Được dựng lên giữa vùng đầm lầy, thành phố nổi này đã quy tụ nhiều sang giàu và vinh quang hơn bất kỳ thành phố nào sau đó muốn bắt chước nó.
“Venise là thành phố vinh quang nhất và được quản lý tốt nhất” – đại sứ Pháp Philippe de Commynes đã thốt lên như thế vào năm 1495. Thành phố luôn mê hoặc các du khách ngày nay cũng như những thương nhân trước kia.
Tất nhiên 118 hòn đảo nhỏ được nối liền bằng 400 chiếc cầu là một kiểu mẫu đô thị lạ thường. Nhưng nếu Bruges (tên khác của Venise) giống với một thành phố nổi tiếng hơn là Venice ở California chính bởi vì kiến trúc sẽ không là gì cả nếu thiếu tính năng động về thương mại, chính trị và văn hóa.
Phải cần 1.000 năm đầy tài năng và nghị lực để biến đổi ngôi làng chài trên bờ biển Adriatic đó thành ngọn hải đăng của nền văn minh.
Vào thời kỳ La Mã, vịnh biển này là nơi trú ngụ của một số cư dân sống bằng nghề đánh cá, làm muối và và hàng hải cận duyên. Địa điểm chẳng lấy gì làm thuận lợi: một vùng nước mặn bao la với nhiều đảo nhỏ, hầu như tách biệt với biển khơi bởi một dãi cát.
Vào thế kỷ 5 và thế kỷ 6, nạn ngoại xâm đã biến cải vùng đất khó khăn này thành một lợi thế có tính cách quyết định. Nhiều kẻ giàu có ở các phần đất trồng trọt phì nhiêu bên trong nội địa đã di tản đến các ngôi làng ven biển. Dần dần những túp lều lát và gỗ đã nhường chỗ cho các kiến trúc vững chãi hơn.
“Vị thế của Venise nhờ vào vài mỏm đá nhô lên – nhà sử học Philippe Braunstein giải thích. Nhưng nền móng này cũng không đủ để dựng lên một thành phố thực sự nên phần còn lại phải được tạo mới hoàn toàn.
Người ta đóng những cây cọc dài 2m cách nhau khoảng 60cm. Trên phần nền đó, người ta lại dựng lên một thứ bè gỗ rồi đổ móng bằng các tảng đá vôi. Như thế, thành phố đã được xây dựng trên hàng triệu cây cọc”.
Thành phố nổi này đã kháng cự lại mọi sự xâm lấn vũ trang. Kể cả người Lombard xâm lăng nước Ý vào năm 568 cũng như các đạo quân của Charlemagne vài thế kỷ sau đó cũng không thể áp đặt uy quyền lên thành phố.
Trái ngược với đất liền vốn bị liên kết với một đế quốc La Mã-Đức, vùng này vẫn tiếp tục tùy thuộc vào Byzance.
“Nằm giữa 2 thế giới, vào năm 1000, Venise phải hoàn toàn lệ thuộc vào sự tiếp tế về ngũ cốc và củi đốt. Ngược lại, nó cung cấp muối, cá, cả tơ lụa, gia vị và trầm hương đến từ phương Đông.
Số phận thương mại của Venise dường như đã rõ ràng: quay mặt ra Địa Trung Hải, vịnh biển của nó cũng nối liền với mỏm núi Alpes bởi các dòng sông của đồng bằng Lombardie. Tuy nhiên sự độc lập và trù phú của thành phố nhờ vào con người nhiều hơn là địa dư.
Để đạt được ưu thế về hàng hải, trước tiên Venise tổ chức những cuộc chinh phạt các đối thủ trên vùng duyên hải và nhanh chóng kiểm soát vùng biển Adriatique.
Đảm bảo các quyền lợi của đế chế Byzance trong vùng này, Venise được hưởng những đặc quyền thương mại tại Constantinople trong khi vẫn tiếp tục việc trao đổi với các nước thuộc Đức.
Là kẻ bảo vệ hòa bình và thương mại, Venise trù phú thêm và dần dần giải phóng. Vào thế kỷ 12, thành phố là sức mạnh hải quân chủ yếu ở vùng Đông Địa Trung Hải, và khi những đạo thập tự quân cần đến hải quân của nó để tiến vào Đất Thánh, Venise chấp thuận.
- Xem thêm: Khám phá đảo núi lửa Ischia
Chính quyền thành phố đề nghị đi đường vòng để chế ngự Constantinople, và sự chinh phục này thể hiện bằng một chiến lợi phẩm đáng giá: nhiều cửa hàng kinh doanh mới trên biển Egée, 3/8 thành phố và kiểm soát eo biển Bosphore.
Ở phía Đông mở ra vùng biển Đen cùng các con đường đến Trung Hoa mà anh em nhà Polo đã đi tiên phong vào giữa thế kỷ 13.
Đã từ lâu thành phố nổi đó không còn nằm dưới sự bảo bọc của Byzance nữa. Sức mạnh hàng hai và thương mại của Venise cho phép nó vượt ra khỏi những mối dây phong kiến và phát triển một quan niệm cộng hòa về quyền lực đáng kinh ngạc vào thời Trung cổ.
Trong khi mọi vua chúa ở phương Tây đều cho rằng quyền uy là đến từ Trời, vị tổng quản Venise lại xem uy quyền của ông là từ dân chúng. Việc lãnh đạo thành phố không phải là một chức vụ cha truyền con nối.
Được chỉ định bởi các dòng họ tiếng tăm, ông ta tuyên thệ phải hành động vì quyền lợi chung dưới sự kiểm soát của một hội đồng. Cũng giống như một quốc gia tân tiến, vị tổng quản ký kết những thỏa ước, quy định công việc thương mại và đóng tàu thuyền.
Ông ta khuyến khích kinh doanh, nhưng vẫn để hoạt động kinh tế tùy thuộc vào sáng kiến cá nhân. Venise ít có cảnh bất đồng và tranh chấp cá nhân hơn bất kỳ thành phố nào khác ở châu Âu. Quả thật, những quyêt định đều được đưa ra vì quyền lợi chung. Điều gì có lợi cho hàng hải và thương mại đều tốt cho mọi người dân.
Sau sự kiện khám phá ra châu Mỹ, trọng tâm của các sự trao đổi dần dần chuyển từ Địa Trung Hải đến Đại Tây Dương. Cho dù Venise bị cạnh tranh, nhưng sức mạnh thương mại của nó vẫn rất đáng kể.
Hơn nữa, từ đấy thành phố đã khai thác các vùng đất canh tác ở bên trong và có nhiều hãng xưởng quan trọng nhất nước Ý.
Vào đầu thế kỷ 18, Venise không còn là một vùng đất hùng cường về kinh tế và chính trị nữa, nhưng ảnh hưởng văn hóa của nó lại lớn mạnh hơn bao giờ hết. Thành phố của Vivaldi và Canaletto đã tạo hứng khởi cho nhiều nhà soạn nhạc, họa sĩ hay kiến trúc sư.
Người dân Venise rất ham thích lễ lạt, hội hè. Đến năm 1797, đạo quân của Napoléon đã kết thúc 13 thế kỷ độc lập của Venise, nhưng không làm suy suyển được uy tín của nó.