Cứ mỗi độ Tết đến, lòng tôi lại trào dâng một nỗi nhớ nhung khôn tả. Nhớ về quê hương, là nhớ về những cái Tết bình dị nhưng luôn để lại trong tôi một ấn tượng sâu đậm khó phai.
Thời ấu thơ, cái thời đất nước còn nhọc nhằn, gian khó. Đầu tháng Chạp đã thấy trên khuôn mặt mẹ hiện lên bao nỗi lắng lo. Mẹ tất tả tính toán, tiết kiệm từng đồng chạy chợ để đổi về cho mấy chị em tôi những bộ quần áo mới, những đôi dép và chiếc mũ xinh. Cha mẹ khéo léo vun vén để các con có được một cái Tết bằng bạn bằng bè. Ngày ấy, tôi hay được cha chở đi chúc Tết nhà nội bằng chiếc xe đạp cũ sờn. Ngày Tết tuổi thơ tuy không giàu sang, dư giả nhưng ăm ắp niềm vui, tiếng cười. Để có một cái Tết ấm áp, tròn đầy, tôi biết cha mẹ đã phải hy sinh nhiều thứ, sự bình yên và trọn vẹn ngày ấy tất cả đều xuất phát từ những giọt mồ hôi cực nhọc của mẹ, đôi vai gầy trĩu nặng của cha.
Tết chưa đến, tôi đã miên man nhớ về mảnh vườn thân thương của mẹ. Trước Tết, mẹ thường trồng đủ các loại rau, củ, quả. Nào là rau muống, mồng tơi, cải xanh, nào là khổ qua, bí đỏ, dưa leo,… Mẹ bảo rằng thích tự mình trồng và chăm sóc mảnh vườn, chúng là rau sạch, cũng là tấm lòng của mẹ. Lúc ấy, tôi bỗng nhớ tới bữa cơm cúng tất niên với đầy đủ rau củ quả tươi ngon do một tay mẹ vun vén… Giờ đây, khi cái Tết đã đến rất gần nhưng sao lòng tôi lại cảm thấy thiếu vắng và trống trải đến lạ. Thương lắm mảnh vườn nhỏ của mẹ giờ chỉ còn lại trong ký ức.
Trong miền nhớ tuổi thơ tôi, Tết quê thật mộc mạc và bình dị làm sao. Điều bình dị bắt nguồn từ những chiếc bánh, mứt được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo của mẹ. Mỗi lần được ngắm nhìn những chiếc bánh in, bánh thuẫn, hay mứt gừng, mứt dừa nóng hổi, thơm lừng mới ra lò, lòng tôi lại xốn xang. Tết quê bình dị ngay từ chính mùi khói bếp ấm áp, cay nồng bay lên trong gian bếp của mẹ.
Những chiếc bánh chưng, bánh tét tròn trịa, vuông vức được mẹ nấu trên bếp lửa bập bùng nghi ngút khói. Bọn trẻ con chúng tôi ngày ấy cứ tranh nhau ngồi trông. Mùi khói từ củi, từ chiếc bánh chưng, bánh tét tỏa lên cùng mùi nếp thơm lừng mới nhẹ nhàng làm sao. Bên ngọn lửa hồng, mấy chị em tôi ríu rít lấy khoai, ngô vùi vào bếp lửa. Tết đơn giản và gần gũi trong từng thói quen, nếp nghĩ của người quê một sương hai nắng. Mặc dù xã hội ngày càng hiện đại, món gì cũng đều có sẵn nhưng những người mẹ quê vẫn muốn tự tay làm, tự tay nấu những món ăn ngon dâng cúng ông bà, cả nhà quây quần sum họp bên mâm cơm ấm nồng.
Những ngày cuối năm, giữa mùi hương miên man của khói bếp, của bánh mứt, cỏ hoa là tiếng sóng vỗ rì rào của dòng sông quê đang mùa thay áo mới, là cánh đồng mạ lên xanh mượt mà, non biếc sau những ngày mưa lũ. Là hương cỏ dìu dịu nâng bước em thơ nghêu ngao hát khúc đồng dao. Là vạt nắng nhu mì ướp trong lá sen gói nắm trà thơm của mẹ. Khoảng sân trước nhà loang loáng nắng, mẹ trải mùng mền chăn chiếu ra phơi, giũ hết muộn phiền năm cũ. Tiếng cọ rửa xoong nồi, chén bát nhà bên vọng lại, tiếng chim xôn xao gọi gió xuân về.
Tết quê bình dị trong tôi còn là niềm hạnh phúc khi thấy cha mẹ vẫn còn ở bên mình. Dẫu mưa nắng cuộc đời có làm vết thời gian bàng bạc trên dáng hình của cha, quầng mắt thâm, hằn in vết chân chim của mẹ, người vẫn không thôi chờ đợi sự trở về của các con. Tết là để trở về với những bình dị xưa cũ, tận hưởng niềm hạnh phúc viên mãn bên những người thân yêu. Tiếng còi tàu hun hút xuyên qua màn sương lạnh, chở những giấc mơ sum vầy về bên mái ấm yên bình…
- Xem thêm: Nhớ tết quê