Ở Việt Nam, mấy năm gần đây loại hình du lịch này cũng bắt đầu được chú ý bởi nhiều du khách trong nước và được xem là có tiềm năng để thu hút khách quốc tế.
Khái niệm du lịch thiền bắt đầu được biết đến rộng rãi từ năm 2002, sau khi World Cup được tổ chức tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong thời gian diễn ra giải bóng đá lớn nhất hành tinh này, chính quyền Seoul kêu gọi các nơi cung cấp chỗ ở cho du khách và được nhiều nơi, trong đó có chùa Mihwangsa (cách thành phố Seoul khoảng 300km về phía tây nam) hưởng ứng. Từ đó, xu hướng “lưu trú ở đền chùa” (templestay) được phát triển ngày càng rộng rãi ở Hàn Quốc. Giờ đây, mỗi ngày tại chùa Mihwangsa luôn có hàng chục du khách Hàn Quốc và khách quốc tế lưu trú. Sau những buổi tịnh tâm, du khách có thể đi ngoạn cảnh, tìm hiểu văn hóa và thưởng thức trà, chiêm ngưỡng các kiến trúc tôn giáo hay tham gia hoạt động công quả ở chùa, đàm đạo cùng các nhà sư… Ngoài việc cân bằng lại đời sống tinh thần, tham gia chương trình này du khách còn có dịp mở rộng tầm nhìn về khía cạnh văn hóa của nước sở tại. Trong mười năm sau đó, hơn 2 triệu lượt du khách đã lưu trú tại hàng trăm đền chùa ở Hàn Quốc với hơn 10% là du khách nước ngoài. Từ năm 2004 đến nay, chính quyền Hàn Quốc đã dành khoảng 99 triệu USD để phát triển chương trình “templestay” nhằm quảng bá văn hóa truyền thống Hàn Quốc.
Núi Yên Tử, một nơi lý tưởng để phát triển du lịch thiền
Càng ngày, xu hướng du lịch kết hợp thực tập thiền định càng lan rộng tại nhiều nước Tây Âu, Bắc Mỹ và Đông Bắc Á mặc dù giá của các tour này cao hơn đa số các chương trình thông thường. Đặc biệt, tại các quốc gia công nghiệp phát triển, ngày càng có nhiều người coi việc tham gia vào các loại hình nghệ thuật mang tính thiền, hay các chương trình du lịch thiền là những hoạt động thiết yếu. Số liệu thống kê của Tổ chức du lịch quốc gia Nhật Bản cho thấy, hằng năm, nhờ vào việc tổ chức cho khách du lịch tham gia vào các chương trình du lịch thiền, ngành du lịch Nhật Bản đã thu tới 30 tỉ USD. Tiếp sau Nhật Bản, giới du lịch Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan cũng đã bắt tay vào tổ chức du lịch thiền và đạt được nhiều thành công. Hiện nay, Trung Quốc nổi tiếng với chương trình du lịch tham quan, tập võ, dưỡng sinh và tìm hiểu về cuộc sống của các thiền sư Thiếu Lâm. Thái Lan thì thu hút khách du lịch thiền thông qua chương trình Thailand Zen tour (tour đã được bán tại Việt Nam).
Là nước có bề dày văn hóa Phật giáo lâu đời, hiện nay nhiều du khách Việt Nam, đặc biệt là cư dân của các thành phố lớn có nhu cầu muốn tham gia vào các hoạt động du lịch mang tính thiền. Nếu chương trình du lịch thông thường là dẫn du khách tham quan chùa thì du lịch thiền phải giúp du khách quan sát và tham gia được vào cuộc sống sinh hoạt của các thiền sư, thưởng thức và chiêm ngưỡng những nét đặc sắc của các loại hình nghệ thuật thiền như cắm hoa, trà đạo, bonsai, ẩm thực… Điều này gợi mở một hướng mới giúp du lịch Việt Nam có thể làm tăng tính hấp dẫn của các điểm đến, mở rộng các hoạt động nhằm phục vụ phát triển du lịch thiền, tiến tới xây dựng các chương trình du lịch chuyên biệt mang tính thiền.
Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 120 thiền viện, trong đó có những cái tên đã khá quen thuộc trong các chương trình du lịch như chùa Dâu (Bắc Ninh), chùa Bà Đá, chùa Trấn Quốc (Hà Nội), Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc), Bích Động (Ninh Bình), Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh), Từ Đàm, Thiên Mụ, Từ Hiếu (Thừa Thiên – Huế)… Một địa phương có nhiều thế mạnh về du lịch là Bà Rịa – Vũng Tàu đã có kế hoạch thành lập khu du lịch văn hóa thiền tại Thiền viện Chơn Không với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 30 tỉ đồng. Theo đó, khu du lịch văn hóa thiền này sẽ có vườn đá Phương Đông, khu thiền Yoga, khu biểu diễn thư pháp, khu giới thiệu và nấu các món ăn chay, khu vườn thuốc Nam chữa bệnh miễn phí, khu xây dựng tượng đức Phật, bảo tàng Phật giáo, khu trà đạo.
Hướng đi này hứa hẹn sẽ mang lại kết quả tích cực bởi lẽ việc phát triển du lịch thiền sẽ không chỉ góp phần làm phong phú thêm các loại hình sản phẩm du lịch của Việt Nam mà còn là cách để bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị của những di sản văn hóa truyền thống có liên quan đến Phật giáo.
Cẩm Tú tổng hợp