Là một trong những sáng lập viên, gắn bó với Hiệp hội Doanh nghiệp Việt kiều tại TP. Hồ Chí Minh từ những ngày đầu thành lập, rồi được anh em tín nhiệm giao giữ chức chủ tịch Hiệp hội, ông đã “tả xung hữu đột”, vượt qua những khó khăn về cơ chế để tạo niềm tin cho nhiều doanh nhân Việt kiều yên tâm làm ăn tại quê nhà. Dù ông tự nhận là không ham hố chức vụ, chỉ muốn được rảnh tay chuyên tâm làm công việc mình yêu thích, tùy hứng mà du sơn ngoạn thủy, nhưng anh em đã giao phó thì phải làm đến nơi đến chốn cho hết trách nhiệm của mình. Ông là vậy, lúc nào cũng quen trải lòng, sống chân thành với mọi người như chính cái tên mà cha mẹ đã đặt cho.
Một buổi sớm, xuôi phà Thủ Thiêm qua quận 2, cảm giác thật yên bình khi bước chân qua ngõ trúc rợp bóng mát rượi dẫn vào cổng Làng Tôi. Gió từ sông Sài Gòn thổi mơn man, rung rinh mấy khóm lau sậy, làm trái bần chín rụng xuống bãi bùn, lũ cò trắng muốt đậu trên cây giật mình vỗ cánh bay xao xác. Người đàn ông ở độ tuổi lục tuần, chủ nhân của Khu du lịch sinh thái Làng Tôi vừa chạy xe đi thăm vườn về, buông tay lái, với chiếc tẩu thuốc rít một hơi, nheo mắt cười trong làn khói thuốc mờ mịt. Dáng người tầm thước, nụ cười rộng mở trên khuôn mặt đôn hậu, giọng Nam bộ rặt, ông khiến cho người đối diện có cảm giác thân thiện, dễ mến ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên. Khó hình dung ra một người làm việc rất mực nghiêm túc, quy củ theo cách quản trị nước ngoài, không ngại tranh luận đến cùng một vấn đề vì cái chung trong công việc thường ngày lại có thể say sưa nói về nghệ thuật, về cái đẹp với một tính cách lãng mạn rất nghệ sĩ đến thế.
____
Chào ông, khung cảnh Làng Tôi thật tuyệt…
Cảm ơn, vậy là tôi thấy mình không phí công, vì có thêm một người bạn đồng điệu (cười sảng khoái). Tôi có thói quen dậy sớm uống tách trà rồi đọc sách. Vừa mới chạy xe một vòng thăm vườn, xem cây cối, chim chóc. Không khí buổi sớm ở đây trong lành, dễ chịu lắm. Lâu lâu có việc phải đi xa vài ngày là tôi thấy nhớ không chịu được.
____
Trông ông rất giống với một người “nhàn cư quy ẩn”, không có vẻ là một người cầm trịch của Hiệp hội Doanh nghiệp Việt kiều với rất nhiều việc phải làm.
Tôi rất khoái mấy câu thơ của cụ Nguyễn Công Trứ: “Chí làm trai nam bắc đông tây, cho thỏa sức vẫy vùng trong bốn bể…”. Mỗi người sinh ra trên đời chỉ là một đơn vị nhỏ bé trong trái đất này. Cha mẹ là người tạo cho mình hình hài, cuộc sống xung quanh mình còn có anh em, bạn bè và bao người khác nữa. Trong vũ trụ, tất cả đều có sự tương tác qua lại, không ai có thể sống một mình được. Là con người thì không thể không nghĩ tới trách nhiệm và cố gắng hoàn thành trách nhiệm ở mỗi giai đoạn của cuộc đời do mình đặt ra. “Nhàn cư quy ẩn” là được tự do làm những việc mình thích chứ không phải trốn đời, bởi sống mà không có bạn bè thì dù ở đâu cũng buồn lắm.
