Không chỉ nổi tiếng trong những câu chuyện cổ tích của hai anh em Grimm, khu vực Rừng Đen Schwarzwald của Đức, cụ thể là bang Baden -Wurttemberg ở phía Tây Nam nước này, còn được biết tới là xứ sở của một loại đồng hồ hết sức xinh đẹp, vui nhộn.
Đó là đồng hồ chim cu nhờ ở trên đỉnh có một chú chim cu, bồ câu, gà trống hay một số con vật bé nhỏ khác, mỗi giờ lại cất tiếng kêu lảnh lót, đánh thức mọi người tỉnh dậy để làm việc, học tập. Người Đức rất yêu đồng hồ chim cu vì chim cu báo hiệu sự sống mới, ánh nắng, mùa xuân ấm áp và những sinh hoạt rộn rã của dân gian sau một thời gian dài là những ngày đông buồn tẻ, lạnh lẽo. Với hình ảnh chim cu, họ mong muốn rằng, lúc nào cũng là mùa xuân tươi đẹp, vui vẻ và hạnh phúc, tràn đầy tiếng chim ca và hơn thế thời gian có thể ngưng đọng lại, tái hồi đều đặn với sự xuất hiện của đàn chim.
Trong rất nhiều thế kỷ, nông dân ở Đức, đặc biệt là quanh Rừng Đen, luôn phải ở lỳ trong nhà, đợi cho những ngày đông dài lê thê trôi qua, rồi mới mở cửa ra đồng trồng trọt, cấy hái. Một lần, hồi tưởng lại những ngày tháng nắng ấm với cảnh đi hái hoa, nhặt nấm, săn bắn chim thú trong rừng và nhớ tới một nhà toán học người Hy Lạp cách đây 2.100 năm đã làm ra một chiếc đồng hồ có cảnh động vật sôi nổi, một thợ mộc ở ven rừng đã nảy sinh ý tưởng tạo nên một chiếc đồng hồ cơ học mà dùng chim cu, biểu tượng của mùa xuân để báo giờ, nhất là 12 giờ trưa của mỗi ngày, đánh thức lũ trẻ và cả người lớn say ngủ tỉnh giấc làm việc nhà.
Kể từ chiếc đồng hồ đầu tiên vào năm 1629, tới năm 1730, người ta mới sản xuất được hàng loạt đồng hồ chim cu, thế nhưng công việc rất suôn sẻ và tới nay đã kéo dài gần 300 năm. Sở dĩ họ làm được việc ấy, vì Rừng Đen có rất nhiều thứ gỗ để dựng nhà, ví dụ như gỗ thông để xây lên những ngôi nhà 3 tầng bằng gỗ dân gian đang ở và để đóng nhiều thứ đồ đạc cũng như chế tác các tác phẩm thủ công mỹ nghệ, mà đồng hồ chim cu là một đơn cử.
Cả chiếc đồ hồ nói chung đều được chế từ gỗ, song nhiều nhất vẫn là bộ khung hay mặt đồng hồ với rất nhiều phù điêu và tượng điêu khắc tinh xảo hình hoa lá, con vật, con người trong các sinh hoạt đa dạng, thường nhật như đốn củi, giặt giũ, nấu nướng, ăn uống, đánh xe, ca múa, vui chơi… Tất cả xoay quanh một ngôi nhà ba tầng, cao vút và tùy từng bầng bậc sẽ có những cảnh tượng rất thú vị về thiên nhiên lẫn xã hội.
Bên trong chiếc đồng hồ dĩ nhiên là các bộ máy, gồm các bánh răng và trục chuyền giúp quay kim đồng hồ; các lò xo để đóng mở cửa tổ chim, các cái búa, thanh la để gõ ra nhạc và tiếng chuông… Cứ một tiếng đồng hồ, từ một ô cửa nhỏ trên cao, chú chim cu sẽ xuất hiện, ngó ra ngoài, đồng thời trong đồng hồ cũng reo chuông, phát ra những tiếng kêu cúc cu cúc cu cùng nhiều thanh âm ngân nga, vui tai. Hót xong, chú chim lại lui vào trong và cửa sổ đóng kín, đợi một tiếng sau lại mở rộng. Cũng có khi đó không phải là một chú chim hót báo giờ, mà là một con sóc, gấu, bò hay một nhân vật đang làm gì, song đều tạo nên những khúc nhạc hết sức trầm bổng- réo rắt, và cứ đổ dồn từng hồi trong khoảng 50 giây tới hai phút.
Có tới 2 loại đồng hồ chim cu gáy vang. Một loại là đồng hồ phải lên giây cót hàng ngày, và loại kia là tám ngày. Điều đó có nghĩa là nếu không vặn cót thì sau 24 giờ hoặc cá biệt 8 ngày, đồng hồ sẽ không còn cho chim cử động và hót được nữa do vòng quay của nó đã hết. Những đồng hồ nhỏ thường phải lên giây hàng ngày, còn đồng hồ lớn thì mỗi tuần một lần.
Từ hình dạng phong phú, người dân cũng chia đồng hồ chim cu thành 3 kiểu: kiểu đồng hồ Chalet lấy cảm hứng từ nông trang, sơn trại với rất nhiều mảng khối chạm trổ công phu, thường khai thác các chủ đề như nhà trong Rừng Đen, nhà trên núi Alps và vườn bia Bavaria. Ở đó, chim thú vây quanh ngôi nhà của bạn, tác động vào từng lĩnh vực đời sống hoặc mọi người vui say trong các bữa tiệc đình đám, nhảy múa tưng bừng.
Kiểu đồng hồ Shield lại chú trọng đến các họa tiết in vẽ sặc sỡ và có bề mặt phẳng rộng như một cái khiên, thay vì một túp lều xù xì. Và kiểu Antique là kiểu khai thác những nét đẹp cổ xưa, hoặc về thiên nhiên hoang dã, ví dụ như những con hươu, gấu, sóc, gõ kiến nghỉ ngơi bên những gốc cây cổ thụ hay những khóm hoa bồng bềnh hoặc về con người trung cổ trong các sinh hoạt lễ giáo trang trọng. Dù thuộc kiểu gì, mỗi cái trên đều là những chiếc đồng hồ quả lắc truyền thống của Đức, mang dấu ấn của rừng già, của lối sống dân gian hồn hậu, chất phác, gần gũi với môi trường.
Để lưu giữ truyền thống chế tác đồng hồ chim cu và giúp mọi người hiểu biết về tác phẩm thủ công này của Đức, ngoài việc mở trường dạy học tiền phong vào giữa thế kỷ 19 tại thị trấn Furtwangen, nhiều nơi cũng mở các bảo tàng về đồng hồ chim cu cổ kim nhằm thu hút du lịch. Mỗi cái xưởng chế tác cũng thường được xây dựng với phần mặt tiền như một chiếc đồng hồ chim cu đại. Vì sự cầu kỳ, đặc sắc, mỗi chiếc đồng hồ chim cu của Đức đều có giá trị rất cao, tới vài trăm đô la.
- Xem thêm: Khám phá Rừng Đen nước Đức