Rõ ràng là quán ở góc này, chỉ cần đi thẳng một đường là tới, thì bạn lại lòng vòng một hồi, ngơ ngác nhìn những cánh cửa sập đóng dán đầy tờ rơi cho thuê mặt bằng, những hàng rào gỉ sét, những bảng đèn gỡ bỏ dở dang chưa kịp thay mới… Bạn lạc đường trong khu phố tưởng đã nằm lòng.
Khi cuộc sống dần trở lại bình thường, chí ít là được ra đường, vào một sáng Chủ nhật, bạn đạp xe đến quán cà phê quen thuộc định mua một ly “take away” rồi kiếm vỉa hè nào đó ngồi nhìn phố sá. Ngày thường thì vì đường đông, vì mải nghĩ ngợi trăm công nghìn việc trong đầu, có khi dòng xe đưa đẩy bạn lệch một điểm đến. Bạn muốn tới nơi này nhưng lại tấp vào nơi khác.
Nhưng bây giờ thì trong đầu bạn hoàn toàn trống rỗng, không kịp có một dự định hay kế hoạch nào ngoài việc làm quen lại với đời sống bên ngoài sau một thời gian dài cấm túc, và con đường thì hãy còn vắng vẻ thông thoáng, vậy mà cũng trôi nổi như thường. Bạn kịp nhận ra sự trớ trêu này: nếu không trôi nổi trong sự bề bộn thì con người cũng lại sẽ trôi nổi trong sự trống trải.
Trên vỉa hè, vài người cũng như bạn, tay xách một ly cà phê “take away” và ngồi bệt trước những cửa hiệu sập đóng. Có vài cuộc hẹn. Có vài câu chuyện rôm rả mà tiếng nói bị vo tròn đi sau những lớp khẩu trang dày. Đường phố có người, có gặp gỡ, ngỡ là đã có sinh khí rồi nhưng cái hậu cảnh phía sau các đám đông rời rạc đó vẫn là những cửa nhà hàng quán đóng kín, âm thầm biểu đạt một điều gì đó chưa thật an tâm để có thể nói là bình thường. Thi thoảng một tiếng xe cứu thương vụt qua hụ còi nhắc nhớ những dư chấn còn đâu đó.
Có những dãy phố trung tâm bỗng trở nên hun hút vì hàng dãy mặt tiền đóng kín. Trên trụ điện, cửa sắt, bức tường chằng chéo ngang dọc là đủ kiểu tờ rơi. Có những tờ rơi chưa kịp bong tróc sau một cơn mưa thì đã được dán chồng lên một tờ mới. Những số điện thoại được phóng to, chúng tranh chấp nhau, cố bám lâu nhất có thể trên những mặt đứng, để chỉ trông mong nhận được một sự lưu tâm kiếm tìm nào đó. Nhưng có vẻ như mỗi ngày chúng chỉ gặp những cái xoay lưng, lót dép lê la đốt thì giờ bên ly cà phê của những kẻ ra vẻ nhàn nhã tận hưởng như bạn. Mà cũng chẳng biết họ có như bạn thật hay không: sau khi mắc kẹt trong những không gian chật chội thì đang rơi vào tình thế mắc kẹt trong thời gian.
- Xem thêm: Ôi em tôi, Sài Gòn không… vỉa hè
Chẳng biết bao giờ mới có những người bước vào mở điện, sửa sang, gắn lên một biển hiệu mới, treo trên cửa kiếng ra vào một tấm biển “coming soon” như vẫn thấy trong đời sống đầy linh hoạt ngày cũ.
Nếu đi qua khu trung tâm Sài Gòn vào buổi sáng, sẽ dễ nhận ra không khí yên tĩnh vào thời khắc đầu ngày. Người già thể dục, trẻ em cùng cha mẹ chạy đuổi bồ câu trên phố đi bộ, tiếng động cơ xe máy ít lại, một vài con đường nhánh vắng hoe thậm chí không người. Sự yên tĩnh đó không như cái yên tĩnh của những ngày lễ tết trước đây trong cuộc sống bình thường mà là một sự yên tĩnh ngấm ngầm cho thấy cơn sang chấn còn dài, còn rình rập. Sâu xa hơn, nó còn dai dẳng trong não trạng của con người. Chưa thể tiếp tục, chưa thể bắt đầu, ngồi yên và nghe ngóng, thậm chí ngồi yên để chờ thời gian lướt đi vì chẳng biết phải làm gì.
Lời hứa về ánh sáng hầm chỉ có trên chương trình thời sự của tivi mà thôi. Ai cũng hiểu là vậy!
Sự trở lại của “bình thường mới” khác chi một bài toán còn nhiều ẩn số mù mờ mà người ta không thể yên tâm để đặt cược vào những kế hoạch lâu dài trong đời sống sau khi đã quá nhọc hơi vì những màn áp đặt bất nhất.
Chưa bao giờ ly cà phê vỉa hè lại thơm ngon như vậy. Bạn tìm lại được khẩu vị cũ của mình sau khi đi lạc. Bạn nhìn bóng nắng nhảy nhót trên những tán lá, nhìn những dây leo và cỏ rêu đang vươn bám trên những bức tường chỉ sau vài tháng các cửa hàng không mở cửa. Một cuốn sách nào đó bạn đã đọc lâu rồi nói rằng, giới tự nhiên đã hồi sinh và xâm chiếm nhanh chóng những công trình kiến trúc của con người trên những đô thị hoang tàn vì chiến tranh. Nhưng bây giờ không phải là cuộc chiến nào và vì thế cũng không thể xác định bao giờ tàn cuộc, dù hơn 16.000 con người trong thành phố này sau một vài tháng đã không còn trở lại trên những con đường, và hàng trăm ngàn người đã bằng mọi cách để thoát khỏi thành phố, đi về những miền quê.
Những góc phố thay hình đổi dạng trước mắt bạn khi chúng mang lấy một chiếc áo dệt bằng những mối hoài nghi.