Những năm trước, anh em Việt kiều tụi tôi vẫn thường gặp nhau, cũng có bàn đến việc nên có một tổ chức để mọi người có chỗ lui tới, trao đổi tin tức… nhưng chưa làm được vì thủ tục còn khó khăn lắm. Đến năm 1999, nhân dịp Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào TP. Hồ Chí Minh, ăn Tết với lãnh đạo của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài và một số Việt kiều ở Khách sạn Majestic (lúc đó còn gọi là Cửu Long), mọi người góp ý kiến, cuối cùng thống nhất nên thành lập một hiệp hội để làm công tác kiều bào. Thủ tướng rất ủng hộ, tán thành ý kiến này, tìm mọi cách giúp đỡ để có được giấy phép. Chính Thủ tướng là người đã khai sinh ra Hiệp hội. Lúc thành lập mới có 28 người, tôi là một trong các sáng lập viên. Vẫn biết “chín người mười ý”, nhưng công việc là cái chung, không thể để sự yêu ghét riêng làm ảnh hưởng. Cũng may anh em trong Hiệp hội đều là chỗ thân tình, hiểu rõ tính ý nhau nên dù có tranh cãi thì sau cùng vẫn tìm được sự thống nhất.
Sống mà không có bạn bè thì dù ở đâu cũng buồn lắm.
____
Tôn chỉ, mục đích hoạt động của Hiệp hội hoàn toàn là phi lợi nhuận, vậy Hội lấy kinh phí ở đâu để trang trải?
Đúng là Hiệp hội hoạt động phi lợi nhuận nên nguồn thu ban đầu chỉ từ phí hội viên góp vào. Cách đây 3 năm, anh em hội viên có mở Công ty Cổ phần đầu tư Việt kiều (OVIC), có nhiều hoạt động kinh doanh như địa ốc, dịch vụ, giải trí…, cũng tạo được một nguồn thu cho Hiệp hội. OVIC mới khai trương nhà hàng thức ăn nhanh trong siêu thị Co-op Mart ở Cần Thơ, được đông đảo cư dân Tây Đô đón nhận. Chúng tôi rất phấn khởi, dự định sẽ phát triển vệ tinh mô hình này cùng Co-op Mart ở các tỉnh, thành khác để tạo nguồn vốn đầu tư vào các công việc mang tính chất lâu dài.
____
Bỏ ra khá nhiều thời gian và công sức để xây dựng Làng Tôi, nay đã tương đối hoàn chỉnh nhưng vẫn chưa thấy ông chính thức khai trương. Tại ông kén khách hay ông không chủ trương làm vì kinh tế?
Tôi muốn làm cái gì đó để lại cho thế hệ sau, chứ không nghĩ chỉ làm cho bản thân mình, vì quỹ thời gian còn lại của cuộc đời tôi không nhiều (cười). Tôi xuất thân từ làng quê nghèo khó, ký ức của tuổi thơ là một phần đời không thể nào quên đối với tôi. Nhưng cuộc sống với quy luật phát triển, nếu cứ sống thiếu thốn, cơ cực mãi thì tội dân mình, không ai muốn như thế cả. Năm 1988, khi tôi mua mảnh đất 5,7 hecta này thì nó chỉ là một khu đầm lầy, hầu như tôi bắt đầu mọi việc từ con số không, chỉ có ý tưởng để thực hiện. Tôi muốn xây dựng nơi đây thành một làng quê thu nhỏ để tâm hồn mình được thư giãn bằng hoài niệm, hòa quyện cảnh sắc quê hương mà tôi luôn yêu mến, và cũng để chia sẻ cùng nhiều người đồng điệu nữa. Cả người nước ngoài sang ta du lịch, muốn biết được làng quê thật có khi họ phải đi rất xa. Tôi nghĩ khách du lịch sẽ rất thích nếu biết giữa TP. Hồ Chí Minh cũng có một khung cảnh làng quê, lại được tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, cuộc sống của người Việt Nam. Thêm vào đó, các nhà nghỉ đều rất hiện đại, nhất là vấn đề vệ sinh đều đúng tiêu chuẩn mà người nước ngoài chấp nhận được.
