Lạ đời thay! Miếng cá cứ tan dần, tan dần dù người ăn mới nhai nhẹ vài nhịp rồi ngậm miệng lại. Như thể ta đang ăn kem vậy…
Thời may, chúng tôi bị cuốn hút bởi miếng cá lạ. Lạ đến độ sửng sốt. Vì nó chứa nhiều tố chất bất ngờ lẫn không ít giai thoại kỳ thú.
“Trúng số” cá Empurau
Nghe đồn, loại cá đắt như vàng này, vốn là niềm tự hào của dân Mã -Lai. Theo tờ Borneo Post (của Malaysia), một con Empurau nặng 7.9kg đã được bán với giá 1.940 đô la Mỹ, thời điểm vào tháng 3.2016. Thế nên nhiều du khách sang trọng từng tò mò, háo hức muốn thưởng thức khứa cá tươi rói kia, phải đặt trước các nhà hàng uy tín ở đây vài ngày (*). Nhưng, chưa chắc họ được toại nguyện, dù đã thủ sẵn rất nhiều tiền.
Vậy mà nhóm chúng tôi lại rinh được cả con, nặng gần 8kg, hàng cấp đông.
Thế là, chúng tôi rủ thêm vài anh em đầu bếp thân thiết, “cứng nghề”, ngồi lại bàn tính một thực đơn phù hợp. Cuối cùng, “chốt kèo” làm ở hầm rượu Trần Long, (tại TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương), do chef Nguyễn Bá Thịnh đạo diễn và nhóm bếp anh Trần Trường Thuận động dao thớt.
Nhất hấp, nhị cà ri…
Có tất cả 5 năm món thơm phức, bày trí đẹp mắt – hứa hẹn hấp dẫn – được nhóm bếp ở đây kỳ công bày ra, trong một hầm rượu sang trọng.
Trong đó, tôi ấn tượng nhất món hấp kiểu Hongkong. Bởi nó tôn lên mùi vị tinh tế, độc đáo của cá. Phần thịt cá ngọt thanh dịu, na ná với tư vị cá hô.
Còn mỡ cá thơm thanh nhã tựa như mỡ cá cóc cỡ lớn, tầm trên 5kg/con. Dường như, sau lớp da cá là một túi mỡ lỏng, thật ngọt bùi và thơm, khá giống với nước mỡ heo.
Song đặc biệt hơn cả, người ăn chỉ cần nhai nhẹ vài cái rồi ngậm miệng lại, tự khắc thịt cá sẽ tan dần ra. Mặc dù, bề dày khứa cá còn to hơn ba lóng tay người lớn.
Tiếp đến thì chiếp (chấp) miệng nhẹ, để cảm nhận tư vị ngọt thơm lẫn beo béo thật độc đáo đang tan chảy và trôi tuột dần. Cứ ngỡ như mình đang ăn kem vậy!
Với lại, ngoài lợi thế giữ được hương vị chân nguyên, mộc mạc của chất cá tươi, món cá hấp còn giúp tạo cảm giác lâu ớn ngán. Cũng có thể nói, loại cá này “trời sinh” đã hợp với món hấp. Hoặc, nó ưa nhóm gia vị giúp thanh tẩy nhẹ, như: hành lá, tương ngon…
Song, anh Sáu “cá”, thương lái hải sản lớn ở TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và chef Thịnh cho rằng, món cà ri nị mới “ô – kê” hơn. Trông sắc nước muỗng cà ri nổi bật màu đỏ son thật hấp dẫn. Độ béo vừa phải, với chuỗi hương vị cay thơm nồng ấm vô cùng quyến rũ.
Tuy nhiên, tôi vẫn không bình chọn món này đứng đầu bảng ngon hôm đó. Bởi vì, nó chứa cả bảng phong thần gia vị mạnh (gần chục loại: hồi, quế, đinh hương, nghệ, hạt thì là, bột ớt…). Cho nên, chúng lấn át cả hương vị “chân chính” của cá. Đồng thời, món này cũng mau ngán, do quá giàu dinh dưỡng. Bởi vậy, nó sẽ hợp với nhu cầu ăn kiểu “đánh nhanh rút gọn” hơn ngồi lai rai – “tám” đủ thứ chuyện trên đời.
Mặt khác, dùng phần đầu cá Empurau nấu riêu cũng rất thích hợp. Nồi riêu tỏa hương chua thơm, thanh thoát như mời gọi, khi áp suất bên trong đủ mạnh – đẩy nắp nồi nhúc nhích. Lạ hơn, mùi ngọt thơm đặc trưng từ mỡ cá còn lan tỏa mạnh gấp đôi so với món hấp.
Sau cùng, chef Thịnh lưu còn ý: “Đầu bếp và người ăn phải thật tinh tế mới cảm nhận hết chỗ độc đáo của loại cá vàng này. Nó hợp với các món sền sệt hoặc nhiều nước hơn món khô.”
Tóm lại, độ thống khoái từ miếng cá “Em-buông-ra”, trong buổi đầu tao ngộ thật khó tả hết bằng lời. Có thể ví von rằng, nó ngọt ngào và đậm sâu tựa như nụ hôn tình đầu. Để mỗi khi muốn “chấm mút” lại, người tinh nhạy chỉ cần nhắm mắt và… chép miệng.
Được biết, cá Empurau thuộc một chi của loài tambroides tor, được tìm thấy khắp Đông Nam Á. Nó còn được gọi là kelah hoặc belian trong ngôn ngữ Mã-Lai. Loài cá nước ngọt này, còn bơi lượn trong dòng Chao Phraya của Thái Lan và sông Mekong – ở một số nước. Có cả ở vài đoạn sông suối của vùng Tây Nguyên, Việt Nam.