Sau khi tận hưởng một ngày đầy thú vị ở Venice, sáng hôm sau, chúng tôi vội ăn sáng ở khách sạn để tiếp tục đi Pisa; tên của một thị trấn gắn liền với một công trình rất độc đáo: Tháp nghiêng Pisa. Với quãng đường chừng 330km, xe chạy khoảng hơn 3 tiếng là đến thị trấn Pisa. Trước đây, do chưa có nhu cầu tìm hiểu, chúng tôi ngỡ cái tháp nghiêng là ở Rome, thủ đô nước Ý, nhưng không phải, nó thuộc một thị trấn cách xa thủ đô cả mấy trăm cây số.
Tòa tháp nghiêng độc đáo này tọa lạc tại một quãng trường mênh mông với rất nhiều các kiến trúc cổ kính, đồ sộ như nhà thờ Chánh tòa, khu Tưởng niệm, nhà Rửa tội,…. Quảng trường có tên Piazza dei Miracoli. Cả một vùng rộng lớn không một bóng cây, được chia khu vực để lát đá và trồng cỏ. Tại đây, nếu tham quan bên ngoài thì khỏi mua vé, còn muốn đi vào bên trong tháp để leo lên gần 300 bậc cấp thì mua vé, mỗi đợt chỉ cho tối đa 30 người, và chỉ đi chứ không được dừng lại.
Người thuyết minh cho biết tháp được xây dựng vào năm 1173. 5 năm sau, khi xây đến tầng thứ 3 thì bắt đầu nghiêng. Có nhiều nguyên nhân khiến cho việc xây dựng này kéo dài, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do thành phố Pisa mâu thuẫn với thành phố láng giềng Florence, cùng với những khó khăn khi xây tháp trên địa hình đất lún.
Nhiều biện pháp được đưa ra để giữ cho cái khối nặng 14.500 tấn này đứng vững trên nền đất không ổn định như: sử dụng đá hình thang, tạo độ cong cho tháp, xây một bên cao hơn bên kia… Trong suốt thời gian đó, chính quyền gặp không ít sự chỉ trích như nó sẽ gây nguy hiểm, công trình thật vô dụng… Tuy nhiên, việc xây dựng vẫn được tiến hành. Với độ cao 56m gồm 8 tầng và 294 bậc thang từ dưới đất lên đỉnh. Tháp Pisa hiện giờ được ghi nhận chỉ nghiêng 5,5o!
Tạm biệt tòa tháp kỳ dị này, chúng tôi lên xe vượt qua chặng đường 90km để đến Florence; nơi được coi là cái nôi của nền văn minh nhân loại trong gần 4 thế kỷ. Người hướng dẫn cho biết ở Frorence có hàng chục di tích để tham quan. Chỉ sau 1 tiếng, chúng tôi đã đến khu trung tâm của thành phố này.
Cũng như các thành phố khác, Frorence cũng có một khu phố cổ. Những con đường nhỏ lát đá chỉ dành cho người đi bộ, thỉnh thoảng lại vang lên tiếng chuông reng reng của các bạn trẻ đạp xe đạp. Chúng tôi được đưa đến tham quan Vương Cung thánh đường. Tòa thánh đường này được cho là rộng và lớn nhất thế giới.
Thật choáng ngợp! Tọa lạc trên quãng trường có tên Duomo, thánh đường hùng vĩ bao trùm cả một diện tích có lẽ gần với một sân bóng đá. Mặt ngoài của tòa thánh trang trí rất rực rỡ; một mái vòm khổng lồ làm bằng gạch đỏ và một tháp chuông hình khối cao chót vót. Sự nguy nga lộng lẫy được tô điểm bằng những phiến đá màu hồng, xanh, trắng, kết hợp với những họa tiết trang trí tỉ mỉ đa dạng. Nhìn từ xa, ngoài vẻ đẹp nghiêm trang cổ kính, thánh đường giống như tòa lâu đài tráng lệ của một vương quốc cổ tích xa xôi nào đó.
