Đôi khi người ta không rõ lý do các tay vợt “lạm dụng” tiếng hét này.
Các tay vợt không thuộc khối anglo-saxon cũng thích hét lên “come on” (trừ Rafael Nadal thường “vamos”) và kể cả những tay vợt nổi tiếng thanh lịch và có “máu lạnh” trên sân như Roger Federer. Theo giải thích của trang web deadspin, có hai dạng “come on”. Trước tiên là nó cho phép tay vợt tái tạo động lực. “Tôi chỉ “come on” sau khi ghi điểm”, Milos Raonic cho biết. Đây là cách giải thích phổ biến nhất như để tự lên dây cót tinh thần của mình. Còn kiểu thứ hai thì mang ý nghĩa làm đối phương phân tâm và mất tinh thần nhiều hơn. “Một số tay vợt như muốn hét vào mặt đối thủ. Khi đối phương bỏ lỡ cơ hội ghi điểm gần lưới, họ “come on” như một lời thách thức. Tôi rất khó chịu khi gặp trường hợp như vậy”, Tracy Austin, cựu tay vợt nữ số 1 thế giới kể.
Ngay cả Federer lạnh lùng cũng đôi lúc cần đến “come on”
Vụ “come on” tai tiếng nhất là của Serena Williams trong trận chung kết US Open 2011 gặp Samantha Stosur. Trong một pha đánh giằng co, Serena đã hét lên “come on” như thế trong lúc bóng chưa chạm đất. Bị trọng tài phạt cô lỗi gây khó cho đối phương, Serena đã tranh cãi kịch liệt trước khi mất điểm này và thua trận.
Thay vì thể hiện “come on” không đúng chỗ, tốt hơn là áp dụng phương pháp của Tommy Haas, tức là tự căm ghét mình. Tại tứ kết Australian Open 2007, tay vợt người Đức này đã tự động viên hơi đặc biệt. “Tôi không muốn chơi như vậy nữa. Tại sao tôi cứ lặp lại lỗi này? Tại sao chứ? Vì ai, ngoài tôi ra? Vì lý do nào?… Tôi không thể hiểu nổi. Tôi đã trả giá chẳng vì điều gì cả. Tôi ngốc thật!”. Sau khi lầm bầm độc thoại như thế, Haas đã ghi điểm ở pha bóng sau đó.
H.Q