Mặc dù mang phong cách ngoại nhập, nhưng dân TP.HCM không lạ gì hạt bạch quả: có thể nấu cháo với tàu hủ ky, nấu chè bạch quả thật dẻo và ngậy, gà tiềm bạch quả là món ngon yến tiệc… Tuy vậy, ít ai biết được bạch quả chính là hạt cây ngân hạnh, sống sót từ cả trăm triệu năm trước, còn xưa hơn cả loài khủng long, được ví như “gấu mèo” trong giới thực vật.
Cây ngân hạnh có tên khoa học là Ginkgo biloba L .,bắt nguồn từ tiếng Nhật, thuộc ngành Ngân hạnh (Ginkgophyta). Ngành này thuộc thực vật hạt trần, chỉ có 1 loài duy nhất là cây ngân hạnh. Vào thời cực thịnh, ngành Ngân hạnh từng có 5 lớp 150 chi tồn tại song song, phủ khắp toàn cầu, trừ 2 cực và xích đạo. Khi thực vật hạt kín xuất hiện, thực vật hạt trần nói chung và ngành Ngân hạnh nói riêng đã nhanh chóng tàn lụi, các loài khác đã bị tuyệt diệt vào thời Permian, cách đây 270 triệu năm, chỉ còn lại trơ trụi 1 loài ngân hạnh. Cây ngân hạnh còn xa xưa hơn khủng long và tồn tại cho đến bây giờ, xứng đáng với biệt danh “hóa thạch sống”.
Vào thời Băng hà kỷ Đệ tứ, cách nay 2,5 triệu năm, cây ngân hạnh cũng đối mặt với cảnh tuyệt chủng, vùng phân bổ đã thu hẹp chỉ còn ở vùng Đông Á. Năm 1712, một bác sĩ người Đức đã phát hiện cây ngân hạnh ở Nhật Bản và di thực sang châu Âu, từ đó phổ biến ra toàn cầu. Tất cả cây ngân hạnh đều là nuôi trồng, chưa tìm thấy cây mọc hoang.
Trong nhóm thực vật hạt trần, chỉ có duy nhất ngân hạnh là cây mộc lớn lá rụng, có thể cao tới 50m, đường kính 4m, lá rộng 5-10cm, hình rẻ quạt. Quả cây ngân hạnh gọi là “bạch quả”, theo tài liệu TQ, bạch quả là từ gốc Việt (?). Thực ra, bạch quả chỉ là hạt, chẳng qua là có lớp vỏ hạt khá dày – trên nấc thang tiến hóa, cây ngân hạnh chưa hình thành “quả” đúng nghĩa.
Tôi từng du lịch cố cư Mạnh Tử ở huyện Trâu Thành, tỉnh Sơn Đông TQ. Nho gia còn gọi là “đạo Khổng Mạnh”, đã suy tôn Mạnh Tử là “Á Thánh”, chỉ đứng sau “Chí Thánh” Khổng Tử. Mặc dù thời gian đã trôi qua 2.400 năm, nhưng qua các triều đại tu bổ, nên Mạnh phủ được bảo dưỡng rất tốt. Qua khỏi cổng chính, đến cổng chào “Phường Á Thánh”, sau đó là khu vườn tuy không rộng, nhưng có tới 430 cây cổ thụ phần lớn đều trên 800 năm tuổi cao ngất trời, tạo thành một cảnh quan độc đáo của Mạnh phủ.
Trước cổng vào điện chính, có một cặp cây ngân hạnh, 1 cây đực, 1 cây cái. Khi tôi đến, lá cây đã vàng rực nhưng còn treo trên cây, che khuất cả bầu trời khiến ngôi đền cổ dạt dào ý thu. Ngân hạnh nổi tiếng là cây trường thọ, 2 cây này tuy đã 700 năm tuổi, nhưng cũng chưa phải là cao tuổi nhất; ở TQ có cả chục cây trên ngàn năm tuổi, trong đó có một cây đã 3.000 năm tuổi ở huyện Cử, tỉnh Sơn Đông TQ, nghĩa là “cụ ngân hạnh” từng chứng kiến sự kiện “Võ Vương phạt Trụ”.
Ngân hạnh cây đực cây cái khác gốc, người coi đền Mạnh giải thích rằng, 2 cây đực, cái phải trồng cách nhau tối đa 20m, mới ra trái được, nên được gọi là “cây vợ chồng”. Hình như người gác cổng cũng thấm nhuần thuyết Mạnh Tử về luân thường vợ chồng, áp dụng cả với cây cỏ. Họ còn nói cây ngân hạnh là “cây cái ra hoa, cây đực kết trái”(?). Thực ra, cây đực tuy không ra trái, nhưng có thể thụ phấn cho khoảng 20 cây cái.
Cây ngân hạnh trồng bằng hạt, sinh trưởng rất chậm, phải mất 30 năm mới ra trái, nên còn được gọi là “công tôn thụ” (cây ông cháu), hàm ý đời ông gieo hạt, đời cháu mới được ăn trái.
Giá trị kinh tế cây ngân hạnh mang lại
Giá trị thưởng ngoạn
Với sắc lá vàng đặc trưng, cây ngân hạnh được sử dụng phổ biến để tạo điểm nhấn cảnh quan trên những tuyến đường, góc vườn hoặc thành nhóm trước một không gian lớn sẽ hiệu quả trong việc thu hút thị giác. Về mùa thu lá ngân hạnh chuyển thành màu vàng rực và sau đó rụng dần trong khoảng 2 tuần, thường làm phông cho các tấm ảnh về mùa thu.