Quyết định đầu tư vào công trình này, biết rằng sẽ mất nhiều thời gian và công sức nhưng tôi rất vui, thấy mình như được đền đáp xứng đáng về tinh thần. Chỉ là tinh thần thôi, bởi nếu tính cái công làm du lịch sinh thái như tôi, phải tìm gom về trồng từ cái cây như tre, trúc, lau sậy, cây bần, cây khế, hoa mua… để dụ cò về xây tổ thì làm sao đặt vấn đề làm kinh tế được! Toàn là những loại cây trái mộc mạc, dân dã của miền quê, cả cây hoa sữa, vải thiều đặc trưng của miền Bắc. Có nghĩa là Làng Tôi đáp ứng xu hướng chung của thế giới, ngày càng đi gần với thiên nhiên nhưng qua bàn tay con người thì ẩn vào đó những cái hiện đại, có thể ngồi dựa gốc cây trong vườn mà mở laptop truy cập thông tin toàn cầu. Bây giờ giai đoạn đầu đã tương đối hoàn tất nhưng tôi chưa vội khai trương, cần thêm thời gian để các loại sinh vật thích nghi, làm quen với con người hơn. Tuy vậy, tôi vẫn mở cửa đón khách theo yêu cầu. Mấy năm qua, năm nào tôi cũng tiếp hội đồng hương các tỉnh như Đà Nẵng, Quảng Trị, Trà Vinh, Đồng Tháp… về đây cùng hàn huyên tâm sự, ôn nghèo kể khổ với nhau.
Có lẽ khi Làng Tôi được xây dựng hoàn chỉnh thì nó đã thuộc về… thế hệ sau rồi. Nhưng tôi tin rằng người Việt Nam nào đến đây cũng sẽ tìm thấy một cái gì đó giống như là làng quê của họ. Được thế là tôi đã thỏa tâm nguyện.
Tôi nghĩ khách du lịch sẽ rất thích nếu biết giữa TP. Hồ Chí Minh cũng có một khung cảnh làng quê.
____
Xây dựng Làng Tôi cực như vậy sao ông không chọn cuộc sống ở nước ngoài, làm việc đúng chuyên môn quản trị, chỉ thi thoảng về thăm quê hương?
Tôi xuất thân từ nhà quê, lớn lên ở làng Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, là vùng nước mặn đồng chua, đồng khô cỏ cháy, thời chiến tranh chẳng có ai giàu, đất cũng không có thì lấy gì trồng tỉa làm ăn. Nhưng trong cái khổ ấy tôi vẫn được dạy dỗ nên người. Chính nền tảng văn hóa là cái gốc cho sự bền vững trong kinh doanh cũng như nhiều việc khác. Tôi vẫn thấy mình là một anh nông dân làm kinh tế.
Tôi nghĩ mỗi người có một nhân sinh quan khác nhau. Cuộc đời thì hữu hạn, mà thú vui của cuộc đời là làm được những công việc mình yêu thích, có giá trị để lại cho thế hệ sau. Tôi may mắn từ nhỏ sống trong gia đình đã được dạy kỹ về đạo đức, tôn ti trật tự theo phép lễ giáo xưa của ông bà, đặc biệt là tình cảm của cha mẹ – con cái, điều chỉ tìm thấy trong bản sắc văn hóa của Việt Nam. Khi ra sống ở nước ngoài, tôi mới nhận ra rằng mình yêu biết bao nhiêu cuộc sống ở quê nhà, có gia đình, cha mẹ, anh em. Năm 1984, tôi trở về Việt Nam lần đầu tiên, sau đó thì đi về giữa Việt Nam, Canada nhiều lần, còn bây giờ ở Việt Nam thường xuyên hơn. Tôi là người sống tình cảm, phải thiếu vắng tình cảm gia đình đối với tôi là một mất mát lớn. Đó là động cơ đầu tiên khiến tôi quyết định trở về quê hương, sống trong cội nguồn của mình. Tôi nhận thấy đấy là cái được lớn nhất của đời mình. Rồi tôi nghĩ mình cần phải làm những chuyện khác để tạo công ăn việc làm cho nhiều người trong gia đình. Tuy cực nhưng có nhiều niềm vui, nhất là thấy đất nước ngày càng phát triển, đúng như dự đoán của tôi từ trước, nên tôi càng tin hướng đi của mình là đúng.
