu Trâu Nằm… cho thấy vùng đất này ngày trước có rất nhiều trâu. Cách đây khoảng 300 năm vùng đất Nam bộ ngày nay là một vùng đầm lầy, nê địa, rừng hoang cỏ rậm, nhiều thú dữ: Tới đây xứ sở lạ lùng/ Chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng kinh.
Trong một lần đi điền dã vào vùng Đường Trâu của huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, chúng tôi được một lão nông người Khmer kể rằng: xưa ở vùng này trâu nhiều vô kể. Theo dấu chân chúng đi, nước mưa xói mòn dần thành đường. Người dân trong các phum sóc thời đó nghĩ ra cách bẫy, bắt trâu rừng để ăn thịt. Họ chẻ bụp lá dừa nước phơi khô rồi thắt thành dây niệc cỡ cườm tay người, sau đó dùng niệc thắt thòng lọng. Gặp bầy trâu rừng thì trai tráng trong sóc tụ lại, lấy cây rượt đuổi chúng để những người lớn tuổi có kinh nghiệm cầm niệc dây chuẩn bị bắt trâu.
Những con trâu yếu nhất bầy bị tách ra khỏi đàn, lùa xuống lung bàu, rồi dùng thòng lọng tròng vào cổ chúng. Bắt được trâu xẻ thịt chia nhau, ăn không hết thì phơi khô. Khô trâu rừng để ăn dần qua mùa mưa, vừa là món để lai rai. Cũng theo các lão nông, miếng khô trâu được thả vào nước (nhưng không dùng nước mưa vì theo kinh nghiệm dân gian thịt trâu kỵ nước mưa) ngâm một lúc rồi vớt ra để khô trước khi nướng trên bếp than. Khi ăn, phải cạo bỏ lớp cháy bên ngoài, dùng chày đập cho mềm. Khô trâu vị ngọt đậm còn được trộn gỏi bông bần có vị chát, chua. Dân gian tin rằng ăn khô trâu rừng trị được bệnh tê thấp.
Ngày nay, những vùng đầm lầy cho trâu rừng sinh sống không còn nữa. Làng xóm đông đúc cư dân, trâu rừng đã hoàn toàn vắng bóng. Trâu nhà được thuần dưỡng ít ai làm thịt. Nếu họa hoằn có thịt trâu thì cũng không còn dư để phơi khô! Gần đây, ở vùng Thạnh Trị (Sóc Trăng), Giá Rai (Bạc Liêu), người ta nuôi trâu lấy thịt và có làm khô để bán cho khách vãng lai. Xong miếng khô trâu ấy đã phai rồi mùi vị của ngày xưa…