2.045km, 74 ngày, nhiệt độ -50oC. 3 con số vừa nêu đủ để mô tả tính chất cực kỳ khắc nghiệt của chuyến thám hiểm xuyên qua Nam cực mà nữ thám hiểm Stéphanie Gicquel và chồng thực hiện vào năm 2014.
Trong những điều kiện khắc nghiệt cùng cực, họ đã vượt lên chính mình để được ghi tên vào kỷ lục thế giới là người thứ 25 và 26 đi xuyên qua Nam cực trên ván trượt tuyết. Năm 2017, 3 năm sau, Maxime Thuriot, phóng viên báo Le Petit Journal de Sydney, đã có cuộc phỏng vấn Stéphanie Gicquel, nhà thám hiểm, nữ luật sư, người đã có chuyến trải nghiệm độc nhất vô nhị trong đời.
____
Maxime Thuriot: Là sinh viên tốt nghiệp một trường kinh doanh, sau đó trở thành luật sư hành nghề tại Paris, vậy lý do nào đưa bạn đến quyết định thực hiện chuyến đi xuyên Nam cực? Ý tưởng này bắt nguồn từ đâu?
Song song với công việc chuyên môn, tôi luôn yêu thích thể thao. Tôi đặc biệt luyện tập môn chạy bộ đường mòn siêu dài (ultra-trail), chạy bộ đường dài khoảng 200km chẳng hạn. Môn thể thao này quả là phức tạp đối với nghề nghiệp của tôi, nhưng tôi cố gắng dành thời gian cho nó. Vượt qua Nam cực là một hành trình dài.
Tôi đã từng đến thăm Bắc cực, Groenland, Na Uy và cả Nam cực. Càng gặp gỡ các nhà thám hiểm, càng đọc các bài viết về các chuyến thám hiểm, ý tưởng chinh phục Nam cực càng trỗi dậy mãnh liệt trong tôi. Thoạt đầu, tôi không biết ý tưởng này có thật sự khả thi hay không. Nhưng mãi nghĩ đến nó, một ngày nọ, ý tưởng này đã trở thành mục tiêu phấn đấu.
____
Chuyến đi xuyên Nam cực mà chị cùng thực hiện với chồng, đã được ghi trong quyển kỷ lục thế giới Guinness World Records, và là chuyến thám hiểm dài nhất trên ván trượt tuyết mà không có sự trợ lực nào khác, được thực hiện bởi một nhân vật nữ. Khi nghe điều này, cảm giác của chị thế nào?
Ban đầu, kỷ lục này không phải là mục tiêu đặt ra. Vì lý do tài chính, tôi phải thay đổi tuyến hành trình 2 tháng trước ngày thực hiện. Ngoài ra, chuyến thám hiểm không phải là điều bí mật, không phải là cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Vendée Globe, và cũng không phải Thế vận hội Olympic. Và ngay cả khi chuyến thám hiểm được thực hiện, nó cũng không làm thay đổi cuộc đời.
Nhưng dù sao thì tôi cũng cảm thấy rất hạnh phúc vì đã thực hiện được mục tiêu, mang về nhiều hình ảnh, video. Điều này cũng là nhiệm vụ của chuyến đi bởi nó giúp tôi chia sẻ kinh nghiệm với các trường học, với các doanh nghiệp không chỉ về Nam cực mà còn về sự vượt qua chính mình. Điều quan trọng là chuyến đi không phải là một tiếp cận mang tính cá nhân, mà là một trải nghiệm có thể chia sẻ với nhiều người khác!
____
Điều gì khác biệt khi chị đi xuyên qua Nam cực trên ván trượt mà không có trợ lực của buồm gió kéo từ trên không?
Trong thực tế, có nhiều hình thức đi xuyên qua Nam Cực cùng với thú vật. Ví dụ như chuyến thám hiểm Nam cực do Roald Amundsen thực hiện năm 1911 hay trường hợp của Jean-Loup Étienne đi xuyên qua Nam cực trên xe trượt tuyết do chó kéo và được xem là chuyến thám hiểm trên xe chó kéo dài nhất lúc bấy giờ.
Ngày nay, các chuyến thám hiểm Nam cực thường được thực hiện bằng 2 cách trong đó có thám hiểm trên ván trượt tuyết do buồm kéo, tựa như lướt sóng buồm kéo. Người thám hiểm di chuyển chủ yếu nhờ sức gió. Tuy nhiên, nếu thực hiện chuyến đi cô đơn, một mình, nhà thám hiểm sẽ gặp nhiều khó khăn như dựng hay cuốn lều nghỉ qua đêm. Khi thực hiện chuyến đi mà không có sự trợ lực của buồm gió, vấn đề gai góc nhất gặp phải là tốc độ. Bạn chỉ tiến tới với tốc độ 3km/giờ vì các đợt gió tuyết Nam cực nằm ở độ cao 3.000m.
