Đô thị thiếu không gian công cộng, đô thị chen chúc “khu ổ chuột”, đô thị không việc làm, đô thị – phòng ngủ… qua đại dịch COVID-19 đã “vỡ ra những điểm yếu nhất” khi soi vào hệ thống đô thị hiện nay. Trong nhiều nội dung cần nghiên cứu, bài này chỉ đặt vấn đề lựa chọn xây dựng mô hình “Đô thị đại học” như một xu thế mới, có thể gợi mở cho Bình Dương khi kết nối với thành phố sáng tạo Thủ Đức (TP.HCM), để trở thành một hành lang đô thị tri thức trong vùng Đông Nam bộ.
“Mỗi thành phố phải dựa trên chiến lược riêng của địa phương. Sự phức tạp của tri thức cần được dựa vào nguồn lực và đặc thù địa phương nhưng lại cần kết nối nguồn vốn tri thức của vùng và chính sách vùng” (Kunzmann, 2012).
Trở thành “không gian mở” của tri thức
Mặc dù khái niệm thị trấn đại học (college town) đã phát triển từ thời Trung cổ châu Âu, nhưng nó chỉ thực sự trở thành một trào lưu khi nhân loại bước vào cuộc cách mạng 4.0 với sức mạnh tri thức được kích hoạt gấp bội. Sáu thành phố lớn ở Mỹ đã chuyển từ trạng thái “thị trấn đại học” thành “thành phố đại học” (university city): Madison, Ann Arbor, Fort Collins, Durham – Chapel Hill, Lincoln và Lexington là một ví dụ. Những khái niệm “thành phố/đô thị thông minh, sáng tạo…” ra đời, trong số đó mô hình đô thị đại học, nhìn từ góc độ kinh tế, thực sự trở thành không gian kinh tế tri thức – “thành phố sản xuất tri thức” dựa trên nền tảng của sáng tạo, được hình dung như sau:
Về không gian: Loại thành phố này thường tọa lạc trên một diện tích rộng lớn, có thể là một trường đại học đa ngành là trung tâm hoặc quy tụ nhiều trường đại học đơn ngành, các trường này là những bộ phận cấu thành một thành phố đại học. Đó là một không gian hoàn chỉnh đa chức năng, bao gồm không gian học thuật, nghiên cứu – phát triển; không gian dịch vụ và không gian giao tiếp văn hóa – thể thao – nghệ thuật.
Giữa các trường đại học không tồn tại quan niệm đất của trường này hay trường kia, không có ranh giới cứng tường xây, hàng rào kín cổng cao tường, mà kết nối theo hệ thống các không gian mở. Đặc biệt, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật như đường sá, xe buýt nội bộ, cấp thoát nước, hệ thống điện, xử lý rác thải, vệ sinh môi trường được kết nối liên thông với nhau theo tính chất của một đô thị thông minh.
Tương tự, hệ thống khu ở và dịch vụ công cộng như ký túc xá, nhà ăn, nhà hát, câu lạc bộ, siêu thị, bệnh viện, sân thể thao, hệ thống phục vụ đào tạo (phòng thí nghiệm, thư viện, hội trường, nhà thi đấu…) cũng như không gian xanh (công viên, rừng sinh thái, khu vui chơi giải trí) đều là của chung, không phân biệt “công dân” trường này hay trường kia được sử dụng.
Về nhân khẩu: Các dữ liệu cho thấy sinh viên chiếm ít nhất 10% dân số thành phố, tỷ lệ những người có bằng cử nhân trở lên ở khoảng 42% so với mức trung bình 29% (ở Mỹ). Các nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ có trình độ học vấn cao hơn giúp tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn, thu nhập của họ cũng cao hơn mặt bằng chung (đối với cả những người có bằng cử nhân và những người có bằng trên cử nhân).
Về văn hóa: Chính trình độ học vấn của công dân loại thành phố này đã tạo cho họ nhu cầu cao trong thụ hưởng nghệ thuật và văn hóa, thúc đẩy sự hình thành đa dạng các thể loại nghệ thuật mới đáp ứng sự lựa chọn giải trí phong phú cho công dân thành phố. Ở Mỹ, các thành phố đại học có nhiều hơn 26% cơ sở văn hóa và nghệ thuật tính trên một nghìn cơ sở (so với mức trung bình của 15 thành phố lớn nhất quốc gia này).