Tương tự như các công trình kiến trúc khác được xây dựng theo lối Gothic, bên trong thánh đường được tạo nên bởi vô số những mái vòm với những đường cong tinh tế, hết sự điêu luyện của lối kiến trúc này. Gây ấn tượng nhất là những ô cửa sổ màu. Toàn bộ nhà thờ có 44 ô cửa sổ kính màu, tất cả đều sử dụng những tấm kính màu có kích cỡ rất lớn. Các ô cửa bên lối đi là hình ảnh các vị thánh trong kinh Cựu ước và Tân ước. Các cửa sổ tròn gần mái vòm và cửa bên trong thánh đường là các ảnh tượng về Chúa Kitô và Đức Mẹ Maria. Những ô cửa đầy giá trị nghệ thuật này đều được vẽ bởi các họa sĩ danh tiếng thời bấy giờ, như: Donatello, Lorenzo Ghiberti, Paolo Uccello và Andrea del Castagno. Nhờ kiến trúc mái vòng cung và có đầu nhọn, cộng với hệ thống cửa sổ kính rộng nên toàn thể thánh đường nhận được rất nhiều ánh nắng từ bên ngoài. Đặc biệt, mái vòm có đường kính 45m mang màu đỏ của ngói nên nhìn từ xa, thánh đường nổi bật như một quả cầu đỏ giữa trung tâm thành phố. Trên đỉnh mái vòm có một quả cầu bằng đồng đỏ mạ vàng, bên trên là một cây thánh giá.
Từ ngôi thánh đường kỳ vĩ này, đi bộ một đoạn ngắn là khuôn viên của Bảo tàng nghệ thuật. Đằng trước sừng sững bức tượng David. Pho tượng được nhà điêu khắc Michelangelo sáng tác vào năm 1501, cùng với bức tranh Bữa tối cuối cùng của Leonardo Da Vinci, Sistine Madona của Raphael, tượng David đã trở thành biểu tượng mẫu mực của nghệ thuật Ý trong thời kỳ Phục hưng ở châu Âu. Theo truyền thuyết trong Kinh thánh, David là một anh hùng của dân tộc Do Thái, được tôn vinh và được vua Saul gả công chúa rồi lên kế vị ngôi báu. Tượng miêu tả David đứng trong tư thế hiên ngang, chủ động và đầy thách thức, trên tay là những viên sỏi nhỏ và vắt trên vai một chiếc ná bắn đá.
Cách pho tượng David không xa, đi ven theo bờ sông, chúng tôi bắt gặp một cây cầu rất đặc biệt; đó là cầu Ponte Vecchio bắc ngang sông Arno. Cây cầu được xây bằng đá từ thời La Mã, sau hai trận lụt năm 1117 và 1333, cầu được xây dựng lại và định hình cho đến nay. Nhìn từ xa, khó mà nghĩ rằng đó là một cây cầu bởi chẳng có xe cộ chạy qua, chỉ có hai dãy nhà cổ như đang nằm lơ lửng ngang qua dòng sông.
Trên cầu san sát là các quầy hàng buôn bán nên khi dạo bước qua đây, chúng tôi có cảm giác như đang đi trên khu phố mua sắm. Có thể nói cây cầu này là ngôi nhà chung của tất cả mọi người, từ thương nhân lớn cho đến các tiểu thương nhỏ lẻ. Đứng giữa cầu có thể ngắm cảnh hai bên bờ sông Arno và những tòa tháp cổ kính hay những ngôi nhà nhỏ xinh xắn phía xa xa. Cũng như vài cây cầu Pháp và ở Áo, trên cầu này cũng những ổ khóa được móc hai bên cầu, chúng được coi như chứng nhân của tình yêu đôi lứa. Cầu Ponte Vecchio còn được thế giới biết đến bởi nó là chiếc cầu duy nhất “sống sót” trong Chiến tranh thế giới thứ 2 khi Đức quốc xã rút khỏi Florence năm 1944, trong khi những cây cầu khác bắc qua sông Arno đều bị phá hủy.
