Chí ít, trên thế giới cũng có 5 vùng đất nổi danh “bách niên giai lão”: Nicoya của Costa Rica, Sardinia ở Ý, Ikaria tại Hy Lạp, Okinawa ở Nhật Bản và Loma Linda o73 Hoa Kỳ. Tại các nơi này, sống trên 100 tuổi là chuyện bình thường đến nỗi nếu có cao niên nào tuổi 90 đào hố hạ xuống một cây ăn trái lâu năm, họ chắc chắn có dự định tự tay hái quả.
Trong thuật ngữ tiếng Anh, các vùng đất có tuổi thọ trung bình vượt trội được gọi là “Blue Zones”. Qua tìm hiểu thực tiễn, giới nghiên cứu nhận ra giữa các Blue Zones xuất hiện nhiều điểm chung. Họ tin rằng những yếu tố giống nhau này chính là chìa khóa của sự trường thọ.
Chỉ ăn hơi no
Tại Okinawa-Blue Zones Nhật Bản, các cụ bách niên chào đời trước năm 1920. Nhiều người trong số họ lớn lên trong Thế chiến thứ nhất (1914-1918), tuân thủ nguyên tắc ăn uống truyền thống “hara hachi bu”: chỉ ăn no khoảng 80%, tức là vừa chớm cảm thấy no bụng đã dừng.
Khi Rozalyn Anderson ở Đại học Wisconsin của Mỹ thực hiện một nghiên cứu lâu dài về mối quan hệ giữa sự trao đổi chất và lão hóa trên động vật, ông nhận ra ăn uống có chừng mực giúp hạn chế calo, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tuổi tác như ung thư, tiểu đường, tim mạch…
Mặc dù chưa có nghiên cứu chuyên sâu nào đủ dữ liệu xác nhận mối quan hệ giữa sự trao đổi chất và lão hóa ở người, Anderson tin có sự tương đồng. Dừng ăn trước no đồng nghĩa với lượng calo bị cắt giảm một phần. Nó hạn chế dư thừa dinh dưỡng, bớt hình thành các gốc tự do độc hại (ví dụ như tế bào ung thư). Nhờ đó, các tế bào được bảo vệ, duy trì sự khỏe mạnh.
Ngoài ra, các cụ bách niên của Okinawa còn có thói quen ăn ít thịt, nhiều rau. Chế độ ăn uống này cung cấp lượng chất xơ, vitamin đầy đủ, giúp trẻ-khỏe tim mạch. Sardinia-Blue Zones của Ý và Ikaria-Blue Zones của Hy Lạp có cùng gu thực phẩm như Okinawa.
- Xem thêm: Sống lâu cũng là bí quyết đầu tư
Sống hòa đồng và có đức tin
Điểm chung dễ thấy nhất giữa các “Blue Zones” là sự gắn kết cộng đồng chặt chẽ. Các cụ bách niên sống giữa tình thương yêu của con cháu, láng giềng. Tại Nicoya-Blue Zones Costa Rica, các lão niên vui vẻ ngất ngưởng trên lưng ngựa thăm nom đồng ruộng và bằng hữu. Họ vô ưu vô lo bởi xung quanh toàn là những con người đáng tin, dễ mến. Cứ mỗi dịp thu hoạch trúng mùa, các cụ lại thoải mái san sẻ nông phẩm. “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện phải sống thật lâu”, José Bonafacio Villegas, 103 tuổi, cho biết “Trường thọ với tôi chỉ là tác dụng phụ đáng yêu của việc tận hưởng cuộc sống trọn vẹn mỗi ngày dưới ánh nắng”.
Với sức khỏe con người, kết nối xã hội giúp giảm căng thẳng, kích thích sự phấn khích và cảm giác hạnh phúc. Nó khiến chúng ta luôn tươi trẻ, thích vận động và nhờ đó tăng cường sức khỏe thể chất, tinh thần. Nhiều nhà khoa học khẳng định: sống vui tác dụng tích cực lên sức khỏe ngang với tập thể dục.
Tại các vùng bách niên giai lão, tín ngưỡng mang đến sự gắn kết cộng đồng quan trọng. Loma Linda-Blue Zones Hoa Kỳ theo giáo phái Cơ đốc Phục lâm (Seventh-Day Adventists), một nhánh nhỏ của đạo Tìn lành. Nicoya và Sardini theo Công giáo (Ecclesia Catholica), Ikari sùng bái Chính thống giáo phương Đông, còn Okinawa thực hành tín ngưỡng địa phương Ryukyuan. Tôn giáo đem đến cho các cụ niềm tin và sự an ủi. Tuy chưa có bằng chứng xác thực, một số nhà nghiên cứu tin rằng tín ngưỡng giúp tăng tuổi thọ từ 1-5 năm.