Về kinh tế: Các đô thị đại học thường thuộc nhóm các thành phố “có sự sống động kết nối và thu hút các nguồn lực chất xám, chỉ có thể thấy ở các thành phố lớn nhất của quốc gia”. Điều này được phản ánh bởi tỷ lệ trình độ học vấn cao, tập trung được số đông các doanh nghiệp mới bắt đầu khởi nghiệp, có mức tăng trưởng kinh tế khá và chống chịu tốt trước những cơn suy thoái. Nhận định chung từ một số nước phát triển, có ba điểm tạo nên sự khác biệt của thành phố đại học khi so sánh với các thành phố lớn là: chi phí sinh hoạt thấp, tỷ lệ thất nghiệp thấp và tỷ lệ tội phạm bạo lực thấp.
Tại sao là Bình Dương kết nối TP. Thủ Đức?
Ngoài khó khăn đầu tiên dễ thấy, Bình Dương dường như khó tạo ra các đô thị đại học do không dự trữ quỹ đất đủ cho chức năng này và đã chịu sự chia cắt các chức năng đô thị tích lũy trong quá khứ. Nhưng khi Bình Dương kết nối TP. Thủ Đức có thể thiết lập một hành lang kinh tế tri thức cho vùng TP.HCM, và cả hai có nhiều thuận lợi chuyển mình để gắn với kinh tế tri thức:
Thứ nhất, Bình Dương – Thủ Đức nằm sát thành phố “Mẹ” – TP.HCM, kết nối TP. Thủ Đức để có đầu ra cho lượng lớn sinh viên sau tốt nghiệp, khi mà nhu cầu về nguồn nhân lực trí thức rất cấp thiết cho vùng TP.HCM.
Thứ hai, Bình Dương – Thủ Đức hiện có hàng chục trường đại học, cao đẳng. Đặc biệt Chính phủ đã chọn vị trí xây dựng Đại học Quốc gia TP.HCM mới nằm trên đất Bình Dương, với một phần của thành phố sáng tạo Thủ Đức (TP.HCM) và Dĩ An (Bình Dương), có diện tích 643,7 ha theo mô hình đô thị khoa học hiện đại. Điều này mang đến các lợi thế cạnh tranh cho Bình Dương trong mối quan hệ lân cận với TP.HCM để phát triển “nền kinh tế đại học” đã được triển khai khá mạnh mẽ.
Thứ ba, Bình Dương – Thủ Đức đang sở hữu hạ tầng kỹ thuật, xã hội khá nhất trong các tỉnh, thành liền kề TP.HCM, và đã nhiều năm nằm ở top đầu những địa phương có thành tích công nghiệp hóa, là tiền đề để đẩy nhanh kinh tế hậu công nghiệp. Việc phát triển kinh tế tri thức đi đôi với ứng dụng tiến bộ công nghệ là xu hướng không thể đảo ngược ở đây, nếu muốn tiếp tục phát triển.
Thứ tư, hiện riêng Bình Dương có hơn 50.000 doanh nghiệp với 1,2 triệu người lao động chủ yếu là công nghiệp. Bình Dương có nhiều đột phá phát triển đời sống của người lao động với loại nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp khi có 65.000 căn hộ chỉ 3 triệu đồng/m2. Đó là kết quả của sự đổi mới tư duy để cho ra đời dạng “đô thị đầu tư hợp lý” vì chính người bản địa, những người lao động bình dân đang sinh sống và đóng góp cho phát triển mới, nên nhiều người trong số họ đã có nhà ở đô thị. Đây là nguồn lực tiềm năng cho phát triển đô thị đại học trong tương lai khi con em họ bước vào đại học.
Bình Dương dễ dàng mở ra một không gian tri thức cho công nghiệp và cả công nghệ cao bằng mô hình cộng sinh giữa các công ty và đại học, do đã có cơ sở của mối quan hệ giữa các công nghiệp sáng tạo gắn với hoạt động tại giảng đường và các phòng nghiên cứu.