____
Ông đã gặp không ít khó khăn, vậy ông đã vượt qua những khó khăn ấy như thế nào?
Phải nhìn nhận thực tế là bất cứ nước nào trong quá trình phát triển cũng có những điều bất cập, cần phải điều chỉnh để hoàn thiện, nhất là vấn đề pháp luật. Việt Nam cũng thế, nhưng đất nước chúng ta thanh bình, con người thân thiện, hiếu khách nên tôi tin những khó khăn chung đó chỉ là phản ứng phụ đương nhiên của xã hội, không phải là cái gì cố hữu ghê gớm. Cách nhìn của tôi là không nên đánh giá vấn đề một cách phiến diện, thấy hiện tại chưa được rồi bi quan, mà phải suy xét cho thấu đáo trên bình diện văn hóa, lịch sử… Dĩ nhiên, chuyện làm ăn thì cũng có may rủi, không phải việc gì cũng suôn sẻ, theo ý muốn của mình nhưng nếu có quyết tâm thì mọi việc cũng giải quyết được.
____
Nhưng nhiều Việt kiều cho rằng về thủ tục hành chính vẫn chưa được thuận lợi, ông thấy đó là điều đúng không hay chỉ do so sánh với nước ngoài?
Tôi cũng đã phát biểu nhiều lần tại các cuộc họp lấy ý kiến về công tác kiều bào. Chúng tôi nhận thấy tư duy Nhà nước mình đã thay đổi rất nhiều, về chính sách, văn bản thì đã rất cởi mở, thông thoáng, nhưng mới chỉ dừng ở cấp Trung ương mà các cơ sở ở địa phương mới là cấp trực tiếp thực thi, thời gian thực hiện chủ trương nhanh hay chậm tùy thuộc nhiều vào hệ thống hành chính các cấp. Chúng ta làm sao học cách tuyên truyền như trong thời chiến thì tôi cho rằng sẽ rất hiệu quả. Việc cần điều chỉnh nữa là cấp visa, đã cho Việt kiều được mua nhà mà mỗi khi họ về nhà mình lại phải đến Lãnh sự quán nước sở tại để được cấp visa, hay phải qua trung gian làm giúp. Làm vậy tâm lý ai cũng cảm thấy không được thoải mái. Nhà nước mình không chủ trương làm khó Việt kiều, nhưng cũng nên tạo điều kiện để họ được thoải mái, thuận tiện hơn trong việc đi về. Có như vậy thì Việt kiều mới không ngán thủ tục mà nghĩ tới chuyện làm ăn, còn đóng vai trò là nhịp cầu trong việc liên kết với đối tác nước ngoài cùng đầu tư vào trong nước.
____
Phải chăng vì cái tính “thẳng ruột ngựa”, không thỏa hiệp với cái xấu, nên cũng có người không thích ông?
Xã hội dung nạp cả người tốt, người xấu, mỗi người có sở thích, ước muốn khác nhau nên thông thể áp đặt người khác giống mình. Tôi không trách giận hay phiền lòng ai không thích hợp với mình. Nhưng với người xấu thì tôi chỉ có thể giao tiếp bình thường chứ không tạo nên tình thân. Người ta ghét tôi vì tôi nói thật, tôi không sợ điều đó. Người biết sống là phải biết thích nghi với mọi hoàn cảnh mà vẫn giữ được mình. Quan trọng là phải cư xử sao cho đúng đạo làm người. “Người ta chết để tiếng” mà, nói về tôi, hãy nói “Ông Thành là người như vậy!”.
Tôi học được từ sách rất nhiều điều hay và cố gắng thực hiện theo mỗi ngày một ít.
____
Trong công việc ông rất nghiêm túc, có phần nguyên tắc nữa, còn sống thì lại rất tính cảm. Làm sao ông có thể dung hòa tính cách để được sự trung dung ở đời?