Yêu thức uống nóng
Phần lớn thế giới quay cuồng trong các kiểu thức uống mát lạnh mà tai hại cho sức khỏe như nước ngọt, bia, rượu… Riêng các cụ bách niên của những vùng “Blue Zones” thì hình thành thói quen nhấm nháp chút trà hay cà phê nóng mỗi ngày. Ở Ikaria, thưởng thức cà phê là chuyện hàng đầu mỗi buổi sáng. Các lão niên sử dụng phương pháp pha chế truyền thống: khuấy bột cà phê nghiền mịn trong chiếc nồi siêu nhỏ và cao. Khi các nhà khoa học bắt tay vào nghiên cứu, họ phát hiện trong cà phê có chứa nhiều vi chất quan trọng giúp chống lão hóa, ví dụ như magiê, kali, niacin và vitamin E. Khi đi vào cơ thể, nó giải phóng polyphenol làm giảm viêm.
Đối với cơ thể người, viêm là căn nguyên của nhiều chứng bệnh liên quan đến tuổi tác. Nó thúc đẩy sự phát triển của các mảng bám trong động mạch, khiến tách nghẽn mạch máu, gây đau tim và đột quỵ. Nhờ thói quen uống cà phê nóng, cơ thể của các cụ ở Ikaria chống viêm khá tốt. Vì thế, họ ít mắc các bệnh tuổi già và có mắc cũng dễ chữa trị hơn.
Chúng ta luôn lo lắng về đồ uống chứa caffein (có trong cà phê, chè, ca cao…), nhưng bạn nên nhớ rằng một lượng caffein vừa đủ là tiên dược cuộc sống. Nó đảm bảo sức khỏe của hệ miễn dịch, chống viêm, giảm nguy cơ kháng thuốc kháng sinh và hạn chế mắc bệnh tiểu đường.
- Xem thêm: Ai muốn sống lâu?
Thêm ít món đắng
Quan sát ở Okinawa chỉ ra rằng một trong các chìa khóa bách niên của người Nhật là quả mướp đắng. Các lão niên ở đây rất mê loại trái cây có vị đắng dùng làm rau này. Họ chế biến đủ kiểu món ăn với nó, từ salad cho đến món hầm, thậm chí là nước ép trái cây. Mướp đắng có tác dụng tương tự như cà phê hay trà. Nó chứa các hợp chất giúp hấp thu và chuyển hóa glucose (đường), giảm calo, tăng khả năng chống viêm.
Tại Việt Nam, mướp đắng là một loại rau quả quen thuộc giá rẻ. Chúng ta cũng có rất nhiều món ngon từ mướp đắng, ví dụ như canh khổ qua, mướp đắng xào trứng, mướp đắng trộn gỏi… Có điều, vị đắng của nó kén người ăn.
Làm nông nghiệp
Hầu hết các lão niên trăm tuổi của Sardinia và Nicoya đều là lão nông. Tại Nicoya, các cụ làm việc chăm chỉ đến nỗi ngoài 90 tuổi mới chịu nghỉ hưu, và tiếng là nghỉ hưu, chứ các cụ vẫn chịu khó chăm sóc cháu chắt, thăm nom vườn tược, chỉ bảo lớp trẻ cách chăn thả gia súc, làm đồng. Các nhà nghiên cứu suy đoán, hoạt động thể chất thông qua công việc làm nông góp phần nâng cao và duy trì sức khỏe thể lực.
5 vùng “Blue Zones” tiêu biểu trên thế giới không hề nằm cạnh nhau, nhưng đều là những mảnh đất tươi đẹp giữa hoặc gần thiên nhiên hoang dã. Nicoya là bán đảo bảo tồn, vô cùng thưa thớt dân cư. Ikaria và Sardinia thì là những hòn đảo độc lập, đầy sườn núi non xanh mát. Okinawa và Loma Linda tuy là đô thị, nhưng chất lượng không khí đạt mức độ an toàn ấn tượng. Chúng cũng tựa lưng vào núi non hoang dã, được người dân giữ gìn vệ sinh sạch bóng như li như lau.
Riêng Ikaria có một chút khác biệt. Hòn đảo này từng bị ảnh hưởng bởi phóng xạ, có phía Tây nhiễm phóng xạ nặng hơn. Kỳ lạ là chính trong phạm vi phía Tây này, tuổi thọ trung bình của các cư dân lại cao vượt phía đông. Vài cụ còn mê tín, phóng xạ làm nước suối ở đây biến thành… nước bất tử.
Các nhà khoa học liền thử lập bảng thống kê tuổi thọ tại các vùng bị nhiễm phóng xạ thấp, ví dụ như Idaho, Colorado và New Mexico (Mỹ). Họ đối chiếu chúng với các vùng an toàn khác và kinh ngạc nhận ra, tuổi thọ ở đó có vẻ nhỉnh hơn một chút thật. Một vài thử nghiệm trên động vật cũng chỉ ra rằng nhiễm liều lượng phóng xạ cực thấp giúp hệ miễn dịch hình thành phản ứng chống viêm. Nó còn gây một chút ức chế thần kinh, giúp hạn chế hấp thụ calo, tránh béo phì.
Có điều, xin đừng vội tin phóng xạ thấp tốt cho cơ thể! Mối quan hệ giữa nó và sức khỏe thế nào, cần nhiều nghiên cứu và thử nghiệm hơn mới xác nhận được.
- Xem thêm: Người lạc quan sống lâu hơn