Đã là cha mẹ, ai chẳng có thêm nhiều mối lo toan, bận bịu, nhưng vẫn cảm thấy thoải mái khi có được một mái ấm gia đình hạnh phúc, vợ chồng hòa thuận, con cái ngoan, học giỏi.
Mấy hôm nay, hàng triệu người thất vọng, trĩu nặng trong lòng một nỗi giận xen lẫn một niềm thương cảm cho các cầu thủ trẻ đội tuyển U23 bị gục ngã trước đồng tiền. Đã có vài người giật mình tự hỏi rằng mình đã dạy dỗ con cái đúng mức chưa, liệu con mình có bị sa ngã như mấy cầu thủ nọ không?
Trẻ em như một trang giấy trắng. Cha mẹ thường muốn “ghi” vào đấy thật nhiều điều, toàn những lời khuyên răn, nhưng rồi một ngày, có thể những bậc làm cha mẹ chợt nhận thấy rằng “trang giấy” ấy lại bị “ghi” những điều khác không phải là mong muốn của họ. Bởi thế, đã có tâm lý học đúc kết rằng: “Dạy con những điều gì và dạy như thế nào là cả một khoa học, một nghệ thuật”.
Khi phải mang những khái niệm hết sức nặng nề, lớn lao như “lòng tự trọng”, “tính trung thực” và “đạo lý làm người” để nhồi nhét vào một vào một tâm hồn non nớt thì không ai nỡ. Vậy phải thế nào? Chúng ta có toàn quyền dạy bảo con cái, nhưng không phải ai cũng nắm chắc những cách truyền đạt mang ý nghĩa bảo ban bằng những lời yêu thương, bằng chính lòng thành thật của mình, thay vì những giáo điều mang tính chất bao quát.
Một buổi chiều, khi đến đón con ở một trường mầm non, người mẹ thấy thằng bé mừng rỡ reo lên, đồng thời lao ra cái tủ để ba lô: “Để con lấy cho mẹ cái này, hay lắm!”, giọng nói thằng bé tràn đầy háo hức yêu thương. Nó lôi vật ấy ra bằng hai ngón tay bé xíu: “Đồng tiền! Con lượm cho mẹ đó, để mẹ có mà cho bà cụ ăn xin”. Người mẹ sững người, chợt nhớ ra rồi cảm động muốn trào nước mắt. Chẳng là hôm qua có bà cụ ăn xin ngang qua nhà, chị nói cụ đợi chút rồi tìm khắp nhà vì nhớ có đồng một ngàn mình để đâu đó, mãi một lúc mới tìm được đem ra cho bà cụ. Chắc cậu bé con đã thấy và nghĩ rằng mình vừa giúp mẹ làm được một việc tốt. Người mẹ cảm ơn con rồi hỏi: “Con lượm đồng tiền này ở đâu?”. Cậu bé hồn nhiên: “Dạ, ở trong lớp con”. Người mẹ lại hỏi: “Của ai đánh rơi, con biết không?”. “Của Thảo Vy đó mẹ!”. Chỉ là một đồng bạc 1.000 thôi, nhưng suốt dọc đường về, người mẹ cứ loay hoay mãi để lựa chọn một cách nói thích hợp với con. Chị có cả cảm giác băn khoăn khi nghĩ rằng thậm chí mình có thể đánh mất cơ hội nhận được sự quan tâm ấy của con lần nữa. Nhưng dù tiếc đến mấy, chị cũng phải nói và đã nói thế này: “Con biết không, mẹ rất vui khi biết con quan tâm đến mẹ, đến bà cụ ăn xin, nhưng có khi bạn Thảo Vy nhớ đến đồng tiền của mình sẽ phải kiếm hoài. Hay là ngày mai con đem đồng tiền trả lại cho bạn Thảo Vy được không? Chắc bạn ấy sẽ mừng lắm, mừng hơn cả mẹ nữa!”.
Những lời nói ấy của người mẹ được cậu con trai bé nhỏ ghi nhận ở mức độ nào thì chưa biết, nhưng chắc chắn cách làm của chị có hiệu quả cao, bởi vì thông điệp đó được thổi đi từ trái tim của người mẹ. Nếu trẻ không được bảo ban từ những việc nhỏ nhặt, đôi khi đến một lúc nào đó, con cái sẽ vuột khỏi tầm với của chúng ta mất. Lúc ấy, chúng ta chỉ biết lặng lẽ nhìn theo bóng con, nước mắt cứ tuôn trào với nỗi đau da diết. Vậy thì xin hãy cho con cái lòng tự trọng hay những gì hơn thế bằng chính suy nghĩ trung thực và cách đối xử khéo léo của những người làm cha, làm mẹ. Bạn luôn biết rõ rằng khi có con, bạn là thần tượng, là gương soi, là tất cả… Chịu khó nói chuyện với con về tất cả những gì đã trải nghiệm, không phân biệt đó là điều tốt đẹp hay chưa đẹp thì chắc chắn chúng ta sẽ yên tâm hơn…