Những thương vụ đấu giá đình đám từ nước ngoài các hiện vật triều Nguyễn, tranh Đông Dương, gốm Việt, sứ ký kiểu… là tín hiệu mừng khi cổ vật Việt được tôn vinh, hồi hương. Nhưng sau ánh hào quang ấy, còn lắm ngậm ngùi và bi kịch.
Những năm gần đây, cổ vật Việt lưu lạc ở nước ngoài thực sự lên ngôi, đạt giá trị cao nhất trong lịch sử giao dịch nghệ phẩm Việt xưa nay. Những cơn sóng ồ ạt tiếp nối, bắt đầu từ đồ sứ ký kiểu (sứ men lam Huế đặt làm tại Trung Hoa), rồi cổ phục triều Nguyễn, gốm Việt cổ; cho đến tranh, kiếm báu, mũ quan… được người sưu tầm trong nước rước về từ các phiên đấu giá lớn.
Nghe ngóng theo truyền thông, cảm giác nghệ phẩm Việt đang có xu hướng ăn nên làm ra, khi giá thị trường các hiện vật được đẩy cao bất ngờ, hiện kim lên đến triệu USD, euro, thu hút sự chú ý của dư luận, truyền thông và cả người trong lẫn ngoài cuộc. Các cổ vật giá trị ấy, từng có thời hẩm hiu, “cuốn gói” ra nước ngoài theo nhiều phương cách, giờ là cơ duyên hồi quốc sau những màn đấu giá khốc liệt, với mức giá ngất ngưởng, mừng hay tủi?
Thương hiệu lên giá
Trong thú vui sưu tầm, từ cổ ngoạn đến họa phẩm…, ngoài niên đại, thứ quý giá được ưa chuộng là những dòng cổ vật gắn liền với đời sống hoàng triều. Chiếc mũ đấu giá bạc tỷ vừa qua của nhà đấu giá Balclis, Tây Ban Nha là một ví dụ. Dòng cổ vật vương triều, bản thân nó đã đắt giá từ ngay khi tác tạo, và càng qua thời gian, giá trị tăng thêm, định hình thành “thương hiệu” nói riêng của những dòng đồ ngự dụng, đồ quan dụng. Hiện vật càng sở hữu lai lịch cụ thể, rõ ràng, giá trị món đồ càng thêm chất lượng.
Từ thương hiệu giai đoạn của hiện vật – trong đó có đồ ngự dụng, thương hiệu của thời kỳ lịch sử nghệ thuật – chẳng hạn tranh Đông Dương, đã định hình một đẳng cấp và tạo nên sự rượt đuổi âm thầm trong giới sưu tầm (cả “chính phái” lẫn “tà phái”).
Gọi “chính phái”, ấy là những nhà sưu tập có đam mê thực sự, họ dành cả thời gian, công sức, tiền bạc, gắn bó với thú đam mê, tìm hiểu, học hỏi, so sánh, đối chiếu, nghiên cứu những tư liệu xứng đẳng chuyên gia để định hình tên tuổi trong nghề sưu tầm, và hạnh phúc khi có cơ duyên sở hữu những hiện vật giá trị.
Ở góc độ ngược lại, đam mê của người chơi không phải ở thú phong lưu, mà có yếu tố đầu tư nhất thời. Đồ săn về chưa bán được, là nhà sưu tập; còn đồ về bao nhiêu trôi bấy nhiêu, thì thành người buôn. Đón bắt nghệ phẩm đang trong giai đoạn được thổi giá, đẩy thành phong trào, áp đặt những khái niệm như “chơi đồ sứ, mà không có sứ ký kiểu, thì chưa đủ đẳng”, hay “sưu tập tranh mà chả có bức Đông Dương nào thì còn non nghề lắm!”. Lại có cách đánh vào tâm lý tự tôn dân tộc như “chơi đồ Tàu đẳng thấp, phải chơi gốm Việt mới đỉnh cao (!?)”… Từ đó định hình một lượng không nhỏ người chơi mới, có tiềm lực kinh tế mạnh, nhưng tuổi nghề giới hạn, bị chăn dắt không thương tiếc, bởi cái gì càng có giá, đồ giả cũng tràn lan.
Những thương hiệu của đồ sứ ký kiểu, đại loại như các dòng mang hiệu đề Khánh Xuân xếp đầy cả tủ, rồi cổ phục với áo công chúa, áo hoàng hậu còn nguyên đai kiện như mới, cả bộ sưu tập vài chục tác phẩm hội họa của các cụ thời Đông Dương… thấy được trong những sưu tập tư nhân kín tiếng của Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Ninh Bình… “Thương hiệu” có vẻ xôm tụ, nhưng ở độ xác thực của hiện vật, chuyện thật giả khó lường, nên cứ hễ hỏi giới chuyên môn, từ dân buôn đến các nhà nghiên cứu, chẳng ai dại phát ngôn mà chỉ mỉm cười khó hiểu.
Vỏ bọc hoàn hảo?
Trân trọng những sưu tập chân chính, nhưng để định danh thế nào là sưu tập chân chính lại là cả câu chuyện dài, dễ gây tranh cãi. Một người thâm niên hành nghề trong lĩnh vực giao dịch cổ vật ở Hà Nội nói thẳng: “Người chơi thuần túy, cả Việt Nam chỉ số ít thôi, còn lại phần nhiều là mua mua bán bán hết. Dễ thương thì giao lưu, còn sát phạt là cài cắm, thổi giá, người chơi ngày càng nhiều, đồ vẫn có thế, lấy đâu ra lắm để phục vụ, nên nó cứ chạy quanh thôi, trước thì loanh quanh trong nước, giờ thì hôm trong nước, hôm ra nước ngoài, rồi mấy đồ Việt ở nước ngoài cuối cùng cũng quay về Việt vì chỉ có đại gia Việt Nam mới cho giá tốt nhất”.