Hơn nữa, cần hiểu rõ rằng khi tiến về Nam cực, bạn sẽ phải đương đầu với gió thổi ngược, như tuyến đường của tôi thực hiện. Trở ngại này sẽ làm chậm đáng kể tốc độ. Và cuối cùng, phải vượt qua 2.000km trong khoảng thời gian hạn định để bắt kịp chuyến bay cuối cùng của mùa thám hiểm, buộc bạn phải hoạt động từ 12 đến 16 giờ/ngày.
____
Chị đã chuẩn bị thể lực và tinh thần như thế nào cho một chuyến đi gian nan và vất vả như vậy?
Chuẩn bị như thế nào ư? Với vóc dáng nhỏ bé như tôi, chơi môn chạy bộ đường mòn đã giúp tôi rất nhiều về mặt thể lực. Và trong thực tế, môn chạy bộ đường mòn đã giúp tôi có một trái tim khỏe mạnh, sức bền dẻo dai. Ngoài ra, việc điều phối, tiết kiệm sức lực để có thể chạy chạy liên tục 24 đến 30 giờ trên đoạn đường 200km dù ở Anh hay bất cứ nơi nào khác, đã giúp tôi duy trì năng lượng trong một môi trường cực kỳ khó khăn. Vì vậy, phân phối hợp lý thời lượng, khối lượng vận động trong suốt chuyến đi là rất quan trọng. Sau cùng, các chuyến thám hiểm thường xuyên ở Spitzberg, Na Uy, mà tôi đã thực hiện trong những năm trước đó, cũng đã giúp ích cho tôi rất nhiều.
Chuẩn bị tinh thần là một vấn đề liên quan đến trực quan. Tôi đã gặp gỡ rất nhiều nhà thám hiểm Bắc cực và Nam cực; tôi đã nói chuyện, trao đổi với họ, đọc nhiều bài viết về các chuyến thám hiểm. Điều này đã giúp tôi dự đoán các hiểm nguy mà tôi phải đối mặt. Tôi còn phải đoán trước những tình huống bất ngờ. Khi bắt đầu chuyến đi, tôi thât sự không dám chắc rằng mình sẽ quay về.
Đó là cảm giác thật của tôi, một cảm giác không mấy gì dễ chịu cho lắm. Nhưng tôi đã không dự đoán gì cho năm kế tiếp sau chuyến đi. Năm 2015, tức một năm sau, tôi định sẽ viết một quyền sách, thực hiện vài cuộc triển lãm những hình ảnh của chuyến đi. Nhưng tôi không hề nghĩ đến những cuộc chạy đua đường mòn sắp tới hay thậm chí cả chuyến thám hiểm tiếp sau. Đây chính là điểm khác lạ so với các chuyến thám hiểm trước kia, tôi biết mình phải làm gì tiếp theo. Lần này, tôi chỉ nghỉ đến mục tiêu chinh phục Nam cực, sau đó thì không có kế hoạch gì khác.
Vợ chồng tôi đã dành nhiều giờ để trao đổi phải làm gì, xử lý thế nào trong trường hợp một trong hai gặp vấn đề. Nhiều lúc cả hai muốn khóc vì tính chất cực kỳ khốc liệt của chuyến đi. Quyển sách của tác giả Ryan Mesner, dù đang được dựng thành phim, và dù có khác so với chuyến đi của tôi, cũng đã làm tôi khóc sướt mướt trong thời gian chuẩn bị. Tôi cũng đã khởi đầu chuyến đi tại cùng một điểm như Ryan, và trong thực tế, tôi thật sự rất bối rối. Sau chuyến đi, khi đọc lại quyển sách đó, cảm giác của tôi cũng rất lạ thường.
____
Bằng cách nào chị có thể sống sốt ở nhiệt độ -50oC?
Trong một chuyến đi dài ngày như thế, cơ thể chúng ta tự dự đoán nhiệt độ. Sau 4-5 tuần ở trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt như thế, cơ thể có thể nhận biết sự khác biệt nhiệt độ. Vì vậy, ngay cả trước khi đến Nam cực, tức khoảng giữa chuyến thám hiểm, tôi đã có thể nhận biết được nhiệt độ -42oC, -38oC hay -30oC. Chúng tôi nhạy cảm với môi trường chung quanh đến độ biết cả nhiệt độ của nó.