Sáng hôm sau, đoàn từ giã Florence để đến thành phố nổi tiếng bậc nhất thế giới: thành phố Rome. Vượt qua đoạn đường chứng 280km, xe chạy qua những cánh đồng hoa hướng dương ngút ngàn ở bên đường. Xe dừng tại một quán cơm Việt Nam cách trung tâm Rome chừng 10km để ăn trưa. Cô chủ là người Sài Gòn đã sang đây định cư từ 15 năm trước. Sự xuất hiện của một quán ăn Việt nơi đây chứng tỏ lượng người du lịch đến từ trong nước không phải là ít. Cơm nước xong, xe tiếp tục đưa cả đoàn vào trung tâm thủ đô.
“Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome”, đó là câu nói quen thuộc mà ai cũng nhớ khi nhắc đến thành Rome cổ đại. Trạm dừng chân của chúng tôi đầu tiên là quãng trường Piazza di Spagna (Tây Ban Nha). Quảng trường rất lạ mắt do được kết nối với một nhà thờ Pháp (Trinità dei Monti) ở trên một đỉnh đồi với hàng trăm bậc thang bước lên. Ý tưởng kết nối nhà thờ với quãng trường bắt nguồn từ thế kỷ XVII, khi người Pháp cũng lên kế hoạch dựng một bức tượng của vua Louis XIV của Pháp ở đầu các bậc thang. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không thực hiện được. Phía trước của quãng trường là một suối nước nhỏ. Một con thuyền được đặt ở trung tâm hồ để gợi nhớ đến trận lụt lịch sử năm 1598.
Đi bộ trên các đường phố cổ một đoạn, hướng dẫn viên đưa tôi đến tham quan Đài phun nước Fontana di Trevi.
Được xây dựng vào năm 1723, dựa lưng vào một tòa lâu đài cổ, đài phun nước trông như tác phẩm mỹ thuật khổng lồ. Người hướng dẫn cho biết nơi này đã từng là máng nước thời La Mã, dẫn nước suối trên núi về kinh thành phục vụ dân chúng. Ngày nay, nước ở Trevi vẫn được coi là nguồn nước suối thiêng mà người dân gọi là Aqua Vergine. Từ khi các nhà làm phim Hollywood lấy đài phun nước này làm bối cảnh cho những tác phẩm điện ảnh kinh điển như “La dolce vita” hay “Three coins in the fountain”, thì rất đông du khách đến đây để được chiêm ngưỡng tận mắt công trình này. Họ đến với mong ước tìm được tình yêu vĩnh hằng như những gì mà họ đã thấy trong các bộ phim!
Địa điểm cuối mà chúng tôi được tham quan chính là đấu trường La Mã Colosseum. Nhiều tài liệu chép rằng đấu trường này được xây dựng vào những năm 80 trước Công nguyên. Đấu trường nằm tại trung tâm của thành Rome, xây trên vùng đất bằng phẳng, ban đầu có sức chứa hơn 50.000 khán giả, về sau được thiết kế mở rộng hơn với sức chứa lên đến 80.000 người. Đấu trường có 80 cửa, trên mỗi lối vào được đánh số giúp khách nhanh chóng tìm thấy chỗ ngồi. Thiết kế bên trong hoàn hảo tới mức người dân có thể nhanh chóng thoát khỏi tòa nhà chỉ trong vài phút.
Rất nhiều tài liệu chép rằng dưới thời các đấu sĩ, Colosseum được ví như con đường dẫn tới địa ngục! Tại đây đã diễn ra những cuộc chiến đấu đẫm máu giữa người với người, hay người và động vật hoang dã. Các nữ đấu sĩ được gọi là Gladiatrice, đấu sĩ nam là Gladiator. Tuy nhiên, tại đây không phải bất cứ cuộc chiến đấu nào cũng kết thúc bằng cái chết. Đôi khi các đấu sĩ từ chối giết đối thủ của họ, hoặc có thể chính từ các khán giả đề nghị sự tha thứ, người bại trận vẫn được quyền sống sót. Bên dưới đấu trường có lối đi ngầm từng được dùng để chuyển động vật và đấu sĩ lên sàn đấu, nay mở cửa đón khách tham quan từ mùa hè năm 2010.
Và không biết tại sao và từ bao giờ, đấu trường La Mã – nơi đã từng diễn ra những sự kiện “không vui” đã trở thành biểu tượng của thành Rome của nước Ý; một đất nước kỳ vĩ ở châu Âu…!