Bao phiên đấu giá cổ vật Việt ở nước ngoài, kể cả ‘sạch’ lẫn ‘bẩn’, nhiều người chơi ngẩng mặt đấu giá thành công, trao đi tiền tỷ để cầm về không ít hiện vật đang được thổi phồng, loạn giá, thậm chí là đồ giả, với khuyến mãi là nụ cười mãn nguyện của những đầu trò trong chiêu bài tâng bốc nghệ phẩm Việt lên ngôi.
Sở hữu những hiện vật đã có sẵn thương hiệu kể trên, cũng là thứ vỏ bọc, xây dựng hình ảnh cho người chơi thêm phần đẳng cấp. Bởi mục đích cần vỏ bọc hoàn hảo, nhanh chóng, nên không ít người chơi sẵn sàng đánh đổi bằng tiền, bằng mọi giá, để mua được một giá trị mang danh văn hóa, nghệ thuật, đẳng cấp… ở mức thượng lưu.
Ở hệ chơi này, yếu tố sính ngoại, tin vào thị trường ngoại cũng là một chi tiết góp cho việc dễ dàng đánh bóng tên tuổi. Người viết từng gặp những bộ sưu tập tranh Đông Dương, người sở hữu không nói nhiều về tác giả, tác phẩm mà chỉ nói về nhà đấu giá, cùng số tiền nhiều tỷ anh bỏ ra cho phiên đấu giá ấy để sở hữu bức tranh. Sự cộng hưởng các thương hiệu của hiện vật, cùng số tiền khủng chi ra, người chơi ở hệ khoe tiền này tạo dựng thành thương hiệu cho cá nhân mình qua nghề chơi.
Tính sính ngoại, ngay trong nghệ phẩm cũng bị ảnh hưởng. Chuyện mua bán trong nước không mấy ồn ào, nhưng có yếu tố nước ngoài, chẳng hạn người Việt rao mãi không thấy gì, nhưng một anh phương Tây nhảy vào, dễ khiến không ít người đua theo rần rần. Cũng bởi cách tạo dựng thương hiệu, tô vẽ cho nghệ phẩm một cách chuyên nghiệp, thổi được giá, kích thích tâm lý khoe của, sành điệu… vậy là con mồi cắn câu ngay. Tranh Đông Dương là một trong số những nghệ phẩm không ít lần vướng vào chuyện sính ngoại như thế.
Để ý trên các thương vụ đấu giá, nhiều hiện vật giá trị, khi hồi quốc, chỉ xuất hiện kín đáo, im ắng trong sưu tập tư nhân, cũng bởi người chơi không muốn vướng ồn ào, ong ve gây nhiễu. Từ cái kín kẽ này, cũng là sơ hở để đồ giả, đồ nhái tồn tại, không ít những hiện vật đồ ký kiểu, cổ phục, tranh Đông Dương là hàng giả, len lỏi vào các phiên đấu giá, một số được phát hiện, nhưng cũng có những phi vụ trót lọt.
Một điều tế nhị trong nghề sưu tầm, ấy là khi dính phải đồ giả, chẳng ai dại gì vạch áo cho người xem lưng, mà chỉ nhăm nhe, tìm cơ hội, đẩy cục nợ ấy cho người khác. Những hiện vật cổ phục, làm giả từ Việt Nam, những lò sản xuất tranh Đông Dương giả, đồ sứ ký kiểu triều Nguyễn niên đại những năm 2000 được cho xuất ngoại, lặn vào những phiên đấu giá nhỏ lẻ, ít tên tuổi, và giăng bẫy, bày binh bố trận cho các nhà sưu tập mới vào nghề, mua lại từ phiên đấu giá, thậm chí đỉnh hơn là mua lại từ người trúng giá của phiên đấu giá ấy với một mức cao hơn, để món đồ khi hồi hương, mèo vẫn lại hoàn mèo.
Có điều, kể cả đồ thật, đồ giả, người hưởng lợi vẫn ở số đông nước ngoài, còn luẩn quẩn vẫn là người mình “thịt” người mình. Để rồi, cổ vật thực chuẩn, khi ra đi bị gọi là “chảy máu”, giờ người chơi tốn chi phí khủng để đưa hiện vật hồi hương, nhưng kéo theo đằng sau ấy là những chiêu trò, ma mánh để rồi thêm một lần “chảy máu” nữa ở cả về mặt giá trị, kinh tế, thời gian, mà nghề chơi vẫn không lên tầm thương hiệu như mong đợi.
Câu chuyện đấu giá nghệ phẩm, được định giá ngoài sức tưởng tượng, ở góc độ xã hội, đấy là giao dịch thuận mua vừa bán, và đáng được tôn trọng. Chỉ có điều, nếu nghệ phẩm Việt Nam, được các nhà đầu tư nước ngoài săn lùng điên cuồng như giới chơi trong nước, mua với giá ngất ngưởng trời mây, ấy mới là chuyện đáng mừng. Còn như bao phiên đấu giá cổ vật Việt ở nước ngoài, kể cả ‘sạch’ lẫn ‘bẩn’, nhiều người chơi ngẩng mặt đấu giá thành công, trao đi tiền tỷ để cầm về không ít hiện vật đang được thổi phồng, loạn giá, thậm chí là đồ giả, với khuyến mãi là nụ cười mãn nguyện của những đầu trò trong chiêu bài tâng bốc nghệ phẩm Việt lên ngôi.