Ngân hạnh là cây quý được dùng để tạo hình khá phổ biến trong nghệ thuật cây cảnh bonsai. Gỗ được dùng làm đồ gỗ cao cấp, sản phẩm điêu khắc…
Ngân hạnh trong ẩm thực
Hạt ngân hạnh là một trong các thực phẩm truyền thống của người Trung Quốc và Nhật Bản, Hàn Quốc, được lưu truyền sang nước ta, sử dụng trong món cháo, chè, tiềm, vị ngọt dẻo, rất ngon. Món “bạch quả tiềm gà” là món nổi tiếng, thường được làm trong các yến tiệc. Hạt ngân hạnh nghiền ra thành bột để làm phở, miến, bánh bích quy, làm tương, nấu rượu, chế biến trà.
Ngân hạnh trong y học
Các nhà khoa học đã tìm thấy 170 loài hóa chất trong cây ngân hạnh. Hai thành phần có tác dụng làm thuốc là: flavonoids và terpenoids. Flavonoid là chất chống oxy hóa thực vật có tác dụng bảo vệ các dây thần kinh, cơ tim, mạch máu và võng mạc khỏi bị bệnh biến; trong khi terpenoid giúp cải thiện lưu lượng máu bằng cách làm giãn nở các mạch máu và làm giảm độ dính của tiểu cầu. Từ lá ngân hạnh chiết xuất ra thuốc Ginkgo biloba hoặc biệt dược Tanakan, có tác dụng chữa bệnh Helmertz và tăng cường tuần hoàn ngoại biên.
Ở ta, cây ngân hạnh được dùng làm dược liệu chữa bệnh ho, hen suyễn, khử đờm, trẻ đái dầm, phụ nữ ra khí hư, thuốc bổ phổi, đề phòng ung thư và thấp khớp, tăng cường khả năng miễn dịch, tăng cường tuần hoàn máu. Ở Hàn Quốc, công nghiệp dược từ cây bạch quả chỉ đứng sau sâm cao ly.
Chuyện vui cây ngân hạnh
Trước đây, cây ngân hạnh được xếp chung họ Sam, năm 1896, nhà thực vật học Nhật Bản phát hiện khi hạt phấn cây ngân hạnh nảy mầm cho ra 2 tinh trùng di động bằng tiêm mao trong khi tinh trùng của tất cả thực vật khác đều không có khả năng di động, gọi là “tinh tử”, nên họ đành phải tách thành một ngành độc lập, mặc dù chỉ có 1 loài. Ngày nay, nơi phát hiện sự kiện “trọng đại” trên, người Nhật đã dựng bia kỷ niệm.
Sức sống mạnh mẽ của cây ngân hạnh có thể thấy qua vụ nổ bom nguyên tử tại Hiroshima, Nhật Bản (1945), tại đó có 4 cây ngân hạnh mặc dù bị đốt cháy hoàn toàn nhưng hiện nay chúng đã hồi phục và phát triển tốt, nên ngân hạnh được xem là biểu tượng của Nhật Bản về sức sống ngoan cường.
Cây ngân hạnh khi gặp những thiên tai, nhân họa như hạn hán, nạn cào cào, lửa thiêu, sét đánh, khiến phần lớn lá cành chết khô, nhưng tầng sinh trưởng của rễ chưa chết, một vài năm sau khi đủ chất dinh dưỡng và môi trường thuận lợi lại đâm chồi nảy lộc, tựa như sống đi chết lại. Người xưa không hiểu điều đó, coi như điềm lành, nên ở TQ, Phật giáo cũng như Đạo giáo, suy tôn cây ngân hạnh là cây tiên, cây Phật, được bảo vệ nghiêm ngặt.
Nhà đại danh họa Cố Khởi Chi thời Đông Tấn TQ (TK III) đã sáng tác bức họa “Lạc thần phú đồ”, hiện bảo tồn tại Bảo tàng đô thị New York, đã mô tả cảnh nhà thơ thời Tam Quốc Tào Thực gặp “người tình trong mơ” nữ thần Lạc Thủy. Trong hình có cả trăm cây ngân hạnh, mỗi cây một kiểu, rất sống động.
Theo cụ Quách Mạt Nhược, cây ngân hạnh được gọi là “sứ giả thân thiện phương Đông”. Từ thế kỷ 8, cây ngân hạnh truyền bá sang Nhật Bản, trở thành biểu tượng của nhiều tỉnh thành, ngay búi tóc của các vận động viên Sumo cũng được gọi là “búi tóc ngân hạnh”.
Từ cuối thế kỷ 18, cây ngân hạnh đã được trồng rộng rãi ở các nước Đức, Anh, Ý… làm cây bóng râm, nhưng họ không phân biệt được cây đực cây cái, nên toàn trồng cây đực vì chúng sinh trưởng nhanh hơn, mãi đến năm 1814, cây cái đầu tiên mới được phát hiện ở Geneva (Thụy Sĩ).
Tại Việt Nam, từ năm 1999, việc trồng thử cây ngân hạnh đã được tiến hành tại 5 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Lào Cai, Quảng Ninh. Đến năm 2001, Công ty Shin Wha Hàn Quốc và Tổng đội TNXP Vạn Xuân, đã chọn Mộc Châu để thành lập “Trung tâm Cây ăn quả và cây lâm nghiệp chất lượng cao Việt-Hàn”.
Từ năm 2002, tại vườn ươm Bản Dọi, hai bên đã bắt đầu trồng khảo nghiệm cây ngân hạnh dưới 2 phương pháp gieo hạt và trồng cành gốc ngân hạnh được nhập khẩu từ Hàn Quốc. Đến năm 2006, Trung tâm giống Việt-Hàn sẽ có khoảng 3 – 4 triệu cây ngân hạnh phục vụ chương trình trồng rừng ở vùng Tây Bắc và khuyến khích đưa vào sử dụng trồng ở các đường phố Việt Nam.