Tôi bước qua cái tuổi “tri thiên mệnh” đã lâu, bao nhiêu “hỉ nộ ái ố” của cuộc đời hầu như đã trải qua cả. Tôi nhận ra rằng chữ tâm của con người mới thật là đáng quý. Vị trí mỗi người đứng khác nhau nhưng con người ai cũng như nhau. Tôi học được từ sách rất nhiều điều hay và cố gắng thực hiện theo mỗi ngày một ít. Trong đó, phải biết cân đối giữa công việc và tình cảm. Nhân viên có làm sai thì cũng nên xem xét, góp ý chân tình để họ sửa đổi chứ không nên chỉ trích gay gắt, hay cho mình cái quyền là sếp rồi muốn hành xử sao cũng được. Tôi không chịu được cái kiểu thơn thớt ngoài miệng nhưng là nói một đằng, làm một nẻo. Mỗi người đều phải thu xếp để ra đi theo hành trình của cuộc đời sắp đặt, bởi thế đâu có cái gì là giữ mãi bên mình được. Chỉ có sống thật với chính con người mình mới không có gì để bận lòng hay hối tiếc. Không biết như vậy tôi đã đạt được sự trung dung chưa?
____
Hình như ông rất “mê tín” sách. Ông có còn học được những điều gì từ sách nữa không?
Tôi có thói quen đọc sách trước khi ngủ, hôm nào không đọc là cảm thấy thiếu, không chịu được. Chỉ tiếc là không có nhiều thời gian nên lúc đi công tác, ngồi trên xe tôi cũng đem theo sách để đọc. Trong 14 điều răn của nhà Phật có nói điều ngu xuẩn nhất của con người là dối trá, thất bại nhất là ganh tỵ, tài sản quý báu nhất là sức khỏe và trí tuệ, phá sản lớn nhất là tuyệt vọng, còn điều quý nhất của con người là biết đứng dậy sau khi ngã. Tôi rất tâm đắc những điều này và cố gắng học theo để triệt tiêu cái xấu của bản thân. Tôi tự răn mình lúc nào cũng phải biết kiềm chế, bởi chỉ có thể biết được việc hôm nay chứ mấy ai biết được việc ngày mai!
____
Không thể biết trước việc ngày mai? Hình như ông có tin vào số phận?
Từ nhỏ, tôi đã được dạy sống ngay thẳng, không nên làm việc gì hại người. Đó là đạo đức phải giữ chứ không tin chuyện khấn vái thần thánh. Rồi lớn lên, ra đời làm ăn, có những chuyện không chứng minh hay lý giải được, vì đã tính như bài toán một cộng một mà lại không đúng nên dần tôi tin là có số phận. Ông bà mình chẳng nói “tiểu phú do cần, đại phú do thiên” đó sao. Do ảnh hưởng của gia đình, thấy ông bà, cha mẹ làm gì thì mình hay để ý, bắt chước theo. Bây giờ, dù có đi đâu về nhà trễ đến mấy tôi vẫn đốt nhang rồi mới ngủ, sáng sớm thức dậy cũng thế. Nói thật, dù không khấn vái gì, đốt cây nhang xong tôi thấy lòng mình bình yên, phiền muộn gì cũng vơi đi. Tôi nghĩ, nên tôn trọng, giữ gìn tín ngưỡng của ông bà mình bằng cách tiếp nhận với sự tĩnh tâm cũng là điều tốt, không nên mê tín mù quáng là được.
____
Ông có nhiều bạn bè không?
Tôi có niềm vui là có nhiều bạn bè tốt trong đời. Bạn thì có bạn ngày, bạn tháng, bạn năm… tôi nghĩ tất cả đều do cách đối xử của mình như thế nào mà nhận lại được như thế nấy. Tuy làm kinh tế, trong công việc phải tính toán việc lời lỗ nhưng trong tình bạn tôi quý sự chân thành tuyệt đối, không thích kiểu sống hai mặt.
____
Điều hạnh phúc nhất của ông?
Tôi còn có mẹ.