Đây quả là một hiện tượng đáng ngạc nhiên. -45oC hoàn toàn không có nghĩa lý gì so với -50oC, -50oC thật sự là cảm giác sống còn. Trong trường hợp này, tôi không thể dừng lại để nghỉ ngơi nữa. Đôi khi tôi dừng lại 3 phút, khoảng thời gian không đáng kể so với các lần nghỉ bình thường để tôi ăn uống, nghỉ ngơi, mặc thêm hoặc cởi ra bớt áo ấm hay xem thiết bị định vị (GPS). Những thứ này được tôi làm trong lúc tạm nghỉ.
Nhưng ở -50oC, tôi không thể đứng im trong 10 phút vì tôi thật sự cần vận động, chạy nhanh nhằm làm cho cơ thể nóng lên. Đôi khi, tôi cảm thấy đói, khát, nhưng điều khẩn cấp lúc bấy giờ là đi tới dù phải không được ăn uống đàng hoàng. Đó là cách duy nhất để tồn tại. Đôi khi rất khó khăn đến độ tôi nghĩ rằng chắc mình sẽ ở lại đây mãi mãi, và vào thời điểm như thế, tôi thật sự nghĩ về thân phận mình. Tôi phải chiến đấu cho sự sống còn.
Tôi rất sợ nhiệt độ xuống thấp hơn vì tôi không có chuẩn bị những thứ cần thiết cho nhiệt độ thấp hơn -50oC trong một chuyến đi dài ngày mà không có sự trợ lực của buồm gió. Ngoài ra, tôi phải có khả năng nhanh chóng mặc thêm đồ ấm, 2 lớp quần áo ở -25oC, và 4 lớp ở nhiệt độ -50oC vì nhiệt độ thay đổi rất thường xuyên. Ngoài yếu tố khí hậu khắc nghiệt, tôi còn phải thực hiện nhiều cố gắng về thể lực trong thời gian ngắn kỷ lục. Đặt trường hợp ở trong tình huống như thế, bạn sẽ phải đối mặt với những hiểm nguy gì?
Không có buồm gió trợ lực, có 2 rủi ro chính. Một là mất nước vì tôi không có đủ thời gian để làm tan nước đá và hai là ăn để có đủ chất dinh dưỡng. Tôi có khuynh hướng lấy ít hơn những vật cần thiết trong xe kéo để ít mang nặng trong người. Nếu mang nhiều thức ăn trong người, tôi lại phải cần thêm năng lượng để di chuyển. Đây thật sự là vòng luẩn quẩn. Chính nguy cơ thứ hai này đã cướp đi sinh mạng của nhà thám hiểm người Anh Henry Worsley vào tháng 5-2016. Ông đã bị nhiễm trùng nặng vì suy dinh dưỡng trầm trọng.
____
Chị có thể nói vài dòng để mô tả Nam cực?
Chỉ vài dòng để mô tả Nam cực thì hơi khó đấy. Có thể xem Nam cực là một lục địa hoàn toàn không giống như bất kỳ một vùng lãnh thổ nào khác. Vì vậy tôi không thể so sánh. Không có hệ thực vật nào cả, cũng không có hệ động vật nào trên lục địa. Tôi có cảm giác như mình đang sống trên một hành tinh khác. Có thể nói Nam cực có vẻ như còn tiềm ẩn điều gì đó thần bí.
____
Bạn học hỏi được gì qua chuyến thám hiểm?
Rất nhiều thứ và tôi đã vận dụng chúng vào cuộc sống một cách hiệu quả từ năm 2015 đến nay. Hiện nay tôi đã trưởng thành hơn và không còn lùi bước trước khó khăn. Khi trở về Pháp, tôi cảm thấy phấn khích hơn. Phải mất tròn một năm tôi mới thực hiện được những gì tôi đã trải nghiệm trong chuyến đi. Tôi bắt tay ngay vào việc viết một quyển sách. Tôi đã gặp rất nhiều người, đặc biệt là các thầy cô giáo trong các trường học.
Vì vậy, trong năm đầu, mọi việc tiến triển đúng như dự định, dù thời gian và lịch trình có bị thay đổi gần như hoàn toàn. Bây giờ, khi thực hiện chuyến công tác trong 24 hay 48 giờ liền, tôi cảm thấy thời gian rất ngắn ngủi. Tôi biết mình sẽ trở về nhà trong vài giờ và có thể tận hưởng những tiện nghi trong gia đình, điều mà trước đây vài năm, tôi có cảm giác thời gian như dài ra. Bây giờ, năm 2017, khi nghĩ lại chuyến thám hiểm, một cảm giác tự do tuyệt đối chiếm cả tâm hồn tôi, một trạng thái trọn vẹn, một cảm giác hoàn thành sứ mạng.