Phát triển khăng khít, gắn bó hữu cơ hơn giữa các trường đại học ở ngoại vi các vùng trọng điểm công nghiệp trong tương lai, chính là nhờ vào khả năng cung cấp nhân lực và cải tiến dây chuyền phân công lao động. Hai tổ chức này (đào tạo và sản xuất – nghiên cứu và chuyển giao) dường như chuyên biệt hóa, nhưng lại có mối quan hệ cộng sinh quan trọng trong bản chất phát triển.
Bởi chính các trường đại học vừa là mục tiêu, vừa là chìa khóa cho chính sách phát triển chuyển đổi hậu công nghiệp ở mọi cấp độ. Nên cần hiểu rằng, động thái di dời trung tâm đô thị thành trung tâm tri thức, không phải là một sự tổ chức không gian thuần túy vật lý, mà là sự thay đổi về mặt chất lượng đô thị do nhận thức được sự gắn kết đích thực giữa đại học – nghiên cứu với công ty – đổi mới công nghệ, và sự cải tiến kinh tế này đem lại sự đổi mới kinh tế. Nó cần chính sách dẫn hướng từ chính quyền và sự tham gia của xã hội.
Đô thị đại học là hạt nhân nghiên cứu – sáng tạo và chuyển giao
Chúng ta đều biết quan trọng hơn cả những giải pháp công nghệ (được hiểu ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm giải quyết những tình huống trong đời sống đô thị một cách thông minh) là phải hình thành được xã hội với những công dân thông minh. Công dân đô thị thông minh là người biết sử dụng những lợi thế của công nghệ 4.0 để xây dựng tầm nhìn tổng quan cho mình, định hướng phát triển cá nhân để tạo thời cơ và hành động trong thời cơ.
Vậy, sở dĩ nói đô thị đại học Bình Dương – Thủ Đức sẽ là hạt nhân phát triển vùng TP.HCM, trước hết vì ưu điểm nhân khẩu của nó. Đó là nơi định cư các giới sinh viên, trí thức giảng viên, khoa học kỹ thuật, kinh doanh công nghệ… những cộng đồng người có khả năng hấp thụ và ứng dụng các yếu tố kỹ thuật số (cho thực tại ảo) 4.0, 5.0 ở mọi nơi, mọi lĩnh vực. Tức là ngay từ trong các hoạt động học tập, sinh kế của các nhóm nhân khẩu này đã luôn cộng sinh với những tiến bộ công nghệ để hình thành nền kinh tế sáng tạo.
Vấn đề còn lại là chính quyền cần cổ vũ, thiết lập cơ chế cho sự kết nối, tương tác “những dòng tư duy phong phú đó” để tạo ra các sản phẩm vật thể và phi vật thể. Bởi “Nó (tri thức) được làm giàu lên và tăng chất lượng khi số lượng kỹ sư, nhà khoa học hoặc các nhà thực nghiệm, công nghệ học cách sử dụng tri thức” (Foray, 2009). Cần có thể chế cho phép các hoạt động đó được liên tục vận hành thông qua mô hình đô thị được gọi là đô thị tri thức, mà đô thị đại học là bước đi đầu tiên của nền kinh tế này.
Loại đô thị đặc thù này cần được khởi đầu bằng vai trò nhà nước đầu tư tập trung lớn và khai thác hiệu quả (thông qua các chính sách đầu tư công vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật và vật chất cơ bản). Đến khi các trường đã liên thông với nhau thành hệ thống, khi hạt nhân đô thị đại học đã hình thành, thì đương nhiên những nhà đầu tư tư nhân có thể yên tâm đổ tiền kinh doanh các dịch vụ chất lượng cao, có khả năng sinh lời như các “hubs” (trung tâm) sáng tạo, truyền thông giải trí, nhà ăn, ký túc xá sinh viên, siêu thị, bệnh viện, xe buýt… Và tất nhiên các khu dân cư ăn theo nó chắc chắn sẽ phát triển, có “nồi cơm” từ nền kinh tế tri thức, bền vững hơn, lan tỏa ra các vùng lân cận và ra quốc tế.
Ở nước ta, trên nền cảnh các “khu đô thị mới” (chủ yếu là chia lô bán nền) xuất hiện tràn lan, nghèo nàn từ chức năng, kiến trúc đến cảnh quan và không có “nồi cơm” đô thị… thì mô hình đô thị đại học có thể là một lựa chọn mới với nhiều triển vọng.