Tôi cảm thấy hoàn toàn bình tĩnh và thanh thản. Bây giờ, khi đặt ra một mục tiêu cao hơn, tôi biết mình có đủ phương tiện, đủ bản lĩnh để thực hiện. Tôi đã dành trọn 4 năm để chuẩn bị cho chuyến đi, tôi mắc nợ, nhưng kết quả đạt được là tương xứng. Đôi khi nghĩ lại chuyến trải nghiệm vừa qua, tôi có cảm giác mình hơi bị điên. Tôi nhìn trái đất và tự nhủ mình thật sự đang ở giữa Nam cực. Tôi đã dành thời gian dài để chuẩn bị và thực hiện chuyến đi, nhưng điều mà tôi đăc biệt ghi nhớ là cảm giác tự do và thanh thản.
____
Chuyến đi diễn ra vào cuối năm 2014. Từ đó đến giờ, chị đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo ở các trường trung, tiểu học, đại học và cả tại Hội nghị về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP 21) và 22 (COP 22) do Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Paris (Pháp) và Marrakech (Morocco). Chị có tự tin về tương lai hành tinh của chúng ta không?
Hiện nay, tôi nghĩ rằng nhiều quốc gia đã nhận thức những nguy cơ mà biến đổi khí hậu gây ra. Đây là điều đáng mừng. Chúng ta đã đồng ý ngồi lại họp bàn với nhau tại Hội nghị về biến đổi khí hậu lần thứ 21. Còn rất nhiều việc cần phải làm để biến thỏa thuận này có hiệu lực và thành hiện thực. Lúc bấy giờ, tôi sẽ tin tưởng một cách tự nhiên. Nhưng thời điểm diễn ra Hội nghị về biến đổi khí hậu lần thứ 21 là đã quá chậm trễ.
Những tác động của sự nóng lên toàn cầu đã bắt đầu. Vỏ băng ở địa cực đã tan. Tôi không phải là nhà khoa học, nhưng tôi thích nghe những gì họ nói. Bên trong Nam cực, chúng ta không thấy các biểu hiện của sự nóng lên toàn cầu. Chúng ta ghi nhận các biểu hiện này nhiều hơn ở rìa các châu lục. Một số nơi của quả địa cầu may mắn còn chưa bị ảnh hưởng. Do vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn còn kịp hành động. Rõ ràng là khi đi du lịch, chúng ta sẽ không chỉ phát hiện vẻ đẹp của thiên nhiên mà cả sự mong manh của nó nữa.
Và chúng ta nhận thức ra điều gì đang xảy ra đối với môi trường ở một số nơi, một số vùng lãnh thổ. Khi quay về Paris, tôi đã mất gần một tháng trời để quen dần với không khí ô nhiễm tại đây. Dù thế nào thì chúng ta đã có nhận thức, có thiện ý sửa chữa. Đây là điều đáng được ghi nhận. Nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để bảo vệ trái đất.
____
Chuyến thám hiểm của chị cũng đã giúp cho Hiệp hội Petits Princes thu được 15.000 euro để thực hiện giấc mơ của trẻ em. Thành tựu này, thám hiểm này, phải chăng cũng là cơ hội thực hiện giấc mơ của chị?
Vâng, nó thật sự đã trở thành giấc mơ của tôi. Điều mà tôi thường nói là: giới hạn duy nhất của các mục tiêu mà chúng ta đặt ra là những gì mà chúng ta có thể làm và đóng góp để biến chúng thành hiện thực. Có rất nhiều thời điểm khó khăn, đơn độc, đôi khi chúng ta còn tìm cách bào chữa, nhưng chúng ta vẫn phải chấp nhận đưa ra các chuẩn mực. Chúng ta cũng phải thừa nhận rằng chấp nhận lo âu, e ngại là rất phức tạp, nhưng chúng ta phải tiến về phía trước.
____
Câu hỏi cuối. Người hâm mộ khó mà tưởng tượng rằng đó là chuyến thám hiểm cuối cùng của chị. Vậy chị có dự định thực hiện chuyến đi nào khác không?
(Cười) Tất nhiên là có chứ! Tôi yêu thích Bắc cực và Nam cực, nhưng tôi cũng ao ước được khám phá các vùng khác trên thế giới như sa mạc, các vùng khô cằn. Tại sao không là Úc? Tôi thích khám phá đất nước chuột túi và tôi nghĩ rằng các sa mạc có ít nhiều đặc điểm chung. Tôi sẽ dành trọn hai năm tới cho các chuyến chạy bộ đường mòn. Nhưng biết đâu một ý tưởng điên rồ khác lại lóe lên trong đầu tôi và sẽ không chịu rời bỏ tôi!